Nhà dân nằm dưới đường dây điện trung, cao thế

Thiệt hại ai giải quyết?

Thiệt hại ai giải quyết?

Báo SGGP nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh ngành điện tự động trồng trụ, kéo dây ngang mái nhà của họ khi chưa được người dân chấp thuận. Rơi vào tình cảnh này, người dân đề nghị ngành điện di dời nhưng không được giải quyết, còn sửa chữa nhà để ở thì vi phạm quy định an toàn lưới điện…

Nhà chờ sập vì trụ điện

Thiệt hại ai giải quyết? ảnh 1

Nhà của ông Huỳnh Văn Bon bị xuống cấp trầm trọng nên đành bỏ hoang.

Nhà ông Huỳnh Văn Bon ngụ ở số 189 khu phố 2 P.Bình Trưng Tây Q2 bị xuống cấp trầm trọng gần 10 năm qua nhưng không được phép sửa chữa, nâng mái nhà lên cao được. Nguyên nhân là do Công ty Điện lực TPHCM đã cho nhân viên đến trồng trụ điện sát bức tường nhà của ông Bon và kéo dây điện chằng chịt trên nóc nhà.

Ông Bon cho biết, vào năm 1998, trong lúc ông đi công tác xa nhà thì ngành điện đến trồng trụ điện và giăng mắc dây điện như nêu trên. Khi trở về, ông thấy sự việc đã rồi. Từ năm 2001 đến nay, ông liên tục khiếu nại và đề nghị Công ty Điện lực TP giải quyết cho di dời trụ điện này đi chỗ khác để ông tiến hành sửa chữa nhà cửa nhưng không được giải quyết. Căn nhà của ông xây dựng từ năm 1960 đến nay đang bị nứt nẻ, thấm dột khắp nơi, nguy cơ sập đổ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Để đảm bảo an toàn tính mạng, gia đình ông phải dọn đi ở nơi khác, bỏ nhà hoang suốt gần 7 năm qua.

Bà Nguyễn Thị Phượng (ngụ tại nhà số 24 đường Trần Não P.Bình An Q2) cũng gởi đơn khiếu nại Công ty Điện lực TPHCM về việc trồng trụ điện bên trong khuôn viên đất của gia đình bà. Trước đây gia đình bà mua mảnh đất này nhưng chưa xây cất nhà. Sau đó, Công ty Điện lực TP đã trồng 1 trụ điện trung thế tại đây mà chưa được sự ưng thuận của bà. Bà đã nhiều lần khiếu nại nhưng chưa được ngành điện giải quyết. Hiện nay, do vướng trụ điện nên gia đình bà không thể xây nhà để ở được.

Sống chung với tử thần và ô nhiễm

Thiệt hại ai giải quyết? ảnh 2

Do vướng đường dây điện cao thế, nhiều hộ dân ở KP 5 P.An Lạc Q.Bình Tân phải chịu cảnh bắc ghế leo khi ra vào nhà. Ảnh: SONG PHA

Hơn 50 hộ dân ở khu phố 5 P.An Lạc Q.Bình Tân cũng có chung nỗi khổ phải sống dưới đường dây cao thế 110kV Phú Lâm-Phú Định. Nhà cửa của họ bị hư hỏng nặng và xuống cấp nhưng không được phép sửa chữa. Sau khi các tuyến đường ở khu phố này được nâng cao 1,2m để chống ngập nước theo chủ trương nâng cấp đô thị của TP, người dân càng khốn đốn hơn.

Bởi lẽ, những căn nhà của họ trở thành những tầng hầm chứa nước mỗi khi trời đổ mưa. Các hộ dân ở đây đang rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là, nếu nâng nền mà không nâng mái thì chỉ có thể vào nhà bằng cách quỳ, bò,…. Còn nếu nâng mái cao hơn thì vi phạm quy định về hành lang an toàn lưới điện cao thế, mất an toàn vận hành lưới điện cao thế và nguy hiểm đến tính mạng.

Vào năm 1996, Ban Quản lý dự án các Công trình điện miền Nam thi công xây dựng, kéo đường dây 110kV Phú Lâm-Phú Định. Lúc đó, nhiều hộ đề nghị Công ty Điện lực TP xem xét giải tỏa di dời nhà dân khỏi khu vực bị nhiễm điện trường để không bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, lúc đó “Công ty Điện lực TP đã phớt lờ nguyện vọng của người dân, chấp thuận cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam “tiết kiệm chi phí” bằng cách miễn di chuyển 50 hộ khỏi hành lang an toàn lưới điện đường dây 110kV”-ông Nguyễn Văn Minh (ở số nhà 47 đường Ngô Y Linh khu phố 5) bức xúc nói.

Sau nhiều lần bị người dân khiếu nại, ngày 25-12-2007, ông Trần Khiêm Tuấn, Phó Giám đốc Thường trực Công ty Điện lực TP đã yêu cầu Xí nghiệp Điện cao thế lập phương án trồng 1 trụ cao thế vào khoảng giữa 2 trụ số 8 và 9 để nâng đường dây 110kV Phú Lâm-Phú Định đạt khoảng cách an toàn theo đúng quy định. Như thế người dân ở khu vực này có thể nâng nền và chiều cao nhà ở theo mặt đường lên thêm 0,9m. Ông Tuấn hứa sẽ hoàn tất thi công trong tháng 2-2008. Thế nhưng, đến nay chưa thấy ngành điện thực hiện lời hứa của mình.

Theo ông Trần Anh Hào-Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công nghiệp TPHCM), Nghị định số 70/CP và sau này là Nghị định 106/2005/NĐ-CP đã quy định những căn nhà nằm dưới đường dây điện cao thế phải được giải tỏa, di dời để đảm bảo an toàn cho người dân. Việc trồng trụ điện vào khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của công dân hay kéo dây điện qua địa phận nhà dân làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân đều phải có giấy ưng thuận kèm theo chế độ đền bù thỏa đáng phần hạn chế sử dụng của chủ tài sản. Ông Hào cho biết, nếu việc giải quyết của ngành điện chưa thỏa đáng thì người dân có thể nộp đơn đến Sở Công nghiệp TP yêu cầu nơi đây bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục