Từ những vụ lao động Việt Nam chết tại Malaysia

Nên thay đổi quy trình khám sức khỏe

Như Báo SGGP đã phản ánh về tình trạng có quá nhiều lao động Việt Nam chết tại Malaysia khi đi xuất khẩu lao động, mà một trong nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết oan ức này đã được Bộ LĐTB-XH chỉ rõ: đó là do công tác khám sức khỏe cho người lao động (NLĐ) đi làm việc tại đây rất qua loa. Ngày 5-3, PV Báo SGGP tiếp tục đặt vấn đề với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH về vấn đề này

Như Báo SGGP đã phản ánh về tình trạng có quá nhiều lao động Việt Nam chết tại Malaysia khi đi xuất khẩu lao động, mà một trong nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết oan ức này đã được Bộ LĐTB-XH chỉ rõ: đó là do công tác khám sức khỏe cho người lao động (NLĐ) đi làm việc tại đây rất qua loa. Ngày 5-3, PV Báo SGGP tiếp tục đặt vấn đề với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH về vấn đề này.

Năm 2002, Việt Nam bắt đầu hợp tác lao động với Malaysia. Cuối năm 2003, 2 nước chính thức ký kết Hiệp định về hợp tác lao động và ngay sau đó thị trường lao động Malaysia được tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy phát triển như một thị trường lao động đầy tiềm năng. Điểm khác biệt của thị trường này đối với các thị trường lao động khác, đó là nhắm đến đối tượng lao động phổ thông, không cần đến tay nghề cao như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chính bởi vậy, từ năm 2003, các doanh nghiệp XKLĐ đổ xô về các vùng nông thôn để tuyển chọn lao động. Thị trường Malaysia cũng chính là khởi đầu cho mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các địa phương cùng tuyển lao động đi làm việc tại nước ngoài.

 Vụ gần 200 lao động Việt Nam ở Jordan kêu cứu
Đoàn cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTB-XH sang Jordan

 Về vụ khoảng 200 lao động Việt Nam đình công tại Jordan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ), hôm qua, 5-3, đoàn cán bộ của liên bộ Ngoại giao, LĐTB-XH đã lên đường sang Jordan để phối hợp với Sứ quán Việt Nam tại Cairo xử lý vụ việc.

Hiện tại, theo ông Trần Việt Tú, tham tán sứ quán Việt Nam tại Cairo, 176 lao động Việt Nam tại đây vẫn đình công, không chịu đối thoại với cơ quan chức năng. Mặc dù phía bạn đã cam kết bảo đảm các quyền lợi cơ bản cho NLĐ cũng như giải thích rõ ràng cách tính lương, tuy nhiên số lao động này vẫn chưa được thuyết phục. Nhiều lao động đòi về nước. Vì vậy, chiều qua, 5-3, theo ông Nguyễn Thanh Hòa, đoàn cán bộ của ta sang tới nơi sẽ giúp số lao động muốn về nước các thủ tục cần thiết để quay về.

Hiện tại, Bộ Lao động Jordan cũng đang tích cực điều tra việc có hay không cảnh sát đánh NLĐ Việt Nam. Tuy chưa có kết luận cuối cùng, nhưng nhiều khả năng đã xảy ra xô xát giữa NLĐ và cảnh sát, thậm chí Bộ LĐTB-XH không loại trừ khả năng NLĐ xông vào xô xát với cảnh sát trước, dẫn đến ẩu đả.

P. Thảo

Cũng xuất phát từ việc lao động sang làm việc tại Malaysia đều là lao động nông thôn nên các doanh nghiệp XKLĐ đã “khẩn khoản” đề nghị Bộ LĐTB-XH cho phép NLĐ được khám sức khỏe ở những địa bàn thuận tiện nhất nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian khi đi làm việc tại Malaysia. Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, bộ đã đồng ý để các trung tâm y tế quận huyện, các trung tâm y tế của các cơ quan… được khám sức khỏe cho NLĐ. Và điều đó, sau này đã được chỉ ra, là hệ quả dẫn đến rất nhiều lao động Việt Nam chết ở Malaysia do sức khỏe kém. Vì không khám kỹ, nhiều NLĐ có sức khỏe kém vẫn được đi, nên khi làm việc trong điều kiện công việc, khí hậu khác với trong nước, nhiều lao động đã bị đột tử.

Nguyên nhân còn do phía Malaysia không hề quy định phải tái khám sức khỏe NLĐ khi đến Malaysia. Bởi vậy, trong gần 3 năm (2002, 2003 và 2005), công tác khám sức khỏe cho NLĐ sang làm việc tại Malaysia gần như bỏ ngỏ hoàn toàn. Ai cũng thừa hiểu, rất nhiều NLĐ chỉ cần bỏ một khoản tiền không đáng kể là đã có thể mua một tờ giấy chứng nhận khám sức khỏe. Cuối năm 2005, khi tỷ lệ lao động chết ở Malaysia nhiều đến mức báo động, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH mới vào cuộc để ban hành một thông tư quy định: chỉ có những bệnh viện đa khoa cấp 1 mới được khám sức khỏe cho NLĐ đi làm việc tại Malaysia.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, sau khi có quy định này, tỷ lệ lao động chết đã giảm từ 0,13% xuống còn 0,09%. Tuy nhiên, không thể căn cứ vào tỷ lệ giảm đó để minh chứng rằng giải pháp khắc phục trên đã đúng. Nhiếu ý kiến cho rằng, con số mỗi năm có trên 100 lao động Việt Nam chết ở Malaysia mới là con số đáng bàn. Và điều cần đặt ra là, tại sao lao động làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không chết, hoặc tỷ lệ chết là không đáng kể. Đó phải chăng là vì thị trường Malaysia không “siêu lợi nhuận” như các thị trường khác, nên các doanh nghiệp XKLĐ có tâm lý đem con bỏ chợ, chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, không quan tâm đến sự sinh tồn của NLĐ sau khi đưa sang Malaysia? Tại sao đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, tổng cộng phải khám sức khỏe tới 3 lần (khám trước khi tuyển dụng, sau khi đã được tuyển dụng và sau khi đã sang Hàn Quốc) mà lao động sang Malaysia chỉ được khám 1 lần? Có thể áp dụng cách làm đối với NLĐ đi Malaysia như đi Hàn Quốc? Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP vào chiều qua, 5-3, ông Nguyễn Thanh Hòa chỉ dừng lại ở câu trả lời: “Chúng tôi sẽ xem xét lại. Có thể sẽ có sự thay đổi”(!). Và cũng theo ông Hòa, lý do sức khỏe không phải là nguyên nhân hoàn toàn dẫn đến những cái chết ở Malaysia. Rất nhiều người chết vì ý thức kỷ luật kém, dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông hay đột tử (uống rượu, tắm xong nằm ngủ dưới nền đất rồi bật quạt số mạnh…). Vì vậy, “nếu những lao động này ở nhà thì cũng sẽ có chuyện xảy ra”, ông Hòa nói.

Rõ ràng, càng công khai về vấn đề này, càng thấy một bất ổn đối với thị trường lao động Malaysia. Điều bất ổn nằm ở cả khâu khám sức khỏe cho NLĐ, khâu tuyển dụng lao động đến công tác giáo dục định hướng cho NLĐ trước khi đi. NLĐ sang làm việc ở Malaysia đã không được trang bị những kỹ năng cần thiết để có được một việc làm và cuộc sống an toàn ở đất nước bạn. Họ cũng không được chuẩn bị một sức khỏe tốt nhất trước khi tiếp cận với một công việc hoàn toàn mới, một môi trường sống hoàn toàn mới. Tất cả điều này phải chăng là do thị trường lao động Malaysia dễ tính, nên cách làm của chúng ta cũng dễ tính theo, mà không cẩn trọng, kỹ càng như đối với các thị trường khác. Và phải chăng, những cái chết của NLĐ ở Malaysia là hậu quả của việc chúng ta coi nhẹ yêu cầu của thị trường, coi nhẹ sự an toàn và tính mạng của NLĐ, vì cho rằng đây là thị trường chỉ cần số lượng mà không cần chất lượng?

Thị trường lao động Malaysia đã mở được 5 năm. Đây cũng là thị trường tồn tại nhiều bất cập nhật, tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí và cũng là thị trường mà NLĐ có nhiều e ngại nhất. Nên chăng, đã đến lúc Bộ LĐTB-XH cần nhìn nhận lại sự phát triển của thị trường này để có bước đi bền vững hơn, với những thay đổi phù hợp hơn.

Quang Phương

Được và mất...

Con số mỗi năm có trên 100 lao động Việt Nam tại Malaysia bị tử vong (bình quân 6 ngày có 1 người chết) khiến dư luận cảm thấy xót xa. Đúng là vì nghèo khó, vì thiếu việc làm, chúng ta phải chấp nhận đưa lao động ra nước ngoài làm những công việc thuộc loại 3D  (nguy hiểm, nặng nhọc, ô nhiễm) mà lao động nước sở tại chê không làm. Nhìn lại thị trường Malaysia - nơi có khoảng 120.000 lao động đang làm việc thấy có quá nhiều điều rủi ro, bất ổn.

Những năm qua, do chạy theo số lượng, tuyển nhanh, tuyển ồ ạt, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã bất chấp các quy định, đưa cả những lao động có nhân thân không tốt, không đảm bảo về thể lực, sức khỏe đi Malaysia lao động. Hệ quả của tình trạng “vơ bèo vạt tép” trong tuyển dụng lao động đi xuất khẩu đã dẫn đến hệ lụy lao động phải về nước khá nhiều do việc làm không đảm bảo, thu nhập thấp…

Đó là chưa kể, họ đã góp phần làm xấu đi hình ảnh của người VN ở nước ngoài khi gây ra những vụ việc xấu, phạm pháp, đánh nhau… Với mong muốn khai thác thị phần ở thị trường có thu nhập vừa này, Bộ LĐTB-XH và các địa phương đã triển khai rầm rộ chương trình liên thông, tạo điều kiện cho lao động vay vốn dễ dàng… Thế nhưng, điểm lại và so sánh giữa hai con số –tiền vốn đầu tư cho lao động đi Malaysia và nguồn ngoai tệ thu về dễ thấy lợi ích và lợi nhuận chưa tương xứng. Với mức lương bình quân khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, nhiều lao động nghèo ra đi với hai bàn tay trắng và khi trở về gánh thêm nợ nần vì gặp rủi ro mất việc làm, phải về  nước trước thời hạn.

Từ thực tế nêu trên, Bộ LĐTB-XH và các địa phương hãy nhìn lại và đánh giá đúng về cái được và cái mất khi đưa ồ ạt lao động sang thị trường có thu nhập vừa và thấp như Malaysia làm việc. Chỉ tính, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, số tiền lao động nợ ngân hàng lên đến hàng chục tỷ đồng. Có không ít lao động ở các tỉnh miền Trung và một số tỉnh khác đã “bỏ của chạy lấy người” - xin về nước trước thời hạn - vì mức lương ở Malaysia không đủ sống. Thứ nhất, lỗi này thuộc về các công ty xuất khẩu lao động đã cố tình thổi phồng sự thật về lương bổng, điều kiện làm việc ở xứ người để “chiêu dụ”  lao động đi Malaysia làm việc. Thứ hai, lỗi này cũng có phần trách nhiệm của Bộ LĐTB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Ban quản lý lao động tại Malaysia đã không kiểm soát thực tế và thẩm định kỹ hợp đồng trước khi đưa lao động đi. Cuối cùng vì thiếu thông tin, thiếu kiến thức về pháp luật, trình độ ngoại ngữ thấp nên người lao động không thể tự bảo vệ quyền lợi của mình nơi xứ người. Nhiều người trong số họ đã lãnh trọn thiệt thòi và hy vọng đổi đời từ xuất khẩu lao động vụt tắt. 

Trước hàng loạt vấn đề bất ổn nêu trên, đề nghị Chính phủ, Bộ LĐTB-XH hãy đánh giá lại việc đưa lao động “thô” đến những thị trường có thu nhập thấp như Malaysia hoặc một số thị trường, khu vực khác. Vấn đề đặt ra ở đây là có cần thiết phải bằng mọi giá đưa thật nhiều lao động ra  nước ngoài làm việc hay không? Phải cân nhắc và xem xét kỹ giữa cái được và cái mất trong vấn đề này…

Liên Thanh

Tin cùng chuyên mục