Huy động máy bay tìm kiếm xác định nguyên nhân sự cố tràn dầu

Dầu đã lan đến bờ biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị

Vào 8 giờ sáng 2-2, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực 2 (Đà Nẵng) đã phối hợp với Sư đoàn không quân A372 (Đà Nẵng) để tìm ra nguyên nhân của vụ tràn dầu. Chiều 2-2, Đại tá Trần Văn Thanh, Sư đoàn trưởng A372, cho biết: Đến lúc 10 giờ cùng ngày, tổ bay đã phát hiện 3 đám váng dầu cách bờ biển Đà Nẵng – Quảng Nam chỉ 200-400m với đường kính khoảng 200m.

Chiều 2-2, Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp khẩn với các cấp ngành liên quan nhằm triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển miền Trung trong những ngày qua.

Tính đến chiều 2-2, dầu đã xuất hiện ở các bãi biển Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Đại diện Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu trên biển khu vực 2 cho rằng: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là tìm ra nơi phát tán dầu và thu gom dầu trên các bãi biển.

Theo ông Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nguyên nhân dầu tràn có thể xuất phát từ sự rò rỉ ở những giàn khoan ngoài khơi.

Trong khi đó, ông Hà Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực 2, cho rằng: Có thể sự cố này xuất phát từ vùng biển quốc tế và dầu bị đánh dạt vào bờ biển Việt Nam.

Muốn xác định chính xác nơi xuất phát của sự cố tràn dầu cần phải dùng máy bay thám không hoặc dùng tàu lớn để dò tìm, trong khi đó tàu khảo sát của trung tâm đang trong quá trình đóng mới, chưa thể sử dụng được.

Theo quan điểm của ông Hải là phải xác định ngay nguồn gốc xuất phát sự cố tràn dầu để có biện pháp ngăn chặn kịp thời chứ không thể thấy dầu đến đâu thì xử lý đến đó. Như thế sẽ không ngăn chặn được mà còn làm tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, trong khi môi trường biển của Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Số váng dầu rất lớn tấp vào bãi biển không chỉ ở TP Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn mà chạy dài hơn 100km, vào cả các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Đó là dầu F.O (một loại dầu nặng dùng để đốt lò).

Như vậy, nguyên nhân váng dầu trôi gây ô nhiễm có thể do một vụ đắm tàu xảy ra trong khu vực vùng biển này; hoặc do hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu của một đơn vị nào đó ở khu vực ngoài khơi; hoặc do một tàu chở dầu nào đó cố tình xả dầu cặn ra biển đã gây nên sự cố.

Bên cạnh đó, khả năng dầu sống tràn theo chu kỳ của các mỏ khai thác ngoài khơi cũng được tính đến. Bởi lẽ, ngoài vùng biển Đà Nẵng và Quảng Nam ra, một số vùng biển lân cận như Bình Định, Phú Yên… cũng xuất hiện hiện tượng trên nhưng với mật độ thấp hơn.

Chiều 2-2, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị xã Hội An, cho biết, sau hơn 3 ngày các lực lượng đã thu gom gần 2.500 bao tải, tương đương 15 tấn dầu hắc ín bị sóng biển đánh dạt vào bờ. Ông Nguyễn Thế Anh, Trưởng phòng Nhân sự – Hành chính Khu nghỉ mát khách sạn Golden Sand (Hội An), cho biết: Do ảnh hưởng của sự cố này nên lượng khách đến khách sạn chúng tôi giảm hơn 10%”.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục