1. Hồi nhỏ đi học, tôi sợ nhất là thi tú tài. Đỗ tú tài rồi, trở thành anh sinh viên, con người thay đổi hẳn, đi đứng mạnh dạn hơn, ăn nói mạch lạc hơn, nhìn ngang ngó ngửa ánh mắt cũng tự tin hơn. Chỉ là cuộc thi thôi, mà vượt qua được rồi, lập tức trở thành con người hoàn toàn khác. Đỗ tú tài, chú học sinh lóc chóc biến thành anh sinh viên chững chạc, chỉ một bước đã đặt chân qua cảnh giới khác.
Cuộc thi tú tài xảy đến vào lúc con người ta mười tám tuổi, tuổi đi làm chứng minh nhân dân, tuổi luật pháp cho đăng ký kết hôn. Chú bé học trò bước vào ngưỡng cửa đại học cùng lúc với đứa trẻ vị thành niên bước vào ngưỡng cửa người lớn, tự nhiên trở nên quan trọng, mặc dù nó không phải là kỳ thi danh giá nhất trên đường học vấn. Nó quan trọng quá nên lắm thí sinh căng thẳng, lo âu, ngồi trong phòng thi nhiều khi muốn lên cơn sốt, chữ nghĩa bỗng chốc bay biến đâu mất. Trí nhớ lúc đó y như quả chanh bị ai vắt hết nước, đầu óc rỗng không chẳng khác nào căn nhà kho sau cơn hỏa hoạn, thiệt là thảm sầu! Trong tình cảnh đó, đứa thường ngày học kém, vớ trúng bài tủ có khi lại đỗ; đứa nổi tiếng giỏi giang mà tâm lý không vững nhiều lúc không viết được chữ nào. Ông bà nói “học tài thi phận” là vậy.
2. Cuộc so tài vòng bảng ở World Cup 2010 có khác chi kỳ thi tú tài của 32 thí sinh đến từ khắp các châu lục. Họ cũng thi 3 môn, điểm tối đa cho mỗi môn là 3 điểm. Kỳ thi lần này, chỉ có 2 thí sinh đạt được 9 điểm là Argentina và Hà Lan. Hà Lan như vậy có thể kể là thí sinh xuất sắc, nhưng xem cách Hà Lan làm bài vẫn thấy có điều gì đó không trơn tru, suôn sẻ như mọi ngày.
Người ta bảo Hà Lan là “cơn lốc màu da cam”, nhưng bước vào phòng thi, có lẽ do tâm lý quá căng thẳng các học trò của thầy Marwijk chỉ tạo nên được “vài cơn lốc be bé trong tách trà”. Gọi “cơn lốc” là châm chước lắm, thứ mà họ thổi qua các sân cỏ Nam Phi những ngày vừa qua chỉ hiu hiu như ngọn gió mùa hè.
Nhưng dù sao Hà Lan vẫn may mắn hơn nhiều thí sinh khác đến từ châu Âu. Đức học giỏi nổi tiếng, đã đỗ tiến sĩ đến 3 lần, vậy mà lần thi tú tài năm nay, bài 1 làm ngon lành, đến bài thứ 2 thì gãy, may nhờ bài thứ 3 vớt vát lại. Tây Ban Nha thì bỏ giấy trắng ngay từ bài đầu tiên, hai bài sau giật lại 6 điểm, nhưng cách giải bài tập vẫn còn lúng túng như gà mắc tóc. Ý và Pháp tài cao học rộng, tiến sĩ và phó tiến sĩ kỳ mới nhất, lần này chẳng biết ôn luyện thế nào mà vô phòng thi bài vở quên sạch sành sanh. Pháp làm 3 bài chỉ được 1 điểm, thầy trò tức khí chửi nhau ỏm tỏi, phen này chắc nhà cửa tanh bành. Ý 2 điểm, khá hơn một chút.
Xem Ý đá những phút cuối với Slovakia, mọi con mắt đều thấy rõ cho tới lúc đó Ý mới trở lại là mình, nhưng khi các chàng trai của gia sư Marcelo Lippi bắt đầu nhớ lại các công thức đã học, các bài tập đã ôn thì chỉ còn 15 phút nữa là giám thị bấm chuông thu bài. Ngòi bút Ý dù chạy nhoáng nhoàng vẫn không đua nổi với thời gian. Thật tiếc cho Ý, vì nếu Pirlo và đồng đội vào đến vòng trong, chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.
Ở World Cup 1982, Ý làm 3 bài thi cũng chỉ có 3 điểm (hòa Ba Lan 0-0, hòa Peru 1-1, hòa Cameroon 1-1), được xét đỗ tú tài theo diện vớt, khi bằng điểm với thí sinh Cameroon nhưng hơn chỉ số phụ. Thế mà cuối cùng Ý lên ngôi vô địch bằng cách đánh bại Đức tới 3-1 trong trận chung kết.
3. Chẳng qua, kỳ thi tú tài là một cái ngưỡng đặc biệt. Về mặt tâm lý, nó căng thẳng hơn so với việc lấy bằng cử nhân hay tiến sĩ. Chưa đỗ cử nhân hay tiến sĩ chẳng ai phê phán gì, nói chung học tới đại học là giỏi lắm rồi, thêm nữa thì càng tốt, không cũng chẳng ai chê trách. Nhưng tú tài lại khác, một đứa trẻ đi thi, cả gia đình (có khi cả dòng họ) ngóng theo, kỳ vọng.
Ba chữ “rớt tú tài” đối với nhiều người chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Nhiều học sinh vì “rớt tú tài” mà tự tử, do xấu hổ với bạn bè, sợ bố mẹ rầy la hay đánh đập nhưng dường như chưa có ai quyên sinh vì không đỗ tiến sĩ hay cử nhân. Áp lực nặng nề như vậy nên thí sinh nhiều người rớt oan, nhiều người không thể hiện được năng lực thực sự. Xét về mặt này, phải thừa nhận các thí sinh đến từ châu Mỹ và châu Á có thần kinh vững vàng nhất. Brazil, Uruguay, Mỹ, Argentina, Mexico, Paraguay và Chi Lê đã chính thức có tên trên bảng vàng. Châu Mỹ có 8 thí sinh, đỗ tú tài hết 7, trừ Honduras, quả đáng gờm. Châu Á có 4 thí sinh, Hàn Quốc và Nhật Bản vào vòng trong, đạt tỉ lệ 50% ở một kỳ thi tổ chức tại địa điểm lạ hoắc lạ huơ, cũng là điều chưa từng có. Châu Phi thất bại bất ngờ trên sân nhà, chỉ mỗi Ghana thi đỗ. Riêng Nam Phi rớt tú tài ngay trong nhà mình cũng là điều chưa từng có tiền lệ tại World Cup. Châu Âu đi thi đông nhất, 13 thí sinh, rớt “uỵch” phân nửa. Chỉ Hà Lan, Đức, Anh, Slovakia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vào vòng trong, nhưng chẳng ai làm bài gọi là ngon lành, trôi chảy.
4. Một điều cần lưu ý: Khi đã vượt qua kỳ thi tú tài tức là đã giải thoát khỏi gánh nặng tâm lý, các thí sinh sẽ trở lại với trình độ thực của mình. Diện mạo của các đội tuyển từ vòng hai trở đi có thể sẽ rất khác. Chúng ta không thể dựa vào những gì các đội thể hiện ở vòng đấu bảng để đánh giá tương quan lực lượng sắp tới.
Sau khi đã rũ bỏ nỗi ám ảnh “rớt tú tài”, những chàng sinh viên đã bắt đầu nhận ra cuộc đời không có gì là quá nghiêm trọng. Bây giờ ta đã lớn rồi, thấy thứ gì cũng nhỏ bé, đối thủ nhỏ bé, cả ông trọng tài mặt mày hầm hầm kia cũng nhỏ bé. Thất bại bây giờ cũng không còn ghê gớm đến mức nếu không giành được, ta phải tức khắc tự sát hoặc chỉ dám đi xe ôm về nhà lúc nửa khuya.
Ờ, Xuân Diệu từng ca ngợi Tú Xương:
“Ông Nghè ông Thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một tú tài!”.
Vậy, “đứng lại (ở) Nam Phi một tú tài”, trong trường hợp nào đó, có thể xem là rất “oách”. Dưới chân ta từ nay là cỏ xanh, chứ không còn là địa ngục.
Trong tâm thế đó, đẳng cấp sẽ lên tiếng
Chu Đình Ngạn