Vườn Quốc gia Chư Mom Ray nỗ lực giữ màu xanh của rừng

Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được giao quản lý hơn 56.200ha rừng, trong đó, diện tích rừng đặc dụng là hơn 54.500ha, còn lại là rừng sản xuất. Rừng do Vườn quản lý nằm trải dài qua các xã: Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mo Ray, thị trấn Sa Thầy (thuộc huyện Sa Thầy) và các xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan (thuộc huyện Ngọc Hồi, cùng thuộc tỉnh Kon Tum). Những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng bảo vệ rừng của Vườn vẫn không ngại khó ngại khổ để bảo vệ màu xanh của rừng.
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tuần tra bảo vệ rừng
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tuần tra bảo vệ rừng

Ăn ngủ giữa rừng

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn theo chân lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra, ông Đào Xuân Thủy, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray “cảnh báo” trước: “Đi rừng vất vả, phải lội hàng chục con suối, băng cắt hàng chục quả đồi, tối ngủ trong rừng, hằng đêm phải đối diện với thú dữ đấy!”.

Trước sự cương quyết của chúng tôi, ông Thủy cầm điện thoại gọi cho ai đó rồi báo: “Ở xã Mo Ray có một tổ đang đi tuần tra, các anh chuẩn bị đi rồi anh em đưa vào đi cùng”.

Chúng tôi lên chiếc xe sắt mà ông Thủy chuẩn bị sẵn rồi phóng một lèo vào hướng tổ đang đi tuần. Phải mất 2 tiếng đồng hồ vật lộn với những đoạn đường dốc, chúng tôi đến được nơi kiểm lâm vườn đang đi tuần tra.

Đó là một khoảnh rừng rộng lớn với chi chít cây rừng cổ thụ quý hiếm to bằng 3 người ôm. Tại đây, anh em tuần tra đang người đi gùi nước, người nhóm bếp, vo gạo, rửa rau rừng. Bữa cơm trưa gồm một nồi cơm, một nồi canh rau rừng và một ít thịt kho. 

Đến khoảng 13 giờ 30, tổ trưởng ra hiệu cho anh em tiếp tục đi tuần. Từ lán, tổ bám theo con đường mòn ven suối đi tuần sang các tiểu khu bên cạnh. Đang đi, bỗng nghe một tiếng động vang ầm ầm.

Một nhân viên cúi người, tai áp xuống đất. “Âm thanh vọng từ phía trước, cách chỗ mình đứng mấy trăm mét thôi”, người này nói và phỏng đoán: “Tiếng động có thể do bọn săn thú tạo ra đấy!”. Càng đến gần, tiếng động càng rõ mồn một.

Nhân viên bảo vệ rừng áp sát, tay cầm đèn pin rọi vào lùm chuối thì bất ngờ từ bên trong, 3 chú heo rừng phóng vút ra ngoài, để lại nhiều vạt cỏ nằm bẹp dí cùng một cây chuối bị húc ngã xuống đất.

Anh nhân viên bảo vệ rừng thanh minh: “Cặp heo rừng mà làm mình tưởng là người săn thú!”. Tổ tuần tra tiếp tục băng cắt qua các con suối nước chảy xiết. Nhiều người khi lội suối bị té, ngã sóng soài.

Chiều tối, tổ bảo vệ rừng rút về lán để cùng nhóm bếp, nấu ăn. Trời về khuya, màn sương phủ dày đặc, khí trời lạnh lẽo đâm thấu da thịt. Mọi người lần lượt chui vào lán ngủ.

Từng đàn muỗi bay vo ve khắp lán. Tiếng đập muỗi bồm bộp vang liên hồi. Bên ngoài, bếp than hồng cũng đã tắt lụi. Sáng ra, tổ vẫn tiếp tục chia nhau đi tuần qua các tiểu khu khác với quãng đường xa, gập ghềnh hơn. 

Tập trung giữ màu xanh của rừng

Kể lại chuyện đi tuần tra với bao mệt nhọc, ông Đào Xuân Thủy cười: “Chừng đó chưa ăn thua, có nhiều chuyến anh em vất vả hơn rất nhiều”.

Ông Thủy dẫn chứng, chuyến tuần tra mà chúng tôi tham gia đi thì ít ngày, đường lại bằng nên đỡ cực hơn. Chứ nhiều chuyến khác, do đường xa, dốc dựng đứng, kiểm lâm đi tuần mấy ngày, phải băng qua hàng chục con suối hung dữ mới đến được thì càng khổ hơn nữa.

Đó là chưa kể thời tiết nắng ráo như chuyến này thì còn đỡ, chứ nếu trời mưa, đường trơn, chuyện trượt té bong gân chân tay diễn ra như cơm bữa. Rồi cả chuyện tuần tra đối diện lâm tặc, bị chúng đe dọa, hành hung...

Theo ông Thủy, cái khó khăn trong bảo vệ rừng của đơn vị là diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, trong khi lực lượng còn thiếu nhiều. Mặt khác đa số các trạm nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông, thông tin liên lạc còn khó khăn; trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công việc còn thiếu.

Ngoài ra, tài nguyên rừng còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, một số người dân đã bất chấp pháp luật, xâm hại vào rừng. Tuy nhiên, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của UBND tỉnh Kon Tum, sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở NN-PTNT; sự phối hợp chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Đó là một trong những động lực để cán bộ vườn vượt khó để bảo vệ rừng. 

Theo ông Thủy, trong những tháng đầu năm nay, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động quyết liệt.

Cụ thể, đã tổ chức 40 cuộc tuyên truyền cấp thôn với 1.401 lượt người tham gia, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm; triển khai các hoạt động PCCC rừng theo phương án đề ra; thường xuyên bố trí lực lượng tổ chức chốt chặn, tuần tra, ngăn ngừa người vào rừng trái phép để gây nguy cơ cháy rừng; tổ chức 657 cuộc tuần tra, kiểm tra trong rừng với 1.502 lượt người tham gia; duy trì 19 chốt tại các khu vực trọng điểm, các chốt chủ động tuần tra, kiểm tra khu vực giáp ranh giữa vùng lõi và nương rẫy của dân, kiên quyết không để người dân phát cơi nới nương rẫy.

Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vào rừng trái phép. 

“Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ rừng đã được phê duyệt. Trong đó, hướng đến việc bảo vệ rừng tận gốc, tập trung giữ bằng được màu xanh của rừng. Hy vọng sự quyết tâm của lực lượng bảo vệ rừng sẽ giúp rừng mãi thêm xanh”, ông Thủy nói.

Tin cùng chuyên mục