Sau thời gian tập trung đầu tư nguồn lực, khảo sát lập hồ sơ, nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không nói cũng có thể hình dung được những tín đồ của đờn ca tài tử, sân khấu cải lương nói riêng và những người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống nước nhà nói chung vui như thế nào, bởi Việt Nam có thêm một loại hình nghệ thuật truyền thống được cả thế giới ghi nhận. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, bên cạnh vinh dự lớn lao ấy là trách nhiệm nặng nề, bên cạnh niềm vui còn là nỗi trăn trở của những nhà quản lý, của cơ quan chức năng và cả khán giả.
Đờn ca tài tử - những giá trị tinh hoa của dân tộc được đúc kết hơn trăm năm, qua nhiều thế hệ nay đã được con cháu tiếp nối, tôn vinh, được thế giới biết đến là niềm tự hào. GS-TS Trần Văn Khê từng đúc kết, để bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử, điều quan trọng nhất là đừng để loại hình nghệ thuật này bị biến chất. Trước đây, đờn ca tài tử là cuộc chơi trong gia đình, trong làng xóm, có thể chơi trong thính phòng hoặc giữa khung cảnh thiên nhiên đều được. Trong cuộc chơi, những người mộ điệu có thể tham gia đờn ca tự do, thoải mái, không sợ đờn sai hay ca sai vì cốt yếu chỉ là “khoái bạn”, “khoái mình” mà chơi. Còn hiện tại, không ít người có xu hướng đờn, ca làm sao cho vừa tai... ban giám khảo một cuộc thi hoặc vừa lòng những “thượng đế” đã trả tiền cho họ. Không lo ngại sao được khi thú chơi đờn ca tài tử ngày xưa khi ra đời trước hết để giãi bày lòng mình thì nay đã trở thành loại hình nghệ thuật biểu diễn có tính cách mưu sinh.
Từ phong trào chấn hưng nghệ thuật đờn ca tài tử, ở 21 tỉnh thành Nam bộ hiện nay có đến hàng ngàn câu lạc bộ (CLB) lớn nhỏ với hàng chục ngàn người tham gia sinh hoạt. Việc trau chuốt về kỹ thuật ca và đờn rất tốt, trang phục biểu diễn cũng được đầu tư chỉn chu. Nhưng như thế mới chỉ là hình thức bề ngoài, còn nội dung, tức là cái tình của người chơi, chất ngẫu hứng, giao lưu có vẻ khá nhạt nhòa. Có những CLB, người chơi ngồi rất nghiêm túc, chăm chú, trúng nhịp, trúng giọng nhưng thiếu tính ngẫu hứng, trao đổi tự nhiên vì thế làm mất nét đặc thù riêng của nghệ thuật này. Tại TPHCM, hoạt động đờn ca tài tử dù được tổ chức khá thường xuyên nhưng nhìn chung vẫn thiếu sân chơi cho người mộ điệu.
Một vấn đề khác rất đáng quan tâm là với loại hình nghệ thuật được gìn giữ, truyền dạy theo lối truyền khẩu như đờn ca tài tử Nam bộ mãi đến nay vẫn chưa có một chế độ đãi ngộ nào để gọi là xứng đáng cho các nghệ nhân dân gian - những người “giữ lửa” đóng vai trò nền tảng trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Do tuổi cao sức yếu, những nghệ nhân dân gian lĩnh vực đờn ca tài tử vốn không nhiều lại đang ngày càng mai một. Không lo làm sao được khi chậm chân ngày nào, nguy cơ mất đi những “báu vật nhân văn sống” ấy sẽ càng cao.
Một cánh én không làm nên mùa xuân. Không phải đợi đến khi được thế giới vinh danh thì ta mới tính đến chuyện bảo tồn. Trước đây, TPHCM từng có đề án đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam vào giảng dạy cho học sinh ở bậc học phổ thông, tuy nhiên vì nhiều yếu tố khách quan, đề án này vẫn chưa thực hiện được… Bảo tồn đờn ca tài tử đang rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
MINH AN