Sau thảm họa cầu Cần Thơ

Bộ GTVT giải trình về cảnh báo của kỹ sư Nhật

Hệ số an toàn chỉ 15%!
Bộ GTVT giải trình về cảnh báo của kỹ sư Nhật
Bộ GTVT giải trình về cảnh báo của kỹ sư Nhật ảnh 1

Nhiều khối bê tông lớn đã được dỡ bỏ khỏi hiện trường vào chiều 1-10. Ảnh: CAO PHONG

Hôm qua, 1-10, Bộ GTVT thừa nhận, việc một kỹ sư người Nhật của tư vấn giám sát (TVGS) dự án cầu Cần Thơ đưa ra cảnh báo trước khi xảy ra thảm họa 3 tháng là đúng sự thật. Bộ GT-VT cho biết, bản báo cáo này đã được nhà thầu tiếp thu, chỉnh sửa. Tuy nhiên, thảm họa vẫn xảy ra!

Hệ số an toàn chỉ 15%!

Theo Bộ GT-VT, ngày 12-2-2007, liên doanh nhà thầu Taisei - Kajima - Nippon Steel (TKN) đã có công văn số 1130 gửi TVGS (liên danh Nippon Koei-ChoDai) đệ trình phương án về các công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ của cầu chính; đề nghị TVGS kiểm tra để thông qua. Ngày 7-3-2007, TVGS đã có văn bản trả lời vấn đề này. Theo đó, kết cấu của công trình tạm này có dạng gần giống như kết cấu của công trình tạm thời tại trụ tháp bờ Bắc. Do khoảng cách hai nhịp này khác, nên nhà thầu phải có bản tính về kết cấu công trình tạm. TVGS cũng yêu cầu nhà thầu “thử tĩnh kết cấu công trình tạm”, đồng thời phải có bộ phận giám sát riêng về kết cấu dàn bộ phận của công trình tạm, để đảm bảo tránh phá hoại và khuyết tật mối hàn. Ngoài ra, nhà thầu phải kiểm soát cao độ và khả năng chịu lực của các cọc đóng.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Không để xảy ra thất thoát nguồn hỗ trợ

Ngày 1-10, Văn phòng Chính phủ có Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục giải quyết hậu quả của sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; thống nhất quản lý các nguồn hỗ trợ, có kế hoạch sử dụng có hiệu quả nhất, phân chia hợp lý, công bằng và chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát.

Bộ GTVT lập tổ điều tra sự cố

Ngày 1-10, Bộ GTVT cho biết, theo Luật Xây dựng và Nghị định số 209/2004 trong đó có các quy định về xử lý sự cố công trình, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo thành lập một tổ công tác bao gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp để thu thập số liệu, lập đề cương nghiên cứu và đánh giá nguyên nhân sự cố.

Bộ GTVT cũng đã có công văn số 6194/BGTVT-CGĐ về việc chọn công ty tư vấn độc lập ngoài Bộ GTVT để thực hiện công tác đánh giá nguyên nhân sự cố.

Bộ Công an điều tra nguyên nhân

Hôm nay, 2-10, Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) sẽ làm việc với Công an tỉnh Vĩnh Long, nghe kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ sập cầu.

Được biết, cuộc họp này sẽ bàn đến khả năng khởi tố vụ án và đánh giá, xem xét trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý. Cũng theo một nguồn tin thì có khả năng vụ việc này sẽ được giao cho một đơn vị của Bộ Công an trực tiếp điều tra, thay vì để Công an tỉnh Vĩnh Long thụ lý, Công an tỉnh Vĩnh Long sẽ chỉ tham gia với tư cách phối hợp điều tra.

Tháng 6-2007, nhà thầu TKN đã báo cáo với TVGS bản báo cáo thiết kế (chỉnh sửa) về công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ của cầu chính. Kỹ sư Hiroshi Kudo (kỹ sư kết cấu thép của TVGS) đã được ông Akiyama (kỹ sư thường trú của gói thầu số 2-gói cầu chính) giao nhiệm vụ xem xét, thẩm tra nội dung bản báo cáo này. Sau đó, ngày 27-6-2007, kỹ sư Hiroshi Kudo đã có “báo cáo nội bộ - internal memo” gửi cho ông Akiyama. Lá thư cho rằng, bảng tính kết cấu tạm cần phải được kiểm tra lại (điều chỉnh lại) bởi hệ số an toàn rất thấp. Cần phải gia truyền thêm hệ số an toàn. Hệ số thử tải của kết cấu này không được nhỏ hơn 1,25 lần (so với trọng lượng thật của công trình).

Trong khi đó hệ số thử tải (bảng tính) của nhà thầu đệ trình lên chỉ có 1,15 lần, không tuân thủ theo tiêu chuẩn xây dựng (của Mỹ là 1,25 lần, của Nhật là 1,35 lần). Ngoài ra, hệ số lực gió rất thấp. Kỹ sư yêu cầu thông số từ 1,5-2,5 khi đưa vào tính toán, nhưng bảng tính đệ trình lên chỉ có hệ số 0,5. Từ những vấn đề nêu trên, kỹ sư Hiroshi Kudo kết luận, hệ thống đà giáo này chỉ đạt 15% của hệ số an toàn. Điều kiện làm việc này rất nguy hiểm. Nhà thầu cần thiết phải thiết kế lại.

Cảnh báo đã được xem xét?

Theo ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Bộ GT-VT, căn cứ vào báo cáo của kỹ sư Hiroshi Kudo, ông Akiama đã mời nhà thầu TKN đến văn phòng tư vấn để trao đổi, yêu cầu nhà thầu kiểm tra lại nội dung thiết kế của mình. Ngày 30-6-2007 nhà thầu TKN có công văn 1341 gửi TVGS báo cáo kết quả nghiên cứu ý kiến thẩm tra của kỹ sư Hiroshi Kudo và một số nội dung chỉnh sửa, gia cường công trình phụ tạm.

Ngày 26-7-2007 nhà thầu TKN đã nộp phương án chỉnh sửa các công trình tạm (ván khuôn, đà giáo) và đề nghị TVGS xem xét, chấp thuận. Ngày 13-8-2007, TVGS đã có công văn số 1713 xác nhận tài liệu của nhà thầu đã phản ánh (reflects) được các yêu cầu của TVGS. Do vậy TVGS chấp thuận các công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ phía trụ tháp bờ Bắc và nhấn mạnh chỉ áp dụng cho phía bờ Bắc.

Bản thông báo về vụ việc này được Bộ GT-VT gửi tới các cơ quan báo chí ngày hôm qua (1-10) về sự cố kỹ thuật đã xảy ra. Sự việc trên đang được các kỹ sư, cán bộ chuyên môn của cả hai bên (chủ đầu tư và TVGS + nhà thầu) xem xét một cách độc lập để tìm nguyên nhân – Bộ GT-VT kết luận.

Bảo Minh – Minh Trường

 Cả nước giúp nạn nhân 12 tỷ đồng

* Bạn đọc Báo SGGP góp gần 1,6 tỷ đồng

Tính đến 9 giờ ngày 1-10, các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cả nước đã gửi tiền mặt, hiện vật đến Cần Thơ (thông qua UBMTTQVN địa phương) 7,380 tỷ đồng; phía UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long cũng đã nhận gần 4,5 tỷ đồng tiền cứu trợ. Gần nửa số tiền này đã được trao cho gia đình các nạn nhân.

Ngày 1-10, bà Sủn Thone Xaya Chác, Đại sứ CHDCND Lào tại VN đã trao số tiền 8 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQ VN, nhằm chia sẻ đau thương và giúp đỡ các nạn nhân trong vụ sập cầu dẫn Cần Thơ.

Hiện nay, ngoài 2 người bị dập thận, gan, chấn thương sọ não chưa có dấu hiệu thuyên giảm, 80 người còn lại không có triệu chứng nặng thêm và đang hồi phục dần. Lực lượng cứu hộ hiện được tăng cường một đội chuyên nghiệp từ Nhật sang phối hợp. Lực lượng này đang bắt đầu khoan cắt các tảng bê tông tại hiện trường, đúng vị trí 3 nạn nhân còn mất tích. (Đó là thi thể anh Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Hơn và Lê Hoàng Quốc Việt).Trong hai ngày qua, nhiều đơn vị và cá nhân là bạn đọc Báo SGGP đã tiếp tục đến Ban Chương trình Xã hội Báo SGGP góp tiền ủng hộ các gia đình nạn nhân vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ. Đến 17 giờ ngày 1-10, Báo SGGP đã tiếp nhận số tiền: 1.585.160.000 đồng. Hôm nay, 2-10, Báo SGGP sẽ chuyển đến “Quỹ hỗ trợ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ” (Do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long phối hợp thành lập) số tiền 200 triệu đồng (đợt 1) để tổ chức xây nhà cho những gia đình nạn nhân đang khó khăn về nhà ở và chuyển cho UBMTTQ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long 100 triệu đồng nhằm tiếp tục hỗ trợ các gia đình nạn nhân giải quyết khó khăn trước mắt.

Nhóm PV

Lãnh đạo các nước chia buồn vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ

Được tin vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ hôm 26-9 vừa qua làm nhiều người chết và bị thương, lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế dưới đây đã gửi điện thăm hỏi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội nước ta:
- Tổng thống Cộng hòa Bêlarút Aleksander Lukashenko.
- Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Saynhasone,
Thủ tướng Chính phủ Lào Bouasone Bouphavanh.
- Thủ tướng Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long.
- Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso.
- Chủ tịch Hạ nghị viện Italia Fausto Bertinoti.


Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP Cần Thơ
Không nên trao hết số tiền lớn cho gia đình các nạn nhân

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, đến nay, đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hơn 10 tỷ đồng, 2.534 USD cùng nhiều thuốc men, gạo… Tổng số tiền chi cứu trợ đến gia đình các nạn nhân là 2,46 tỷ đồng. Ngày 1-10, đã chuyển cho UBMTTQ VN tỉnh Vĩnh Long 2 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ cho các nạn nhân. Số tiền còn lại cũng sẽ xem xét, phân phát đến tận gia đình các nạn nhân.

Hiện nay phía Vĩnh Long đang liên lạc với với UBMTTQ VN các địa phương có người bị nạn để bàn phương thức chuyển tiền nhanh nhất tới các gia đình những người bị nạn. Rất nhiều đoàn cứu trợ muốn trực tiếp động viên an ủi, chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân. Có trường hợp đã nhận từ 70 đến hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, một số gia đình các nạn nhân rất ít đoàn đến thăm, chủ yếu nhận tiền cứu trợ từ UBMTTQ VN.

UBMTTQ VN TP Cần Thơ đang tính toán, toàn bộ số tiền sẽ được phân phát tất cả cho các nạn nhân. Đối với bà con nghèo, đa số là nông dân, khi cầm trong tay số tiền lớn mà không có phương án sử dụng tốt thì nhiều khả năng sẽ tiêu xài hết trong thời gian ngắn và trở lại cảnh nghèo. Do đó, không nên trao hết toàn bộ số tiền mặt cho gia đình các nạn nhân mà phải có phương án cụ thể. Đó là phải xem xét hoàn cảnh từng gia đình nạn nhân. Chẳng hạn như dùng tiền xây nhà đối với những gia đình nhà cửa mục nát. Gửi tiết kiệm cho những gia đình có đông con đang còn đi học. Đoàn thể, chính quyền địa phương hướng dẫn cách chi tiêu và thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả…

Ngay từ đầu Chủ tịch UBTƯ MTTQVN Phạm Thế Duyệt đã cân nhắc Vĩnh Long và TP Cần Thơ việc phân phát tiền cứu trợ đến tay gia đình các nạn nhân phải minh bạch, công bằng, hợp lý, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực. Quy trình tiếp nhận, phân phát của chúng tôi đều công khai toàn bộ, nhưng không phải giao tiền xong là chúng tôi hết trách nhiệm.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục