Việc làm cho người dân tái định cư tại TPHCM - Bài 1: Thiếu ổn định

Việc làm cho người dân tái định cư tại TPHCM - Bài 1: Thiếu ổn định

Thông tin từ Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi trên địa TPHCM cho biết, đến hết tháng 3-2008, quỹ chỉ mới cho vay vốn tạo việc làm cho khoảng 9.200 lao động và hỗ trợ đào tạo trung cấp nghề cho 14 người. Trong khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy trên địa bàn TP hiện có gần 49.000 hộ dân với hàng trăm ngàn lao động buộc phải di dời tái định cư, trong số đó một bộ phận không nhỏ tái định cư ở các chung cư. Thực tế việc làm của các hộ dân này như thế nào?

Không có nhiều việc làm tại nơi ở mới

Việc làm cho người dân tái định cư tại TPHCM - Bài 1: Thiếu ổn định ảnh 1

Chị Hạnh và chị Hoa (đang sống ở chung cư Bình Trưng Đông quận 2) đều cho biết, cuộc sống đang bấp bênh vì nhiều người trong gia đình không có việc làm ổn định.

Đây là thực tế ghi nhận được sau khi chúng tôi khảo sát, tìm hiểu tại một số chung cư tái định cư trên địa bàn các quận huyện. Các chung cư, dù ở quận nội thành hay các huyện ngoại thành, nói cách nào đó, chỉ là nơi để cho người dân di dời có được một nơi ở mới, chứ chưa tạo ra được cuộc sống mới cho họ.

Nhiều hộ dân hiện đang sống tại chung cư Bình Trị Đông quận 2 vốn trước đây cư ngụ tại khu vực Thủ Thiêm (quận 2), Hàm Tử (quận 5), Thanh Đa (Bình Thạnh)… cho biết, phần lớn những người có việc làm ổn định đều đang làm việc ở chính nơi họ đã ra đi. Một số xưởng đóng tàu quanh khu vực Thủ Thiêm vẫn là nơi làm việc của những người thợ cơ khí, thợ hàn, thợ sơn nay đã về sống tại chung cư Bình Trưng Đông.

Chị Trương Kim Hạnh (ngụ phòng 507 lô G chung cư Bình Trưng Đông quận 2) kể cho chúng tôi nghe về “hành trình” kiếm sống của gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác trước sống ở khu vực đường Hàm Tử (quận 5). Đây vốn là khu vực buôn bán nhỏ của chị em và chạy xe ôm, xe ba gác, khuân vác của những người đàn ông trong gia đình.

Khi có quyết định di dời về quận 2 cách nay trên 5 năm, công việc ở chỗ mới không có, nhiều người phải quay về chỗ cũ hành nghề nhưng không bao lâu lại di dời vì dự án đã triển khai, phải chạy sang khu vực đường Cao Lỗ quận 8 để mưu sinh, nhưng rồi cũng không ổn định vì dự án tiếp tục triển khai tại đây.

Số ít quay về quận 2, số còn lại tiếp tục lùi sâu vào những vùng đất chưa triển khai dự án. Mấy năm sau cũng ly tán khắp nơi. Những người trở về quận 2, phần lớn vẫn thất nghiệp hoặc buôn bán nhỏ trên những chiếc xe đẩy tự chế, thu nhập bấp bênh.

Ở các chung cư khác như chung cư Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức, chung cư Hà Kiều quận Gò Vấp, chung cư Lò Gốm quận 6, khu tái định cư Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân, chung cư Bình Phú quận 6, chung cư Huỳnh Văn Chính quận Tân Phú… đều có những hoàn cảnh tương tự.

Thực tế này cũng được Viện Kinh tế TPHCM kiểm chứng qua đề tài nghiên cứu về thực trạng đời sống kinh tế - xã hội các hộ gia đình sau tái định cư. Theo đó, chỉ có khoảng 12,7% số người có việc làm mới sau khi tái định cư.

Nguyên nhân, người dân tái định cư thường không được bố trí tái định cư tại những nơi có nhiều nhu cầu việc làm hay có thị trường buôn bán thuận lợi nên đa số họ phải quay lại nơi ở cũ để mưu sinh.
 
Những hệ quả...

Chưa có một thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng công bố về thực trạng đời sống của người dân tái định cư trên địa bàn TP, nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận ra những khó khăn và bất ổn trong cuộc sống của họ. Tỷ lệ thất nghiệp, không có việc làm ổn định khá cao. Trong những hộ dân được hỏi, không ít hộ cho biết không có việc làm ổn định, nhiều thành viên trong gia đình còn trong tình trạng thất nghiệp.

Điều này đã dẫn đến thu nhập trong gia đình không ổn định, nhiều hộ dân phải bán nhà tái định cư để đến các khu vực có nhiều cơ hội tìm được việc làm hơn để sinh sống.
 
Theo Phó trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị (Viện Kinh tế TPHCM) Lê Văn Thành, tình trạng trên để lại những “tổn thất vô hình” rất to lớn, có thể dẫn đến những bất ổn lâu dài mà các nhà hoạch định chính sách có khi không thể nhận ra trước mắt. Cụ thể như thu nhập họ kiếm được từ công việc làm ăn đã bị giảm sút do những khó khăn vì phải di chuyển chỗ ở, hoặc do những phí tổn do phải đi làm xa.

Ở lĩnh vực học hành, hầu hết con em các hộ gia đình tái định cư phải quay lại trường cũ để học, vì giấy tờ thủ tục khó khăn, nơi ở mới thiếu cơ sở vật chất… Chỉ có 10,8% học sinh chuyển trường đến gần nơi ở mới là một tỷ lệ đáng quan tâm, nó thể hiện sự khó khăn trong hòa nhập vào cộng đồng dân cư nơi ở mới của người dân tái định cư.

Cũng chính sự không ổn định nên con cái không thể theo học liên tục, khả năng thích nghi kém dẫn đến tình trạng không ít con em dân tái định cư bỏ học sớm.
 
Kết quả khảo sát của Viện Kinh tế TP cũng cho biết, đa số người dân tái định cư không học nghề và không có nguyện vọng học nghề. Khi được hỏi “Hiện nay trong gia đình có ai đang học nghề không?” thì câu trả lời “không” chiếm đến 93,3%.

Nguyên nhân chính của việc này là do họ là dân nghèo, nhu cầu cuộc sống quá bức bách khiến họ phải tham gia ngay vào thị trường lao động mà không có thời gian học nghề; đồng thời kinh phí hỗ trợ việc học nghề cho người dân tái định cư hiện nay còn thấp khiến cho người tái định cư không đủ trang trải chi phí hàng ngày trong suốt thời gian học nghề 

Tình trạng việc làm của người dân sau tái định cư TPHCM theo điều tra của Viện Kinh tế TP: việc làm ổn định chiếm 37,8%; việc làm bấp bênh: 15,8%; không có việc làm: 23,2%; còn đi học: 18,3%; nội trợ: 4,9%.

Có đến 37,7% người dân về nơi ở mới cho rằng tình trạng việc làm của các thành viên trong gia đình xấu hơn so với trước tái định cư. Trong khi ý kiến cho rằng việc làm tốt hơn chỉ chiếm 11% và phần lớn họ đều xác nhận việc làm “cũng vậy” chiếm 52,3%.
 

NGỌC LỮ
 

Tin cùng chuyên mục