World Cup 2010, còn 36 ngày nữa - Câu chuyện trọng tài

Trong khi hàng triệu người hâm mộ tận hưởng từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trong các trận đấu tại World Cup 2010 bằng những công nghệ ngày càng tiên tiến thì trên sân, các trọng tài lại phải đưa ra những quyết định chính xác nhất bằng mắt thường. Họ phải thật chính xác và bình tĩnh nếu không muốn trở thành đề tài bàn luận sau mỗi sai lầm, dù là nhỏ nhất.

Ông Frank de Bleeckere rút thẻ đỏ đuổi Didier Drogba trận đấu tại vòng 2 Champions League giữa Chelsea và Inter. De Bleeckere là ứng viên sáng giá được thổi trận chung kết World Cup 2010.

Ông Frank de Bleeckere rút thẻ đỏ đuổi Didier Drogba trận đấu tại vòng 2 Champions League giữa Chelsea và Inter. De Bleeckere là ứng viên sáng giá được thổi trận chung kết World Cup 2010.

World Cup luôn là nơi trải nghiệm khốc liệt nhất đối với các trọng tài, đó là nơi họ phải thể hiện trọn vẹn tính chuyên nghiệp và nhân cách của mình. Tuy nhiên, trọng tài cũng chỉ là con người, họ không như những nhà bình luận và hàng triệu khán giả xem truyền hình, những người có thể nhận biết tường tận những hoạt động trên sân sau khi xem phát lại và các pha quay chậm. Các trọng tài buộc phải đưa ra những quyết định nhanh nhất có thể, dù tính chính xác của nó cho đến nay vẫn luôn là đề tài bàn tán, khiến nhiều luồng ý kiến cho rằng cần áp dụng công nghệ vào bóng đá.

Trọng tài người Thụy Sĩ Massimo Busacca từng phải thừa nhận với các cầu thủ trong một trận đấu tại Euro 2008 rằng: “Tôi không phải là Chúa! Vâng, tôi đã mắc sai lầm”. Nên biết, Busacca và trọng tài người Bỉ Frank de Bleeckere, là 2 cái tên nhiều khả năng sẽ được chọn bắt chính trận chung kết World Cup 2010 diễn ra vài ngày 11-7 tới. Tất nhiên, trước khi có được vinh dự ấy, cả 2 ông đều không được mắc những sai lầm chết người nào ở những trận đấu mình điều khiển trước đó.

Đã có 30 trọng tài chính được chọn lựa kỹ càng để điều khiển 64 trận tại VCK World Cup 2010. Bao gồm 10 trọng tài của châu Âu, 6 của Nam Mỹ, trong khi châu Á, châu Phi và khu vực Trung Mỹ (CONCACAF) đều có 4 đại diện, New Zealand có 2 người.

Mỗi trọng tài chính sẽ có 2 trợ lý trọng tài và họ phải là những người từng sát cánh trong ít nhất 2 năm qua. Trong quá trình giải diễn ra, tất cả các tổ trọng tài sẽ được thu xếp ở trong một khách sạn sang trọng với mạng lưới bảo vệ an ninh đặc biệt. Họ sẽ được những nhà tâm lý thể thao tư vấn nhằm nâng cao độ tự tin, được trang bị những công nghệ tiên tiến giúp phân tích những điểm mạnh-yếu và những “mánh lới” quen thuộc của những đội bóng trong trận đấu mà họ sắp điều khiển.

FIFA quyết định không sử dụng công nghệ để xác định bóng đã qua khỏi vạch khung thành. Nhưng sẽ có một thay đổi, nếu tính chính xác về việc phạt thẻ đỏ gây nên tranh cãi, BTC có thể mổ băng và xem xét lại sau đó.

Paul Tamberino, Giám đốc phát triển trọng tài của LĐBĐ Mỹ và là thành viên của Ban chấp hành FIFA, cho biết: “Chúng tôi sẽ không mổ băng để thay đổi bất kỳ điều gì. Điều duy nhất chúng tôi làm là trong trường hợp sai lầm về việc phạt thẻ, khi đó chúng tôi sẽ quyết định có hay không việc thay đổi 1 chiếc thẻ đỏ”. Và cũng không có chuyện một trận đấu tại Nam Phi sẽ có 5 trọng tài như vừa thử nghiệm tại Europa League, với 2 trợ lý phía sau khung thành. Vì đó là một thử nghiệm thất bại và mùa giải tới cũng sẽ không còn được áp dụng, theo lời Paul Tamberino tiết lộ.

SƠN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục