Năm 2014, TPHCM đã phát triển được 8,3 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân của người dân TPHCM lên 16,9m²/người. Theo kế hoạch phát triển ngành xây dựng năm 2015, TP tiếp tục tập trung thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng chương trình nhà ở, cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Tạo ra dòng sản phẩm nhà ở giá rẻ
Theo số liệu từ Sở Xây dựng TPHCM, với thêm hơn 8,3 triệu m² nhà ở được hình thành trong năm 2014, lũy kế từ năm 2011 đến nay, TPHCM đã phát triển được 32,8 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, đạt 84% so chỉ tiêu 39 triệu m² theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Cụ thể, TPHCM đã phát triển gần 29.500 căn chung cư thương mại (400 căn hộ hạng sang và 8.300 căn hộ cao cấp, gần 8.100 căn hộ trung cấp và 12.617 căn hộ bình dân); di dời, tháo dỡ, cải tạo, xây dựng mới và thay thế được hơn 320.000m² sàn chung cư cũ; hoàn thành 20 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 6.000 căn với 379.000m² sàn xây dựng… Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, công tác phát triển nhà ở trong năm 2014 đã có những bước chuyển biến tích cực. Cụ thể, TP đã chủ động tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cấp phép xây dựng, đặc biệt là cho các hộ dân nằm trong khu dự án “treo”. Chính vì thế, toàn TP trong năm qua đã có gần 51.200 giấy phép xây dựng được cấp. Bên cạnh đó, TP cũng kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN kinh doanh BĐS, góp phần giải quyết được 3.121 căn hộ tồn kho trong năm 2014. Đến nay, trong gần 14.500 căn hộ tồn kho năm 2012, hiện đã giải quyết được hơn 8.200 căn hộ, chiếm tỷ lệ gần 57% lượng căn hộ tồn kho.
Dự án chung cư Era town tại quận 7 được thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy căn hộ”. Ảnh: HUY ANH
Có thể nói, chương trình nhà ở nói riêng và thị trường BĐS nói chung được xem là một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng bộ và chính quyền TP rất quan tâm. Chính vì thế, mặc dù thị trường BĐS đóng băng khá lâu, dẫn đến việc tồn kho lớn (chủ yếu là căn hộ cao cấp, diện tích lớn), từ các chính sách tháo gỡ cho thị trường BĐS của Chính phủ, TP cũng đã chủ động áp dụng và vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, đã thúc đẩy phát triển được dòng sản phẩm căn hộ giá rẻ với diện tích nhỏ, nhà ở xã hội (NƠXH) phù hợp với khả năng tài chính của người dân. Ông Đỗ Phi Hùng cho biết, để tạo ra dòng sản phẩm này trên thị trường, TP đã thực hiện cơ chế, giải pháp xã hội hóa đầu tư xây dựng thông qua phương án “đổi đất lấy căn hộ”, không phải sử dụng vốn ngân sách. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ ứng vốn xây dựng trên khu đất do nhà nước quản lý, sau đó giao lại số lượng quỹ nhà tương đương với giá trị khu đất được giao.
Đánh giá về những bước chuyển biến của thị trường BĐS thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, để đạt được những thành quả trên, Thành ủy và UBND TP đã quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN và thị trường BĐS với việc thực hiện kết nối DN với ngân hàng rất hiệu quả; xử lý nhu cầu chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NƠXH, cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của người mua nhà. “Thực tế cho thấy, thị trường BĐS trong năm qua cũng đã có dấu hiệu ấm dần. Gần 8.400 căn hộ được chào bán (tăng gần 230% so với năm 2013), trong đó có đến 70% căn hộ được đặt mua chủ yếu là ở phân khúc nhà ở có diện tích nhỏ” - ông Lê Hoàng Châu cho biết.
Cần cơ chế phát triển nhà ở cho thuê
Theo kế hoạch, trong năm 2015, TP sẽ phát triển khoảng 8 triệu m² nhà ở, nâng diện tích bình quân lên 17m²/người. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Sở Xây dựng cho biết, TP sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để phát triển NƠXH đáp ứng đa phần nhu cầu và khả năng tài chính của đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà để ở vì thực tế, kết quả phát triển NƠXH trên địa bàn TP còn hạn chế, mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu của người dân. Nguyên nhân là do các cơ chế chính sách hiện nay chưa thực sự ưu đãi hoặc đã có quy định nhưng khó thực hiện nên các DN vẫn chưa mặn mà tham gia.
Theo một lãnh đạo Phòng Phát triển nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng), TP cần thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN để khuyến khích phát triển nhà ở giá rẻ, NƠXH. Bên cạnh đó, phải ưu tiên sử dụng đất công để tập trung phát triển quỹ NƠXH theo phương thức xã hội hóa để phục vụ các dự án tái định cư và chỉnh trang trên địa bàn TP; ưu tiên dành 30% - 50% tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại để tăng cường nguồn vốn cho Quỹ Phát triển nhà ở, đồng thời hình thành Trung tâm quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, để tập trung phát triển quỹ NƠXH trên địa bàn TP.
Ngoài việc tập trung phát triển NƠXH, vị này cũng cho biết, phương hướng phát triển thị trường BĐS trong thời gian tới cũng sẽ ưu tiên chính sách, cơ chế, giải pháp để phát triển căn hộ cho thuê, dần thay đổi quan điểm nhận thức về “mô hình ở”, “nơi ở” với nhà ở cho thuê là chủ yếu, miễn là đảm bảo chất lượng sống phù hợp với công việc, nghỉ ngơi và giải trí của người dân TP chứ không nhất thiết phải sở hữu nhà ở.
Để đáp ứng nhu cầu ở của đại bộ phận người dân lao động tại TP, ông Lê Hoàng Châu cũng cho rằng, Chính phủ và Bộ Xây dựng cần ưu tiên xây dựng ưu tiên xây dựng 2 chương trình - mục tiêu quốc gia: đó là phát triển NƠXH cho thuê và phát triển NƠXH thuê mua vì đây là hai chương trình quyết định nhất đối với mục tiêu chăm lo nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị. “Nhà nước không cần tập trung đầu tư xây dựng NƠXH rồi bán như hiện nay mà cần khuyến khích các DN làm vì hiện nay giá bán một số dự án nhà ở thương mại tại TPHCM đang gần tương đương giá bán NƠXH”- ông Lê Hoàng Châu cho hay. Theo ông Lê Hoàng Châu, để có thể thu hút được DN tham gia vào dự án nhà ở cho thuê, nhà nước cần xem xét cho hoãn nộp tiền sử dụng đất đối với DN đang làm nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ. Cụ thể, đối với TPHCM có thể căn cứ vào mức giá cho thuê căn hộ khoảng từ 2-3 triệu đồng/tháng để thực hiện sự hỗ trợ này.
|
NHUNG NGUYỄN