WTO – Thêm khó khăn cho trái cây Việt Nam

WTO – Thêm khó khăn cho trái cây Việt Nam

Năm 2002, việc Trung Quốc gia nhập WTO đã đánh dấu giai đoạn khủng hoảng của ngành xuất khẩu trái cây và rau quả Việt Nam: thị trường bị thu hẹp, kim ngạch giảm mạnh.

Nếu năm 2001, xuất khẩu rau, quả và trái cây đạt 330 triệu USD, thì năm 2002 chỉ còn 219 triệu USD, năm 2005 còn 235 triệu USD. Số nước nhập khẩu trái cây VN cũng giảm từ 42 nước xuống còn 36, trong đó Trung Quốc, nước nhập khẩu chủ yếu trái cây VN lại giảm mạnh lượng nhập. Vào WTO, trái cây Việt Nam sẽ thêm khó khăn.

  • Xuất khẩu - thiếu lượng, quy cách và tính an toàn
WTO – Thêm khó khăn cho trái cây Việt Nam ảnh 1

Sầu riêng miền Tây.
Ảnh: MINH TUẤN

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết, khi gia nhập WTO, các quốc gia thành viên phải tuân thủ quy định mặt hàng rau quả và trái cây tươi phải đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhưng hầu hết những yêu cầu khắc khe đó, trái cây Việt Nam chưa đạt. Đây là hậu quả của việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (0,25ha-0,3ha/hộ và 74%-85% số hộ trồng 2-3 loại cây).

Theo TS Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây VN, hai rào cản lớn nhất đối với trái cây VN để có thể xuất khẩu ra những thị trường lớn, chứ không phải “mon men” như hiện nay là chất lượng và an toàn vệ sinh.


Do sản xuất manh mún, nhiều chủng loại nên quy cách trái cây không đồng nhất, lượng hàng hóa không nhiều. Một hạn chế khác ta khó vượt qua nhưng lại được các nước nhập khẩu trái cây rất quan tâm là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Vì vậy, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cây ăn trái và tiến tới sản xuất trái cây an toàn (GAP) là điều phải làm ngay. Giống cũng là vấn đề lớn vì chưa ổn định, thiếu vườn cây đầu dòng, phần lớn không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái cây.

Do đó việc sản xuất trái cây sạch bệnh, chất lượng cao và giảm giá thành là yêu cầu cấp thiết để tăng sức cạnh tranh của trái cây Việt Nam ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo Liên hợp quốc, khi thu nhập người dân tăng 1% thì nhu cầu rau quả cho đời sống tăng 1,3%. Trong lúc nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6% năm, dù mức cung chỉ tăng 2,8% năm, nhưng trái cây VN vẫn cứ trầy trật khi xuất khẩu. TS Nguyễn Minh Châu cho biết, giống trái cây ngon vùng ĐBSCL không thiếu, nhưng lại thiếu số lượng, quy cách và tính an toàn. Nông dân trồng cây ăn trái chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. 

  • Sản xuất phải tập trung và đồng bộ

Trả lời câu hỏi, vào WTO, trái cây trong nước sẽ thế nào? TS Nguyễn Minh Châu dự báo, trái cây các nước, nhất là Thái Lan và Trung Quốc đã có mặt từ lâu trên thị trường VN, nhưng nếu trước đây vào bằng đường vòng thì nay sẽ theo những đường ngắn nhất để vào.

Dù số lượng có thể không thay đổi nhiều, nhưng giá trái cây sẽ giảm thêm. Sầu riêng Moongthong từ Thái Lan vào VN chỉ khoảng 8.000 đồng-10.000 đồng/kg. Để cạnh tranh, trái cây VN buộc phải giảm giá, vì vậy, giá sầu riêng trong nước khó đứng vững trên 20.000 đồng/kg, dù là các loại đặc sản, như sầu riêng 9 Hóa, Ri 6….

Trong trường hợp này, người tiêu dùng sẽ được lợi, nhưng người trồng cây ăn trái nếu không có động thái thích ứng sẽ khó tồn tại. Lúc đó, trái cây ngoại sẽ vào càng nhiều.

WTO – Thêm khó khăn cho trái cây Việt Nam ảnh 2
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó tồn tại khi hội nhập. Ảnh: Đ.P

Để cạnh tranh, phải sản xuất tập trung. Muốn vậy, phải liên kết, hợp tác, không thể riêng lẻ trong thời hội nhập: người lo trồng, người lo bán cần có sự phân công cụ thể.

Hiện nay, hợp tác xã cây ăn trái ở ĐBSCL quá ít, toàn vùng chỉ khoảng 15 HTX. Vấn đề này đã đặt ra khá lâu, nhưng nay, khi nước đã tới chân thì không thể chần chừ.

Chính quyền tỉnh cần ra tay, quy hoạch và tạo điều kiện để phát triển, không thể tự phát, ai muốn làm gì cũng được. Khi đã có chủ trương phải hành động quyết liệt và có sự hỗ trợ cụ thể (trợ giá cây giống, tiêu thụ…). Muốn tổ chức lại sản xuất, chính quyền phải tích cực hơn, cán bộ khoa học phải sát cánh cùng nông dân, không thể để ngưới dân tự bơi.

Tổ chức lại sản xuất trái cây đồng bộ là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hội nhập. Trong đó, vấn đề liên kết sản xuất giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với nhà khoa học, cùng với vấn đề sản xuất giống và giống cây đầu dòng, vấn đề sản xuất an toàn (GAP), vấn đề công nghệ sau thu hoạch.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực trái cây cũng quá ít, vì vậy cần nhân rộng mô hình liên kết trong quy trình trồng và tiêu thụ cây ăn trái của Donatechno, Vinamit, Nông trường sông Hậu… Chính phủ cũng cần nhanh chóng thảo luận để ký những hiệp dịch kiểm dịch thực vật với các nước, nhất là Mỹ, Nhật, Úc…

ĐÔNG NGHI

Tin cùng chuyên mục