Vượt qua giới hạn

Lúc 8 giờ sáng nay 15-8, “người đàn ông chạy nhanh nhất hành tinh” Usaint Bolt sẽ thi đấu vòng bán kết và chung kết nội dung 100m kinh điển. Tuy nhiên, nhìn VĐV người Jamaica thi đấu nhẹ nhàng giành chiến thắng ở vòng loại ngày hôm qua, người ta tin rằng chiến thắng đang nằm trong tầm tay của anh. Câu hỏi duy nhất: Bolt có thể vượt qua chính những giới hạn của con người anh không? Và đấy cũng là ý nghĩa lớn nhất của Olympic hiện đại, nơi không thiếu những tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp VĐV “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”, nhưng câu chuyện con người vẫn mới là điều đáng nói.

Năm 1968, Jim Hines lần đầu tiên chứng minh được sức mạnh con người có thể vượt qua ngưỡng 10 giây với kỷ lục 9,95. Kỷ lục của thế giới hiện nay đang là 9,58 của Usain Bolt lập được vào năm 2009, khi máy móc tính toán rằng chẳng ai vượt qua được ngưỡng 9,60 giây. Vậy đâu mới là giới hạn tốc độ con người trong môn chạy 100m? Theo các nhà khoa học, điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố mang tính con người. Việc một VĐV chạy cự ly ngắn nhưng có chiều cao 1,95m như Usaint Bolt là cực hiếm bởi sải chân càng dài thì năng lượng để đưa chân về phía trước sẽ càng lớn. Nói cách khác, nếu không có “Bolt thứ 2” thì chỉ duy nhất Usaint Bolt có thể tự phá kỷ lục của mình mà thôi.

Trong ngày Bolt trình diễn sức mạnh thì Michael Phelps chính thức chia tay đường đua xanh. Người yêu thể thao sẽ không còn được xem kỳ nhân ấy thi đấu nữa, nhưng đã có một “quái kiệt” xuất hiện, đó là Katie Ledecky - kình ngư nữ của đội tuyển Mỹ: 19 tuổi và 13 kỷ lục thế giới. Giới chuyên môn đang tìm kiếm những biệt danh để mô tả tài năng và sự áp đảo của Ledecky trên đường đua xanh. “Quái vật, con quỷ, quái thú...” đều được dùng để mô tả Ledecky.

Những “kỳ nhân” mới của thể thao thế giới: Simone Biles và Ledecky

Hồi năm 2012, Ledecky đã từng đoạt HCV nội dung 800m, đến Rio lần này, cô còn bơi nhanh hơn 4 năm trước đến 10 giây và bỏ xa người về nhì một khoảng cách lên đến 11,38 giây. Không ai giải thích nổi động lực nào để Ledecky trở thành người phụ nữ bơi nhanh nhất mọi thời đại ấy.

Cũng ở tuổi 19 như Ledecky, nhà vô địch toàn năng ở môn TDDC Simone Biles (Mỹ) tỏa sáng theo một cách khác. Chỉ cao 1,42m - nhỏ nhất trong số 555 VĐV Mỹ tham dự Olympic 2016, nhưng cô gái gốc Phi ấy đang trên đường chinh phục 5/6 chiếc HCV cho các nội dung thể dục dụng cụ. Tính đến hôm qua, cô đã giành 2 HCV ở nội dung đồng đội và toàn năng cá nhân. Danh hiệu này đã đưa Biles trở thành VĐV TDDC vĩ đại nhất mọi thời đại bởi trước đó, cô là VĐV nữ duy nhất 3 lần liên tiếp vô địch thế giới nội dung toàn năng.

Khi mới 5 tuổi, Biles cùng với người em Adria đã phải chuyển tới cô nhi viện trong tình cảnh mẹ của em đang phải vật lộn với chứng nghiện rượu và ma túy, còn cha thì bỏ rơi. Ông bà ngoại đã nhận về nuôi và cho cô tập TDDC từ năm 6 tuổi. Thi đấu chuyên nghiệp từ năm 13 tuổi, chiến thắng mọi danh hiệu nhưng Biles vẫn tự học tại nhà để chính thức bước chân vào giảng đường đại học hồi cuối năm ngoái.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục