Đạo diễn Việt Linh và nhà báo Lữ Đắc Long đều là những tên tuổi quen thuộc trong lĩnh vực điện ảnh. Việt Linh là một trong những đạo diễn xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng lớn về nghệ thuật điện ảnh trong và ngoài nước. Nhà báo Lữ Đắc Long xuất thân từ diễn viên đóng thế (cascadeur) rồi làm nhiếp ảnh gia phim trường, nhà báo.
Điểm chung của cả hai là đều có hiểu biết rất lớn đối với đời sống điện ảnh Việt Nam, dù rằng do đặc thù công việc, sự hiểu biết của mỗi người còn những điểm khác nhau. Đạo diễn Việt Linh am hiểu công việc làm phim, những vấn đề chuyên môn ở góc độ một đạo diễn. Lữ Đắc Long lại rành rẽ cuộc sống, công việc của người diễn viên, những góc khuất nghề nghiệp của họ.
Và cả hai đã cùng kết hợp với nhau để cho ra mắt bạn đọc một cuốn sách có nhan đề Hậu trường phim ảnh mà như họ tự giới thiệu là sẽ hé lộ những chuyện cười ra nước mắt chốn hậu trường làm phim ở Việt Nam. Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM liên kết cùng Công ty sách Phương Nam (Phương Nam Book) thực hiện.
Bìa sách Hậu trường phim ảnh
Thực ra, những câu chuyện hậu trường trong sách không hẳn mới lạ. Với những câu chuyện của Lữ Đắc Long, người đọc đôi khi được đọc đâu đó, một bài báo, một chuyện kể…; của Việt Linh cũng thế, những chuyện nghề của đạo diễn, trợ lý, thư ký trường quay… cũng đã đôi lần xuất hiện. Thế nhưng, ở Hậu trường phim ảnh, dù các câu chuyện không hẳn mới nhưng lại có cách thể hiện đầy mới lạ. Như các câu chuyện của Lữ Đắc Long, thay vì những chuyện kể vụn vặt thì nay được anh tổng hợp lại theo từng chuyên mục cụ thể như nhậu trên phim, hoa hậu đóng phim, khóc, cháy nổ, chuyện cạo đầu, leo trèo…
Điểm đặc sắc nhất là nhờ có vốn kiến thức vô cùng đa dạng thu thập từ những năm tháng theo các đoàn phim trong vai trò đóng thế, rồi nhiếp ảnh và sau này khi là một nhà báo. Chính vì thế, chuyện của Lữ Đắc Long không bao giờ là chuyện kể chung chung, mỗi câu chuyện đều cụ thể với con người, tình huống, thời gian, không gian… cung cấp cho người đọc cả một sự thật đầy sống động trong đời sống điện ảnh Việt những năm gần đây.
Khác với Lữ Đắc Long nhìn bộ phim dưới con mắt người diễn viên, nhân viên hậu đài…, Việt Linh lại nhìn dưới con mắt một đạo diễn. Ở đây sách đã có một cách thể hiện khá đặc sắc, ví dụ câu chuyện về chủ nhiệm phim, dưới con mắt của các diễn viên, từ chính, phụ đến cả diễn viên quần chúng sẽ khác hoàn toàn dưới con mắt đạo diễn. Chính vì thế, cùng vai trò chủ nhiệm phim trong một bộ phim cụ thể thì Lữ Đắc Long sẽ đưa bạn đọc đến những câu chuyện rắc rối giữa họ và diễn viên trong khi Việt Linh lại giúp bạn đọc hiểu nỗi khổ của họ với đạo diễn, với áp lực của đoàn phim.
Dưới cái nhìn ở hai hướng như thế, Hậu trường phim ảnh không dừng ở chỗ thỏa mãn sự tò mò của khán giả, bạn đọc với những câu chuyện đằng sau hào quang màn ảnh. Ở đó có đầy những vui buồn, chua cay, những bực tức, giận dữ và thậm chí cả những nhỏ nhen, toan tính mà dù chủ ý hay không thì qua những câu chuyện kể của các tác giả, bạn đọc hoàn toàn có thể cảm nhận được. Một đời sống điện ảnh chân thật và sống động được tái hiện qua tác phẩm và sẽ là một vốn quý cho những ai muốn hiểu thêm, muốn biết thêm về điện ảnh Việt giai đoạn những năm đầu thế kỷ 21 đến nay.
XUÂN THÂN