Vun trồng “cái gốc” của bình ổn

Liên tục trong 2 năm 2006 và 2007, thị trường TPHCM phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm. Lần đầu tiên trong lịch sử, vào dịp Tết Bính Tuất 2006, nhiều người phải chen chân nhau mới có thể mua được một con gà đông lạnh để cúng tết! Điều này cũng đồng nghĩa, tại thời điểm đó, lãnh đạo TP đã rất chật vật trong việc điều hành cung - cầu hàng hóa; giá bán giống như “ngựa bất kham” tăng từng ngày, từng giờ vào dịp cao điểm tết.

Có thể lý giải cho tình trạng khan hàng, tăng giá trong những năm đó là dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cộng với sự biến đổi thất thường của khí hậu khiến cho việc chăn nuôi trong dân bị co cụm. Thị trường hàng hóa, giá cả lúc đó chủ yếu do các đại gia trong ngành chăn nuôi, đặc biệt là các DN FDI thao túng!

Trước tình hình này, lãnh đạo TPHCM liên tục có những buổi làm việc với các sở, ngành chức năng, các DN trong từng lĩnh vực để tìm cách tháo gỡ. Ngay sau Tết Bính Tuất, TPHCM đã xác định, nguyên nhân chính của việc khan hiếm nguồn cung, tăng giá hàng hóa chính là do chúng ta chưa chủ động được nguồn hàng. Điều quan trọng nhất, muốn bình ổn thị trường thì chúng ta không thể điều hành bằng mệnh lệnh suông mà phải có trong tay một đội ngũ DN mạnh, chủ động được nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP.

Từ thực tế này, lãnh đạo TP đã yêu cầu các sở, ngành chức năng xây dựng hàng loạt đề án để phát triển nguồn nguyên liệu, cung ứng cho thị trường TP. Đến năm 2008, các đề án này cơ bản hoàn thành, năm 2009 TPHCM bắt tay vào triển khai. Một trong số đó, có thể kể đến Đề án Kế hoạch phát triển chăn nuôi tạo nguồn hàng cho thị trường TP, được triển khai song song với Chương trình Tạo nguồn hàng thiết yếu và bình ổn thị trường đến năm 2015.

Để thực hiện được đề án này, TP cũng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ DN triển khai thực hiện như Chương trình kích cầu đầu tư, hỗ trợ vốn vay cho DN theo Quyết định 33 của UBND TP. Cùng với đó, TP cũng phê duyệt hàng loạt đề án khác nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN yên tâm sản xuất kinh doanh như đề án Phát triển hệ thống bán buôn bán lẻ; Đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” nhằm giám sát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm theo chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và xây dựng thương hiệu cho DN…

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng, mục đích của các đề án nêu trên nhằm hỗ trợ cho DN trong chương trình tạo nguồn thực phẩm, chủ động đảm bảo cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung cho các mặt hàng là thịt heo, thịt bò, trứng, gia cầm. Đây là cơ sở để các DN liên kết, khai thác đất đai, vốn, kỹ thuật, lao động, tạo ra sản phẩm với giá thành phù hợp tham gia bình ổn thị trường. Đồng thời, tăng tỷ trọng chăn nuôi trang trại, nâng cao năng suất, giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường và kiểm soát được dịch bệnh.

Từ những chủ trương kịp thời, đúng đắn, phù hợp với xu hướng, nhu cầu thực tiễn cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP và sự sát cánh của các sở, ngành chức năng, các DN trong chương trình bình ổn thị trường đã mạnh dạn tổ chức đầu tư cho công tác tạo nguồn hàng, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất chăn nuôi, giảm chi phí, giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cung ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điển hình như các DN Công ty Phạm Tôn, Công ty Ba Huân, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Vissan, Liên hiệp HTX thương mại TPHCM, Công ty San Hà, Công ty Vĩnh Thành Đạt… đã và đang từng bước hiện đại và khép kín quy trình từ sản xuất đến phân phối hàng hóa.

Trên thực tế, việc triển khai sản xuất và chăn nuôi theo mô hình hiện đại đã và đang lan tỏa trong cộng đồng DN. Cho dù sản lượng hàng hóa của mô hình này mới chỉ chiếm một phần so với tổng lượng hàng hóa lưu chuyển cũng như nhu cầu tiêu dùng trong dân, nhưng chính từ sự chủ động, sáng tạo và cách tổ chức sản xuất ngày càng bài bản, chuyên nghiệp nên trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, các DN bình ổn thị trường vẫn tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục