Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Duy trì tốc độ vượt trội

Ngày 4-6, tại TPHCM, đã diễn ra hội nghị tổng kết Nghị quyết số 53 (NQ53) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Duy trì tốc độ vượt trội

(SGGP).- Ngày 4-6, tại TPHCM, đã diễn ra hội nghị tổng kết Nghị quyết số 53 (NQ53) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Kiểm tra chất lượng trụ điện bê tông trước khi xuất qua Campuchia ở Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Đ.Thành

Kiểm tra chất lượng trụ điện bê tông trước khi xuất qua Campuchia ở Công ty CP Bê tông ly tâm Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Đ.Thành

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ KH-ĐT cho thấy, trong 5 năm triển khai thực hiện NQ53 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách khác của Đảng, Nhà nước, vùng Đông Nam bộ và KTTĐPN đã có những bước phát triển tích cực trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các tỉnh, TP trong vùng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vượt trội so với bình quân chung cả nước (giai đoạn 2006 - 2010 là 11%/năm, cả nước đạt 7%/năm), cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vùng Đông Nam bộ và KTTĐPN đã có đóng góp lớn vào thu ngân sách, trong đó giai đoạn 2005 - 2010 chiếm 64% tổng thu ngân sách cả nước, riêng TPHCM đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách của vùng. Đời sống người dân tăng với thu nhập bình quân/người/năm đạt 48,6 triệu đồng (năm 2010, cả nước là 22,8 triệu đồng)…

Để đạt được mục tiêu phát triển vùng trong thời kỳ (2011 - 2020) là duy trì tốc độ tăng trưởng cao, chuyển biến mạnh về chất, nâng cao sức cạnh tranh, các đại biểu đã kiến nghị nhiều nội dung, trong đó có đề xuất mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quá trình xử lý vấn đề phát triển của địa phương mình. Để phát triển kinh tế, các ý kiến đề xuất đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, xây dựng TPHCM thành một trung tâm dịch vụ chất lượng cao của khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm phát triển đồng bộ, đi trước một bước; mở rộng, xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam; khắc phục tình trạng ngập úng, thiếu điện, thiếu nước sạch trong vùng…

Khẳng định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam bộ và vùng KTTĐPN đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh đến các giải pháp quan trọng cần thực hiện. Trong đó, cần sớm hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách để thực hiện NQ53; tăng cường vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với vùng. Chính phủ sớm hình thành một tổ chức phù hợp nhằm giúp Chính phủ chỉ đạo, điều phối các hoạt động chung của vùng, trước hết là chỉ đạo công tác xây dựng quy hoạch, phân bổ các nguồn lực trong vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng.

H.Hiệp

Tin cùng chuyên mục