Trà Vinh: 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới

  • Giao trưởng ấp kiểm soát vịt chạy đồng
  • Các mẫu xét nghiệm trên đàn vịt đều dương tính với virus H5N1

Cục Thú y (Bộ NN- PTNT) vừa cho biết, đến hôm qua (21- 1), Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL trong 8 tỉnh, thành xảy ra dịch cúm gia cầm (DCGC), đã qua 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới.

Theo Sở NN- PTNT Trà Vinh, liên tục những ngày qua các ngành các cấp dồn sức phòng chống DCGC; trong đó huy động cả các vị sư sãi ở các chùa Khmer cùng tham gia chống dịch. Ngoài việc thực hiện tháng tiêu độc sát trùng, ngành thú y đã khoanh vùng những nơi nguy cơ xảy ra dịch để khống chế.

Tính đến nay, DCGC xảy ra ở 38 xã, phường, 18 huyện, thị thuộc 7 tỉnh, thành chưa qua 21 ngày là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Ngoài Trà Vinh, 21 ngày qua không phát sinh ổ dịch mới thì Kiên Giang đã 13 ngày và Sóc Trăng đã 12 ngày qua, không phát sinh ổ dịch mới.

Thông tin liên quan

- Trên kiên quyết, dưới lơi lỏng

- Trà Vinh - tỉnh thứ 6 tái phát cúm gia cầm

- Sóc Trăng – tỉnh thứ 7 có dịch cúm gia cầm

- Quyết tâm khống chế DCGC không để lây lan, Ban Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ yêu cầu các ngành, các cấp xem công tác phòng, chống CGC là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, quyết liệt, không để bùng phát và xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người.

Tại Hậu Giang, tình hình vịt chạy đồng di chuyển đàn về ăn lúa đông – xuân đang thu hoạch ngày càng đông. Chiều 21- 1, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Hiền Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hậu Giang, cho biết: Tỉnh  giao nhiệm vụ đến trưởng ấp, tổ tự quản kiểm soát vịt chạy đồng theo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Hậu Giang đã quyết định cấm bán gà sống ở các chợ dù hiện nay toàn tỉnh chỉ có 4 điểm bán gia cầm sạch đã qua giết mổ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết đang thiếu khoảng 2,5 triệu liều vaccine nên tiến độ tiêm phòng chậm. Dù DCGC chưa xảy ra ở Đồng Tháp nhưng nguy cơ rất cao do các mẫu xét nghiệm trên đàn vịt ở các huyện Thanh Bình, Lấp Vò, Tháp Mười, thị xã Sa Đéc đều cho kết quả dương tính với virus H5N1. Hơn nữa, việc mua bán, vận chuyển gia cầm sống ở các chợ tràn lan, trong khi các lò giết mổ tập trung ngưng hoạt động.

H.P.L. – C.H.P. - B.Đ. – N.T.

Cũng tại Đồng Tháp, một ổ dịch lở mồm long móng mới tái phát trên 5 con heo của một hộ dân tại xã Phú Thành A, huyện Tam Nông. Toàn bộ số heo mắc bệnh đã được ngành thú y tiêu hủy, tiêu độc sát trùng ổ dịch và khu vực xung quanh. Trong khi đó, tại TP Cần Thơ, dịch lở mồm long móng tiếp tục xuất hiện tại 2 xã  Bình Thủy và Long Hòa, quận Bình Thủy làm 78 con heo mắc bệnh. Chi cục Thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh trên.

Theo Cục Thú y, hiện nay, toàn quốc có 13 xã của 9 huyện thuộc 6 tỉnh, thành dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày là: Cao Bằng, Tuyên Quang, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Phú Thọ. Số gia súc mắc bệnh trong 21 ngày qua là 638 trâu, bò và 241 heo.

Tin cùng chuyên mục