Xã hội châu Âu chia rẽ

Bom xăng và rác rưởi ném vào nhà thờ Hồi giáo, phụ nữ che kín mặt bị lăng mạ trên đường phố, Internet tràn ngập lời đe dọa chống lại người Hồi giáo… Đó là những phản ứng tiêu cực với cộng đồng người Hồi giáo ở châu Âu. Những ngày này, cộng đồng người Hồi giáo đang sống trong lo âu, sợ hãi.

Vụ xả súng tại tòa soạn tờ báo châm biếm Charlie Hebdo của Pháp như ngòi nổ kích hoạt tình trạng kỳ thị Hồi giáo vốn đã âm ỉ trong lòng nước Pháp và nhiều nước châu Âu khác. Theo các báo Pháp, đã có ít nhất 60 sự cố liên quan đến các cuộc tấn công và các mối đe dọa nhắm vào người Hồi giáo chỉ trong 6 ngày kể từ khi xảy ra vụ xả súng. Bầu không khí sợ hãi đang bao trùm châu Âu càng khiến lực lượng cực hữu trỗi dậy.

Nhiều chính khách đã phải kêu gọi người dân kiềm chế, vì những kẻ khủng bố không phải là đại diện cho số đông người Hồi giáo ôn hòa. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius gọi vụ xả súng là man rợ, ông cho rằng đó là “Những kẻ khủng bố đang phản bội lại Hồi giáo”. Mặc dù vậy, có thực tế là không thể tránh khỏi tình trạng người Hồi giáo sẽ bị nghi kỵ, bất chấp một cuộc diễu hành thống nhất vào ngày 11-1 biểu thị sự đoàn kết giữa các tôn giáo, trong đó có rất đông người Hồi giáo tham gia.

Giới cực hữu ở Pháp và các nước châu Âu khác đã dùng chiêu bài chống nhập cư để chống lại người Hồi giáo. Lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc cực hữu của Pháp, bà Marine Le Pen đã bị bắt giữ do lập trường bài ngoại của bà sau vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo.

Tại Đức, các nhóm thanh niên Đức tự nhận mình yêu nước chống Hồi giáo. Họ lập ra phong trào “Người châu Âu chống Hồi giáo hóa” (Pegida), đã thu hút đám đông lớn nhất lên đến 40.000 người trong cuộc biểu tình hàng tuần tại Dresden.

Tại Hà Lan, các nhóm chống Hồi giáo cũng đã tấn công nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Vlaardingen, vùng ngoại ô của Rotterdam. “Mọi người đều có cảm giác khó chịu hoặc cảm giác bị đe dọa, bị kỳ thị và bị tấn công”, Imade Annouri, một nghị sĩ Cơ quan lập pháp khu vực Flanders của Bỉ nói về cộng đồng Hồi giáo ở đây. Tại Anh cũng có báo cáo từ 50 đến 60 cuộc tấn công chống người Hồi giáo trong gần một tuần qua.

Nước Pháp đã làm gì để dẫn đến kết cục ngày hôm nay? Đó là câu hỏi để có thể nhìn thấy cái gốc của vấn đề. Pháp là nước có dân số Hồi giáo đông nhất trong EU. Nước này lại nhiệt tình tham gia chiến đấu chống al-Qaeda ở miền Bắc Mali vào năm 2013 và bây giờ đang tham gia không kích chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq. Cả al-Qaeda và IS giờ đang đe dọa nước Pháp.

Theo BBC, những người Hồi giáo ở Pháp đã biểu thị họ không ủng hộ bạo lực nhưng họ cũng khẳng định rằng không thể chấp nhận những hành vi xúc phạm nhà tiên tri Muhammad như cách của tờ Charlie Hebdo đã làm. Họ đặt vấn đề tại sao Charlie Hebdo được phép nhạo báng Hồi giáo trong khi tác giả các bức biếm họa chế giễu người Do Thái lại bị khởi tố ? Họ cảm thấy một cảm giác liên tục bị sỉ nhục và có lẽ vụ xả súng cũng là cách phản ứng tiêu cực từ cảm xúc bị tổn thương.

Các nhà phân tích cho rằng xây dựng lại một xã hội đoàn kết, bác ái và tự do nhưng vẫn đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa những cộng đồng tôn giáo xem ra là vấn đề rất nan giải ở Pháp nói riêng và toàn châu Âu nói chung.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục