Vương Tiến Dũng bị “săn”

Con người từng bị ép rời khỏi Bình Dương ngày nào sau trận thua đậm Đà Nẵng 0-5 giờ lại là nhân vật được báo giới săn đón. “Săn” vì đã thổi vào Hòa Phát Hà Nội một làn gió mới, biến một đội bóng trung bình yếu thành mạnh với bộ khung toàn cựu binh đã bị nhiều đội bỏ đi.

Nghe các đồng nghiệp tại Hà Nội kể chuyện “săn” ông Dũng và “săn” hiện tượng Hòa Phát Hà Nội lại nhớ đến cái ngày ông Dũng được giới phóng viên đeo thật chặt khi giúp Bình Dương vô địch lượt đi mùa 2005. Ngày ấy, ông Dũng hạnh phúc nói về sự “lành tính” ở một tập thể Bình Dương và lối chơi tấn công mà ông say sưa gieo vào tư tưởng các cầu thủ.

Vương Tiến Dũng bị “săn” ảnh 1

HLV Vương Tiến Dũng.

Nếu năm ngoái ở Bình Dương ông Dũng được “săn” vì quyết liệt với tư tưởng tấn công thì năm nay ông lại được chào đón vì đã khai sinh ra một hệ thống phòng ngự làm nền cho lối chơi phòng ngự phản công.

Ông Dũng khi bị “săn” đã nói rất quyết liệt: “Tôi không dạy cầu thủ chỉ biết có phá bóng!”. Cũng lối nói quyết liệt ấy, một năm trước tại Bình Dương ông nói: “Tôi thích bóng đá tấn công và dạy các cầu thủ của mình phải tấn công, trung thành với bóng đá tấn công”.

Trở lại với quá khứ thời cặp Hà Quang Liêm (Trưởng đoàn) - Vương Tiến Dũng (HLV trưởng) tạo nên một hình ảnh đầy sức sống nơi Thể Công thời kinh tế thị trường gắn liền với dấu ấn vô địch năm 1998, Vương Tiến Dũng lại mang đến một hình ảnh khác. Ông tác động vào một Thể Công thất thường trong lối chơi thành một Thể Công biết khao khát chiến thắng. Đấy có thể nói là thời kỳ đẹp nhất của Vương Tiến Dũng trên hàng ghế huấn luyện.

Bây giờ, so Hòa Phát Hà Nội với Bình Dương mùa trước thì ông Dũng có được những ưu thế gì?

Một Hòa Phát chịu chi và chịu chơi với những khoản tiền rải ra ở nhiều nơi và nhiều mặt trận hơn hẳn với thời Becamex của Bình Dương nhưng về con người thì không bằng.

Con người của Hòa Phát toàn những lính đánh thuê tuổi cao, sức yếu bị các đội khác thải ra và ông Dũng mang về chế biến. Như Văn Lưu đã ở tuổi ngoài 30 và Như Thuần đã qua rồi thời sung sức của một trung vệ thép ngày nào hay Quang Trường có vấn đề về tuổi tác, nhưng vẫn được sử dụng như những trụ cột với hy vọng kinh nghiệm sẽ giúp các cầu thủ trẻ vững tin hơn.

Hiện tượng Hòa Phát hôm nay khác hẳn với hiện tượng Bình Dương năm 2005 ở chỗ Hòa Phát sử dụng những con người góp nhặt được làm nên bản sắc riêng của mình, còn Bình Dương năm 2005 thì là cả một rừng sao. Ở Hòa Phát không có ngôi sao nhưng lại có những con người được đặt đúng chỗ, đúng vị trí và chơi bóng cũng tùy theo đối tượng.

Nếu Bình Dương thời Vương Tiến Dũng năm 2005 chơi bóng áp đặt lên đối phương thì Hòa Phát hôm nay lại chơi bóng theo một kiểu chặt chẽ trên sân nhà và đánh vào những sai lầm của đối phương. Lối đá ấy hồi ở Thể Công ít được ủng hộ khi những nhà làm bóng đá thường chọn cách ghi bàn theo kiểu ta thắng hơn là đối phương thua. Lối đá ấy có một chút sắt đá như SLNA thời hoàng kim cộng với tính đột biến của Thể Công của thời kỳ Vương Tiến Dũng năm 1998.

Ông Dũng được xem là hiện tượng khi tạo ra một sức bật mới ở một đội bóng “hợp chủng quốc” với thành phần lính đánh thuê không sao, không tinh nhưng được sử dụng đúng chỗ, đúng vị trí và đúng nhiệm vụ.

Vương Tiến Dũng được “săn” khi đưa Hòa Phát Hà Nội lên ngôi đầu như đã từng bị “săn”. Chỉ có điều là nhiều người “săn” ông với chú trọng về một hàng thủ làm nền. Điều mà nó vốn được xem là không phải sở trường của ông cũng không phải sở thích của ông khi xây dựng một đội bóng.

Ông Dũng là một người không thích tuyên bố lại là người cũng không thích bị “săn” mỗi khi tạo nên hiện tượng trong giai đoạn nhất thời.

Hãy chờ Hòa Phát Hà Nội thêm 1-2 mùa nữa và hãy cho tướng Dũng thêm vài mùa để ông thực hiện được việc mình muốn thay vì phải làm theo kiểu giải pháp tình thế mà vẫn tạo nên một hiện tượng.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục