Chiều 16-12, cuôc gặp giữa WWF và Tổng cục Thủy sản Việt Nam để bàn bạc việc đưa cá tra Việt Nam theo các tiêu chuẩn “phát triển bền vững” như cách mà WWF đề nghị đã thất bại vì WWF đưa ra đòi hỏi “lạ thường” nhằm thực hiện mục đích riêng.
Thương thảo không xong
Mở đầu cuộc họp, ông Mark Powell, người đứng đầu chương trình thủy sản toàn cầu của WWF cho rằng, mong muốn của WWF là cả hai bên cùng thương thảo để hướng tới việc đưa cá tra Việt Nam đạt các chứng chỉ “phát triển bền vững” của WWF và chứng chỉ đó là ASC (dành cho cá tra nuôi thân thiện với môi trường).
Trước đó, vào ngày 15-12, giữa Tổng cục Thủy sản Việt Nam và WWF đã có cuộc thảo luận về việc yêu cầu gỡ bỏ cá tra Việt Nam khỏi danh sách đỏ và WWF đã chấp thuận. Tuy nhiên, ông Mark Powell cho rằng phải có thêm một buổi làm việc thứ hai vào chiều 16-12 để hai bên cùng thương thảo các điều kiện mà WWF đưa ra.
Tuy nhiên chiều qua, giữa hai bên đã có một cuộc làm việc căng thẳng và không đạt được thỏa thuận khi ông Mark Powell đưa ra điều kiện người nuôi cá tra Việt Nam phải có chứng chỉ ACS của WWF. Và để có chứng chỉ phát triển bền vững theo cái gọi là ASC thì người nuôi cá Việt Nam phải bỏ ra một khoản phí, như cách mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thực hiện để có các chứng chỉ chứng nhận khác. Câu chuyện đã làm nhiều người không khỏi hồ nghi rằng, mục đích của ông Mark Powell bay ngay sang Việt Nam cũng như WWF gây sự cố về chất lượng đối với cá tra Việt Nam là để tạo sức ép buộc Việt Nam phải mua chứng chỉ ASC nếu muốn xuất khẩu cá vào châu Âu.
Hiện tại, WWF chưa đưa ra “giá” của chứng chỉ ASC là bao nhiêu, nhưng theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT), để được chứng nhận chứng chỉ Global GAP, các doanh nghiệp Việt Nam phải bỏ ra tới 7.500 USD cho mỗi vùng nuôi rộng 5ha.
Bội thực chứng chỉ
Như vậy, ý đồ của WWF khi tạo ra vụ scandal đưa cá tra vào danh sách đỏ và sau đó ép Bộ NN-PTNT Việt Nam phải sử dụng chứng chỉ ASC của WWF đã rõ! Ông Mark Powell cho rằng, mặc dù các tiêu chuẩn khác cũng đang rất có ích nhưng theo WWF thì các tiêu chuẩn như Global GAP chỉ là bước tạm thời, còn tiêu chuẩn ASC mới là tiêu chuẩn và WWF đề nghị đến năm 2020 sẽ có 100% cơ sở nuôi của Việt Nam đạt chứng chỉ ASC của WWF.
Trả lời sau cuộc họp, ông Nguyễn Tử Cương nói rằng: “Không muốn bình luận về kết quả của cuộc họp với WWF” nhưng khẳng định hiện nay người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp Việt Nam nuôi cá tra nói chung đang bị bội thực các loại chứng chỉ mà nhiều khi chính chúng ta cũng không rõ là của cơ quan, tổ chức nào! Chẳng hạn như các chứng chỉ: SGS là tiêu chuẩn của một hệ thống bán lẻ ở Mỹ, SQF 1000 và SQF 2000 cũng là một loại tiêu chuẩn bán lẻ, GAA (tiêu chuẩn của một tổ chức thủy sản toàn cầu tự đặt ra, đóng tại Mỹ), EroRep GAP (tiêu chuẩn hệ thống bán lẻ châu Âu) - sau đó cùng với GAA đã hợp lại thành bộ tiêu chuẩn Global GAP. “Và theo như cách đề nghị của WWF thì giờ đây lại còn có thêm cả ASC nữa” - ông Cương lo lắng. Ông cũng khẳng định, các chứng chỉ như Global GAP, SGS, ASC, SQF… không hề có tính pháp lý đối với người tiêu dùng trên thế giới, mà đó thực ra chỉ là những tài liệu hướng dẫn của một tổ chức nào đó về một sản phẩm nào đó.
Theo ông Cương, bằng việc chạy theo các tiêu chuẩn trên, mỗi năm doanh nghiệp nuôi cá cũng như thủy sản nói chung đang phải gánh chịu khoản phí lên tới cả trăm triệu đồng. Trong đó, chẳng hạn như để đảm bảo được công nhận tiêu chí Global GAP, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải nộp 7.500 USD/năm cho mỗi vùng nuôi có diện tích 5ha, và cứ mỗi năm lại phải để họ sang kiểm tra một lần; những năm sau chỉ giảm phí 10%. Càng có nhiều diện tích, mức phí càng tăng lũy tiến. Trong khi theo ông Cương, bộ tiêu chuẩn ASC của WWF chỉ mới ra đời vào ngày 30-10 vừa qua.
Văn Phúc
Vụ đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ |
- WWF nhận sai, đưa cá tra Việt Nam khỏi “danh sách đỏ” - Yêu cầu WWF xin lỗi Chính phủ và người nuôi cá Việt Nam - WWF Việt Nam: Tạm đưa cá tra khỏi “danh sách đỏ” - Nhìn lại nghề nuôi cá tra - WWF Việt Nam: Sẽ sớm phản hồi việc cá tra Việt Nam bị đưa vào “danh sách đỏ” |