Ngày 20-5, phiên họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ nhằm thảo luận một loạt vấn đề như dịch bệnh Ebola, tình trạng kháng thuốc kháng sinh, các chương trình nghị sự về chăm sóc sức khỏe sau năm 2015… Hội nghị diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Ebola vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn khi vừa có thêm 35 ca nhiễm Ebola mới ở Guinea và Sierra Leone, gấp 4 lần số ca nhiễm một tuần trước đó.
Báo Guardian nhận định “Ebola sẽ không ra đi một cách lặng lẽ”.
Châu Phi chưa thoát… Ebola
Có thể nói năm 2015 là năm châu Phi bị dịch bệnh hoành hành, trong đó dịch bệnh Ebola tấn công tàn khốc nhất, lan rộng tàn phá các quốc gia, như: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nguy hiểm hơn, trong tuần qua, 2 trong 3 nước này đã xác nhận thêm 35 ca nhiễm Ebola mới, gấp 4 lần số ca nhiễm một tuần trước đó. Theo Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, loại virus chết người này chỉ bị đánh bại khi mà ba quốc gia ổ dịch trên không còn thông báo các ca nhiễm bệnh mới. Bà Chan cũng kêu gọi cộng đồng thế giới cần nâng cao cảnh giác đối với những diễn biến của bệnh Ebola, bất chấp những thành tựu mà thế giới đã gặt hái được đến nay trong quá trình dập dịch.
Không chỉ có dịch Ebola, châu Phi vẫn chưa thể yên tĩnh khi theo thông báo của chính quyền Kenya ngày 19-5, số người tử vong do bệnh tả tại nước này đã tăng lên 65 người và ít nhất 3.234 ca nhiễm được xác nhận trên cả nước. Trong một tuần qua, đã có 326 trường hợp nhiễm mới, tăng từ 226 ca của tuần trước đó. Theo Bộ trưởng Y tế Kenya James Macharia số người nhiễm và tử vong do bệnh tả tăng lên trong tháng 4 vừa qua sau trận mưa lớn gây ngập nặng dẫn đến ô nhiễm môi trường. Kể từ khi bắt đầu bùng phát tại Nairobi từ tháng 12-2014, bệnh tả đã phát sinh ở 11/47 tỉnh tại Kenya trong khi các điều kiện vệ sinh kém cũng như thiếu cơ sở y tế đã khiến căn bệnh này lây lan nhanh chóng.
Quyết tâm cải tổ
Theo nhận định của Tổng giám đốc WHO Margaret Chan, “năm 2015 là một năm của quá trình chuyển đổi”. Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với dịch Ebola, bà Chan khẳng định quyết tâm có những thay đổi cơ bản để giúp công việc của WHO được tốt hơn, xây dựng hệ thống và nguồn lực nhằm có được phản ứng đi đầu trước sự bùng phát về tình trạng khẩn cấp về sức khỏe. Bà Chan cũng đã đề xuất gầy dựng một quỹ dự phòng mới với số tiền 100 triệu USD, tránh cho WHO phải đối mặt với một số tình huống không được chuẩn bị, nhằm tạo điều kiện cho một phản ứng nhanh chóng và hiệu quả. Vượt trên tất cả, công việc của WHO hướng tới các cam kết về bình đẳng, công bằng xã hội, và quyền được đảm bảo sức khỏe… sao cho “người nghèo sống ở những nơi nghèo chắc chắn chỉ có dịch vụ chăm sóc sức khỏe nghèo nàn” sẽ không còn chính xác nữa.
Những cuộc thảo luận sôi nổi tại hội nghị diễn ra trong bối cảnh Tổ chức phi Chính phủ “Thầy thuốc thế giới” (MdM) cho biết dựa theo kết quả thu thập ý kiến trong năm 2014 từ 22.171 bệnh nhân tại các nước: Bỉ, Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ, trong đó 3/4 không phải là công dân EU, có tới 63% số người được hỏi nói rằng họ không có quyền tự do tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế tại EU. Gần một nửa số trẻ em không được tiêm vaccine miễn dịch với các bệnh uốn ván, sởi, quai bị hay rubella. Ngoài ra, hơn một nửa phụ nữ mang thai không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiền sản. MdM cũng đề nghị các chuyên gia y tế sẽ chăm sóc sức khỏe cho tất cả bệnh nhân mà không phân biệt giàu nghèo hay những rào cản về mặt pháp lý.
Thế giới đã chứng kiến nhiều đổi thay kể từ đầu thế kỷ này khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã được đưa ra trong khuôn khổ tổng thể cho sự hợp tác phát triển với mong muốn tạo ra một thế giới hòa bình, thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, hiện các mối đe dọa đối với sức khỏe ngày càng nhiều đòi hỏi con người cần phải có sự sáng tạo và quyết tâm.
HẠNH CHI (tổng hợp)