Xã hội hóa ngành cấp nước - Gỡ nút thắt để thu hút nguồn lực

Xã hội hóa ngành cấp nước - Gỡ nút thắt để thu hút nguồn lực

Hơn 10 năm trước, TPHCM đã có chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước, được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu phủ nước sạch đến 100% hộ dân. Hưởng ứng chủ trương này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đăng ký đầu tư vào đây. Thế nhưng, sau 10 năm, câu chuyện xã hội hóa ngành cấp nước vẫn chưa được như kỳ vọng…

Thành tựu

Hiện nay, mỗi ngày, trong hơn 1 triệu m³ nước sạch cung cấp cho người dân TPHCM, có hơn 400.000m³ là do các nhà máy hình thành từ chủ trương xã hội hóa (Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Nhà máy nước BOT Bình An). Sắp tới, mỗi ngày TPHCM sẽ được cung cấp thêm 300.000m³ nước sạch, từ Nhà máy nước Tân Hiệp 2, do một liên doanh gồm các nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần kinh tế góp vốn xây dựng. Chưa kể trước đây, khi nguồn nước đến nhiều khu vực của quận 8, huyện Bình Chánh luôn thiếu hụt, đã có một doanh nghiệp (DN) nhỏ mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước nhỏ công suất khoảng 1000 m³/ngày, đêm để phục vụ người dân. Ngay ở huyện Cần Giờ xa xôi, hưởng ứng chủ trương xã hội hóa của TPHCM, cũng có một DN đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một nhà máy cấp nước công suất khoảng 300m³ nước/ngày, đêm.

Vận hành hệ thống một nhà máy nước tư nhân tại huyện Cần Giờ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Công tác phát triển và quản lý mạng cấp nước, chống thất thoát nước - một trong những công đoạn khó nhất trong phát triển ngành cấp nước, trước kia gần như không có DN tham gia đầu tư, thì nay đã có DN đặt vấn đề. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) đã có đề án trình UBND TPHCM và các sở, ngành chức năng xin được tham gia quản lý và chống thất thoát nước tại 3 vùng 4, 5, 6 (thuộc các quận, huyện: quận 2, 9, Thủ Đức; quận 4, 7, huyện Nhà Bè; quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh). Theo phương án đầu tư trình UBND TP, 2 công ty trên sẽ bỏ chi phí đầu tư quản lý hệ thống mạng cấp nước tại các quận, huyện trên và họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận từ việc chống thất thoát nước. Người dân trong khu vực 4, 5, 6 chỉ phải trả tiền nước như quy định của thành phố. Lợi ích đối với TPHCM khi cho CII và HFIC tham gia quản lý mạng cấp nước là không phải bỏ kinh phí duy tu, sửa chữa hệ thống mạng này. Hiện nay, quản lý mạng cấp nước ở khu vực trên là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH Một thành viên (Sawaco). Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, bên cạnh kinh phí của Sawaco, hàng năm ngân sách thành phố vẫn phải dành một khoản tiền nhất định hỗ trợ Sawaco duy tu, sửa chữa hệ thống mạng cấp nước. Chưa hết, CII còn mạnh dạn đầu tư dự án cung cấp nước sạch cho huyện Củ Chi nhằm cung cấp nước sạch và nước hợp vệ sinh cho khoảng 5.288 hộ dân tại đây. Có thể nói, thu hút được DN tham gia đầu tư cấp nước ở huyện Củ Chi - nơi có địa bàn rộng lớn, dân cư thưa thớt là một trong những bước tiến rất lớn trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành cấp nước của thành phố.

Và gian nan…

Đề xuất nói trên của CII và HFIC đã được UBND TP chấp thuận. Tại văn bản số 7038/ĐTMT ngày 30-12-2013 của UBND TP đã ghi rõ: “Giao Sawaco chủ trì, phối hợp với liên doanh CII và HFIC đàm phán, thương thảo các điều kiện chi tiết và đề xuất các bước tiếp theo để làm cơ sở thực hiện dự án”. Tuy nhiên, mãi đến ngày 31-7-2015 vừa qua, theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII, đơn vị này mới nhận được văn bản của Sawaco xác định thời gian thương thảo các nội dung như chỉ đạo của UBND TPHCM, nhưng chỉ có… một vùng 6 thay vì ba vùng 4, 5, 6 như đề án.

Không phải ngẫu nhiên mà Sawaco lại có động thái như vậy. Sawaco ra đời trên cơ sở tổ chức lại Công ty Cấp nước TPHCM - một doanh nghiệp công ích 100% vốn nhà nước. Việc tổ chức lại như vậy, đứng ở góc độ kinh tế, có nhiều điểm tiến bộ. Dứt ra khỏi “vòng tay” của nhà nước, doanh nghiệp sẽ phải tự lực để vươn lên và trên thực tế từ gần 10 năm nay, Sawaco đã có những bước tiến vượt bậc. Trước hết là thái độ phục vụ dân đã tốt hơn trước rất nhiều. Sawaco đã tiến hành nhiều chương trình hỗ trợ người dân như lắp đặt đồng hồ nước miễn phí, phát triển mạng cấp nước đến nhiều nơi mà nhiều năm nay luôn lâm vào tình trạng thiếu nước sạch như quận 8, Nhà Bè… Mạng cung cấp nước sạch của Sawaco hiện đã phủ gần như kín toàn bộ khu vực nội thành và mới đây một đường ống nước đã được kéo xuống Cần Giờ - vùng đất xa xôi nhất của thành phố.

Thế nhưng, nhìn ở góc độ xã hội, mô hình hoạt động mới của Sawaco có nhiều cái khó, nhất là đối với các chi nhánh đã tiến hành cổ phần hóa. Đưa nước sạch đến với mọi người dân, đã được TPHCM xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị, xã hội được ưu tiên hàng đầu và nhà nước quản lý giá bán nước sạch của Sawaco. Trong khi đó, đối với một DN, đặc biệt DN cổ phần, lợi nhuận lại là mục tiêu chính. Trong nhiều dự án cung cấp nước cho người dân vùng sâu, vùng xa, chi phí đầu tư cho hệ thống mạng cấp nước lớn mà số người sử dụng nước không nhiều, không có hiệu quả kinh tế, mặc dù TPHCM vẫn dùng tiền ngân sách hỗ trợ nhưng nhìn trên bình diện chung, vẫn còn nhiều cái khó đối với Sawaco. Nhiều khu vực đã được phủ kín mạng cấp nước nhưng người dân ở đấy lại chọn nước giếng khoan để dùng… Ngược lại, ở một số khu vực người dân rất muốn được sử dụng nước sạch của Sawaco nhưng do mật độ dân cư nơi này thưa thớt, phát triển mạng cấp nước đến đây không mang lại hiệu quả kinh tế, nếu không được ngân sách hỗ trợ, không đơn vị nào khác mà chính Sawaco sẽ bị người dân ca thán đầu tiên…

Chính trong bối cảnh này, phải chia sẻ thị trường cho các DN khác là điều không ai muốn, một cán bộ của Sở GTVT TPHCM xin giấu tên đã nhận xét như vậy. Thế nhưng, dù rất… “thông cảm” cho Sawaco nhưng thiết nghĩ, vì lợi ích lớn hơn là người dân TPHCM có đủ nước sạch để dùng, những trở ngại còn lại trong việc xã hội hóa ngành cấp nước cần nhanh chóng được tháo gỡ và khai thông.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục