Vườn Nhật Bản tại Hội hoa xuân 2009: Hồn của đá

Ấn tượng đá Nhật
Vườn Nhật Bản tại Hội hoa xuân 2009: Hồn của đá

Ở đó là một tập hợp ngăn nắp các vật thể thiên nhiên thu nhỏ gồm những tảng đá có dáng như quả núi, những ụ đất hình quả đồi và những cây bon sai dáng cổ thụ nằm lặng lẽ quanh hồ. Cách bày trí của vườn Nhật Bản mang nặng triết lý sâu xa của Thiền Tông…

Ấn tượng đá Nhật

Vườn Nhật Bản tại Hội hoa xuân 2009: Hồn của đá ảnh 1

Tùng Sơn Thạch hoa viên làm từ đá thiên nhiên Nhật Bản tại Hội hoa xuân TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM

Vườn Nhật rộng 1.200m² hiện ra thật ấn tượng với vô số tảng đá, mỗi tảng đá mang mỗi hình hài khác nhau. Dù là đá nguyên thủy nhưng chúng lại có hồn đến kỳ lạ. Có những tảng đá đứng sừng sửng mạnh mẽ nhưng cũng có tảng đá mang hình hài như những đợt sóng lăn tăn.

“Đường nét của đá do thiên nhiên tạo ra qua hàng ngàn năm xâm thực của mưa, nắng gió, bão… Cái khó là người chơi đá phải nhìn ra được thế đứng nào cho đá đẹp nhất để bày trí, có như vậy mới thấy được cái hồn của đá”, ông Ngô Chánh, Việt kiều Nhật, chủ nhân của khu vườn cảnh phân tích.

Bên cạnh những tảng đá tự nhiên (có tảng nặng đến 30 tấn) có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật được chế tác công phu, tỉ mỉ từ đá. Đó là những vật thể tựa như cái lu to tròn tròn bên trong là sen, là súng, là bèo hoa dâu hay những chú ếch (người làm kinh doanh xem đây là biểu tượng sự phóng nhanh, về đích sớm) và những chú rùa (biểu tượng của sự trường thọ) được chạm trổ khá công phu trông thật sinh động.

Nơi thời gian ngưng đọng...

Cầm trên tay tách trà Nhật thơm phức, nhâm nhi từng ngụm trà, chúng tôi lần lượt chiêm ngưỡng từng bộ bàn chế tác từ đá Nhật (có đến 25 bộ được bày ra để khách nghỉ chân). Phải nói rằng càng ngắm, càng thấy màu của đá Nhật tuyệt đẹp. Dù là dân chơi đá hay dân “ngoại đạo” khi đến đây ai ai cũng thầm muốn được sở hữu một vật gì đó từ đá Nhật. Màu đá Nhật không tuyệt đối. Nó có thể màu xanh hay màu đỏ chủ lực nhưng gam màu ấy lại được hòa quyện với những đường vân trắng, vàng nhạt, đen… tạo thành khối màu lung linh, huyền ảo.

Nghệ nhân Hai Thành, người có mặt ngay từ Hội hoa xuân đầu tiên của TPHCM (tổ chức vào năm 1981) nhận định: Nếu như kim cương có độ cứng 10 thì đá Nhật có độ cứng khoảng 6-7. Giá trị của đá Nhật không chỉ ở độ cứng mà màu của nó cũng không bị xuống sắc theo thời gian.

Dừng lại bên hồ nước đang thi công, ông nói tiếp: “Trong vườn Nhật, hoa, cây, cỏ, lá, đá, nước đều phải hiện diện theo một tỷ lệ, bố cục nhất định. Thiếu một yếu tố nào cũng sẽ biến khu vườn Nhật không còn là khu vườn Nhật”. Khi nhìn vào vườn Nhật, chúng tôi cảm nhận được yếu tố thời gian như ngưng đọng lại. Cách bố trí các vật thể tạo cho người ta cảm thấy được tịnh tâm thư giãn sau những giờ phút mệt mỏi, phiền muộn của cuộc sống.

Anh Trần Lê Đình Thảo, người trực tiếp thi công công trình này bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi thi công kiểu sân vườn Nhật. Khác với những công trình khác, việc thi công loại công trình không có bản vẽ này phải có cảm hứng thật sự mới sản sinh ra ý tưởng để thể hiện. Điều đó cũng có nghĩa khó có thể ấn định chính xác thời gian hoàn thành đối với loại công trình nghệ thuật này”.

Ông Ngô Chánh thổ lộ: “Về nước lập nghiệp 16 năm nhưng tôi đã có thời gian ở Nhật đến 22 năm. Hồi đó, nhà tôi ở ngay vùng Tứ Quốc Tùng Sơn thuộc tỉnh Ehime, nơi sản sinh ra loài đá nham thạch. Mỗi ngày chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đá, tôi không biết mình đã bị đá hút hồn tự bao giờ. Khi về nước lập nghiệp, cách đây 5 năm tôi bắt đầu đưa đá Nhật về chơi.

Tại Hội hoa xuân lần này, tôi chọn những tảng đá Nhật đẹp nhất đưa về bằng đường biển để người dân đến Hội hoa xuân thưởng ngoạn. Hội hoa xuân 2010, vườn Nhật sẽ được tổ chức bài bản hơn, quy mô hơn, thậm chí sẽ trưng bày viên đá nặng đến 65 tấn”.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục