Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường. Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi!

Những bữa cơm không... khói
Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường. Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi!

Theo công bố của UNICEF, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 51,2% năm 1985 xuống còn 25,2% năm 2005. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ này còn quá cao. Trong khi đó, các nghiên cứu trong nước gần đây cũng cho thấy, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ thuộc các cấp học phổ thông lại không hề tốt hơn trẻ ở lứa tuổi mầm non như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Chuyện gì đang diễn ra trong bữa ăn hàng ngày của học sinh (HS) ở trường?

Những bữa cơm không... khói

Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường. Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi! ảnh 1

Bao giờ bữa cơm học đường được quan tâm đúng mức để học sinh phát triển thể lực tốt hơn? Ảnh: D.D.

Sau vài phút ngồi thừ người trước khay cơm nguội tanh, Nguyễn Gia Hiếu, HS lớp 4, Trường Tiểu học Bạch Đằng, quận 4 TPHCM, khua muỗng vào ô đựng canh lấy lên vài cọng rau muống, nhìn, rồi chậm rãi đưa vào miệng. Ô cơm đầy vung nhưng rời rạc vì khô chỉ được Hiếu khảy vài hạt. Món ăn chính là vài mẩu xúc xích chiên không hề được đụng đến. Kết thúc bữa trưa chỉ trong vòng mươi phút, Hiếu ăn ngốn ngấu trái chuối và tợp vài hớp nước. Cùng dãy bàn với Hiếu, đám HS tíu tít nói cười, nhưng khay cơm của đứa nào cũng chỉ vơi khoảng 1/3. Chúng tôi hỏi: “Bữa nào mấy cháu cũng bỏ mứa vậy à?”. Cả đám nhao nhao: “Hông có, hông có, cũng có bữa ngon thì tụi con ăn gần hết”. “Hôm qua mấy cháu ăn gì?”. “Dạ, thịt kho với canh rau” - “Ăn ngon không?” - “Dạ… hông”.

Chỉ mới hơn 9 giờ sáng tại một trường chuẩn cấp 2, quận 1 - nơi được “mệnh danh” là trường của “con ông cháu cha”, đã xuất hiện hai chiếc xe tải nhỏ chở cơm chờ mở cổng. Từng khay cơm, thố canh được chuyển xuống để chuẩn bị chia phần. Tất cả đều sạch sẽ nhưng không có… khói. Bữa ăn trưa của trường này đầy đủ “bốn món… ăn chơi”: cơm, canh, xào, mặn. 11 giờ, từng tốp HS ào xuống hăm hở nhìn thực đơn trên các khay cơm. Mỗi một khay cơm gồm hai đến 3 lát cá nục mỏng chiên rồi kho mặn, một nhúm đậu que xào… chay, canh bắp cải. Bữa trưa diễn ra trong không khí vui vẻ. Vị hiệu trưởng đi đến từng bàn hỏi: “Ngon không các con?”. Vài em tranh nhau trả lời: “Dạ ngon”. Nhưng đến khi chúng tôi đến hỏi: “Hôm nay ăn ngon không?” - “Dạ… không, cá khô queo, canh không có… thịt”. “Sao lại nói với cô hiệu trưởng là ngon?” - “Dạ, nói cho cô… dzui”. Bữa trưa kết thúc, trên nhiều dãy bàn ăn, các khay cơm vẫn còn nhiều thức ăn. Có khay hết cơm, hết canh, còn đầy cá. Có khay chỉ hết mỗi món xào.

11 giờ 15 phút, HS Trường Trần Văn Ơn vào giờ cơm trưa. Thực đơn hôm nay có canh bắp cải nấu sườn, cá mòi hộp sốt cà. Cơm canh đều nóng sốt vì được nấu tại bếp ăn của trường. Tuy nhiên, nhìn học trò ăn uống ngon lành, cô Nguyễn Thị Kim Cương, phụ trách bán trú của trường, cho biết, dù thực đơn thay đổi thường xuyên và cố gắng để đưa dinh dưỡng vào nhưng không thể nào đầy đủ chất như yêu cầu.

Hiệu trưởng một trường tiểu học cũng thẳng thắn: “Lo cho các em ăn no là chính chứ chất lượng dinh dưỡng thì không thể đảm bảo. Nhất là chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang ở ngoài tầm quản lý của nhà trường. Bởi thực tế không ít nơi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các bữa ăn bán trú. Vì vậy mà cứ mở mắt ra là lo chuyện VSATTP, phòng chống cháy nổ, nói gì đến… dinh dưỡng”.

Những “búp măng non” thiếu... cân

Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường. Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi! ảnh 2

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 trong giờ cơm trưa. Ảnh: D.D.

Chị Văn Thị Huệ - phụ huynh bé Nguyễn Minh Thi, HS một trường tiểu học ở quận 5 buồn buồn kể, vì con chị thuộc dạng… dễ nuôi nên yên tâm là nhà trường cho gì bé ăn nấy. Về nhà, chị Huệ bồi dưỡng thêm cho con với đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng theo tiêu chuẩn… 4 sao của bác sĩ. Nhưng sau 2 tháng đi học, Thi xuống 1kg. Chị Huệ tính: “Cháu vốn thiếu 1kg so với tiêu chuẩn, bây giờ mới hai tháng mà đã sút thêm 1kg nữa…”. Xót con, chị Huệ cầu cứu bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ đề nghị phải tăng dưỡng chất cho bé. Nhưng, chị chỉ có thể tăng cường được trong 50% thời gian ở nhà, vì 50% còn lại bé Thi ở trường nên chỉ trông chờ vào… bữa ăn bán trú. Mỗi ngày Thi đi học về đều trả lời… “phiếu thăm dò” của mẹ: “Cơm hôm nay ăn những gì, ngon không, con ăn hết mấy muỗng cơm, mấy muỗng canh…”. Dù thực đơn của trường được thay đổi hàng ngày nhưng chị vẫn… rầu, vì “hôm trước ăn chả lụa với cơm, hôm sau ăn cơm với… xúc xích”.

Không chỉ có tiểu học, ở các lớp mầm non-lứa tuổi ăn là chính, học là phụ, được chăm bón khá kỹ lưỡng ở các bếp ăn trong trường cũng vẫn trong tình trạng “đi học là sút cân”. 3 tuổi, bé Trần Nguyễn Hoàng Duy được nhập học tại một trường mầm non đạt chuẩn của quận 1, với cân nặng và chiều cao đều trên… chuẩn: nặng 17kg, cao 99cm. Sau 1 năm… “thi hành nghĩa vụ” tại trường, Duy còn lại 15kg và vẫn cao… 99cm.

Chị Trần, phụ huynh một “sinh viên” trường mầm non chất lượng cao ở quận 5 than thở: “Đành rằng một lớp có quá nhiều bé, cô không thể chăm nom chu đáo từng trẻ, nhưng việc ra thực đơn để đảm bảo dưỡng chất cho các cháu thì đâu phải là việc khó. Vậy mà có lần, nhìn thực đơn cho bé, một tuần 5 ngày đi học thì đến 4 ngày đều được ăn… cà rốt”. Con chị nghỉ hè, sau một tháng “ở nhà với mẹ”, cu cậu lên được 1,2kg. Đến khi nhập học, chỉ sau 1 tháng, sút 0,6kg. Chị tiếc rẻ công chăm sóc của mình thì ít mà ấm ức vì món cà rốt “triền miên” của trường thì nhiều.

Nhóm PV Khoa Giáo

Theo UNICEF, Việt Nam cùng với 4 nước khác trong khu vực là Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Indonesia được đánh giá là trên đà đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 51,2% năm 1985 xuống còn 25,2% năm 2005. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn còn khá cao so với khu vực.

Theo số liệu điều tra toàn quốc: tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi chiếm 31,9% nhưng trẻ suy dinh dưỡng trong độ tuổi từ 6-14 tuổi lại chiếm đến 32,8%.

Tin cùng chuyên mục