Ghi chép từ tâm lũ Lào Cai- Yên Bái

Hàng ngàn người đang khốn khó

Hàng ngàn người đang khốn khó

Cho đến sáng nay, 11-8, tâm lũ Lào Cai, Yên Bái vẫn hoàn toàn bị cô lập với vùng xuôi sau 4 ngày xảy ra lũ lớn. Người ở vùng xuôi không thể lên được Lào Cai, Yên Bái. Người từ Lào Cai, Yên Bái cũng không về được vùng xuôi. Hàng ngàn người dân, du khách nước ngoài vẫn tiếp tục lỡ độ đường, lang thang vạ vật, tiến thoái lưỡng nan. Giao thông trở nên hỗn loạn khi nhiều người cố tìm cho mình một lối thoát ra khỏi “ốc đảo”. PV Báo SGGP đã có mặt tại tâm lũ để ghi lại những nỗi khổ của họ.

8 triệu đồng/cuốc taxi

Từ Hà Nội, hàng loạt phóng viên gọi lên bảo rằng, anh em rất muốn đi vào rốn lũ, nhưng giá một cuốc taxi từ Hà Nội đến thị xã Phú Thọ là 8 triệu đồng (đắt gấp 10 lần bình thường). Mà họ cũng chỉ đến được ngã ba Đoan Hùng (Phú Thọ), Yên Bình (Yên Bái) rồi hầu như lại quay về. Chỉ có rất ít anh em vào được rốn lũ sau khi bất chấp mưa lũ, sạt lở, hiểm nguy, đi bộ hàng chục cây số, cắt rừng, lội suối suốt ngày đêm. Bởi toàn bộ cung đường từ ngã ba Đoan Hùng, ngã ba Bằng Luân đến thị trấn Yên Bình và lên Phố Ràng (Bảo Yên-Lào Cai) đã bị chia cắt thành hơn 30 điểm ngập lụt, đất đá tràn ra lòng đường, có hơn 4 điểm cả khúc đường dài 100-200m bị sụt hẳn xuống lòng sông.

Huyết mạch nối Hà Nội với Yên Bái và Lào Cai tê liệt.

Dọc đường 70, đoạn từ TP Yên Bái lên Lào Cai, hàng trăm ôtô khách, ôtô tải, xe du lịch, kể cả đoàn xe cứu hộ, máy xúc, máy ủi “nằm im như thóc”, nối đuôi nhau cả đoạn dài, cạnh những đống đất, đá đổ nát, nhão nhoét. Hàng trăm chủ xe ngao ngán. Mặt phờ phạc vì mất ngủ, hoang mang không biết khi nào trở về.

Trong khi đó, huyết mạch thứ 2 là tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai cũng đã “chết đứng” sau khi 3 ga Yên Bái, Phú Thọ và Cổ Phúc chìm trong nước lũ.

Tại Yên Bái, có 2 toa tàu đã rơi tùm hẳn xuống sông Hồng, cho đến nay vẫn chưa trục vớt lên được. Đầu toa vẫn nằm chỏng chơ trên ray. Một đoạn đường ra cũng chìm nhỉm dưới lòng sông. Bên dưới, cả cung đường sắt qua huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) nằm sát sạt bên mép nước lũ sông Hồng. Khắp nơi, người dân râm ran bàn tán, kêu than chuyện “không còn đường để về nhà”. 

Bò vào “rốn” lũ

Để lao sâu vào rốn lũ, không còn cách nào khác, PV Báo SGGP đành phải trở lại thị xã Tuyên Quang để vòng sang huyện Bắc Quang (Hà Giang) rồi quay ngược về Phố Ràng (Lào Cai) theo quốc lộ 279. Đây vốn là tuyến đường tránh cho quốc lộ 70 khi ách tắc. Thế nhưng, thật không may, đất đá, mưa lũ, gió lốc cũng đã băm nát cả “huyết lộ” 279 thành nhiều mảnh đường cụt, nhất là đoạn từ thị trấn Việt Quang (Hà Giang) đi Phố Ràng. Trong đó, nặng nề nhất là đoạn dài 30km thuộc địa phận xã Xuân Hòa (Bảo Yên).

Dọc đường, những đoàn xe khách, xe tải nằm rệu rã bên lề đường. Dưới đuôi một chiếc xe tải mang BKS 22L-4590 đang đỗ chênh vênh bên miệng vực, 3 người đàn ông nằm gối đầu lên tảng đá. Bên trên là cái dây phơi la liệt quần áo ướt.

Chẳng còn cách nào, chàng tài xế Đào Trọng Đức, ngoài 40 tuổi, ở xã Thái Long (Yên Sơn-Tuyên Quang) than thở: “Chúng em nằm ở đây đã 3 ngày rồi. Toàn bộ 3 tấn cà chua chở từ cửa khẩu Lào Cai về đã bắt đầu thôi, chỉ chờ chủ hàng lên xác nhận xong là đổ đi”.

Anh Đức cho biết tổng trị giá xe cà chua là 30 triệu đồng. Bằng gương mặt bần thần, anh kể lại: “Sợ quá. Đêm qua em đậu xe ở khúc kia. Nửa đêm mưa lớn, cả khối đất đá đổ ập xuống, suýt hất tung xe xuống vực. Hôm nay phải đẩy xe lên chỗ này. Nhưng bây giờ đi cũng không được mà về cũng không xong rồi”. 

Còn tài xế Lê Văn Hải, lái chiếc xe tải mang BKS 24K-2146, cùng một nhóm anh em thì thổ lộ: “Đã 4 ngày rồi, bọn em toàn phải ăn mì tôm và uống nước suối thôi. Có tiền cũng không đi đâu mà mua đồ ăn được. Cầu trời đừng mưa thêm nữa. Mưa nữa là chết luôn ở đây”.

Cách đó một đoạn, một chiếc xe cứu hộ của Công ty Quản lý đường bộ 232 được điều động xuống để “cứu” đường cố tình lao qua đống sình bùn, ngay lập tức bị sa lầy, phải thuê 12 người dân sở tại ra xúc bùn để “giải cứu” rồi lui lại 1km, anh em ngồi chờ mưa tạnh.

Trưởng Phòng Quản lý kinh tế của Công ty Quản lý đường bộ 232 Đỗ Bá Chung bảo mọi người: “Các anh nên quay về đi. Ít nhất 3 ngày nữa đường này mới thông”. Mở tấm bản đồ ra, anh bảo: “Tất cả các đường đều tắc. Không có cách nào lên được TP Lào Cai ngoài đi bộ”. Vừa lúc đó, một nhóm cán bộ của Ban quản lý Dự án giao thông huyện Quang Bình (Hà Giang) kéo cỗ máy xúc quay về, lắc đầu than thở: “Cả đoạn đường có hàng chục điểm sạt lở. Một cỗ máy xúc không làm xuể”. 

Không còn cách nào khác, hàng trăm người đành phải “vứt” ôtô lại, thuê xe ôm đi tiếp đến Phố Ràng. Nhưng vừa đến đầu bản Nậm Hoặc (xã Vĩnh Yên, Bảo Yên) thì tuyến đường bỗng nhiên bị sụp một đoạn dài gần 100m. Bên dưới, miệng vực sâu hoác. Cánh xe ôm đành tặc lưỡi, trả lại tiền để khách tự cuốc bộ suốt chặng đường dài 20km.

Trước mặt, đất nhão, đá hộc, thân cây đổ xối xả thành đống lớn, trùm kín mặt đường. Đoàn người vẫn hổn hển, ì ạch bước và bò trên đống bùn, khe suối. Phía ngược chiều, liên tục xuất hiện các nhóm xe ôm chở lũ lượt khách nước ngoài, lỉnh kỉnh đồ đạc, gương mặt nào cũng lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi. Cứ mỗi đoạn ngập, bùn đất sạt, cả nhóm lại lội bì bạch. Bùn ngập tận gối.

Phong, một hướng dẫn viên du lịch cho đoàn khách Australia bảo chúng tôi: “Quay lại đi. Còn một trăm điểm sạt lở nữa. Chúng tôi đang tháo chạy đây”.

Tiếng người mệt mỏi hỏi thăm nhau đường còn bao lâu, có nhiều điểm ùn tắc, có xe ôm không? Tất cả đều chỉ nhận được cái lắc đầu, khuyên nhủ: “Đừng đi nữa”. “Không có xe ôm. Có người ta cũng không muốn chạy”.

Một người dân bực mình bảo: “Chạy đường nào cũng sạt lở. Cứ tình hình này, tôi đố ông nào thông được đường trong 3-4 ngày nữa”.

Bên miệng một con đường cụt, chị Hoàng Thị San, ở xã Bản Lầu (Mường Khương) sướt mướt: “Nhà tôi còn ở cách đây hơn 100km nữa. Không biết bao giờ về được tới nhà? Nhà tôi bị sập. Hai đứa con tôi đều bị gãy tay, giờ đang nằm trong bệnh viện”.   

Đi bộ mãi cũng đến bản Đao, xã Xuân Hòa. Hơn 40 người Tày đang lũ lượt đi vào rừng. Hỏi đi đâu, họ bùi ngùi bảo: “Chúng tôi đi tìm người nhà mất tích, tên là Hoàng Thị Sua, 36 tuổi. Lũ cuốn trôi, tìm 4 hôm liên tục mà chưa được”.
 
Đến đầu bản Cuông 3, cả 2 ngôi nhà bị lũ cuốn ra giữa đường. Sỏi đá ngổn ngang. Chiếc giường tre nằm chỏng chơ. Nồi niêu, xoong chảo bị nước “thổi” dạt tứ tung.

Chị Đặng Thị Sâm, 22 tuổi, ôm 2 đứa con mếu máo: “Suýt nữa thì lũ đánh chết cả 3 mẹ con tôi các anh ạ. Khi tôi ôm hai đứa con chạy ra khỏi nhà, bùn vẫn còn bắn kín lưng tôi”.

Chôn chân ở “ốc đảo” Phố Ràng

Đi suốt ngày đêm, chúng tôi mới “bò” đến thị trấn  Phố Ràng- trung tâm của huyện Bảo Yên- đồng thời là một trong những “sào huyệt” của mưa lũ. 

Dọc con đường chạy xuyên qua thị trấn, hàng ngàn gương mặt ngồi thất thần, phờ phạc, đôi mắt thâm quầng trên vỉa hè, hai bên đường, trong các quán nước, gốc cây ủ rũ.

Trước cửa một quán phở, 6-7 khách du lịch Anh và Mỹ đang ngồi gặm từng chiếc bánh mỳ để cầm hơi. Cô Anna (Anh) kể: “Chúng tôi từ Hà Nội theo một tour lên Lào Cai và sau đó sẽ đi Sa Pa từ sáng 8-8. Nhưng vừa lên đến đây thì không thể đi được nữa. Hướng dẫn viên bảo rằng, đằng trước đằng sau đều là nước và đường đã bị đổ sụp”.

Bên kia đường, hàng trăm Tây “ba lô” đang nháo nhác tìm nhà trọ. Nhưng tất cả nhà trọ, nhà nghỉ đã “khóa sổ”. Giá một phòng trọ nhếch nhác đã là 350.000-400.000 đồng, nhà nghỉ thì 600.000-700.000 đồng/phòng, nhưng có nhiều tiền cũng không thuê được. Đồ ăn thức uống đắt gấp 3 lần ngày thường.

Điện mất. Phố Ràng tối om, lạnh lùng. Hơn 100 khách du lịch nhớn nhác, lo toan đứng xếp hàng trước Bưu điện huyện Bảo Yên nhưng không gọi được. Máy fax cũng không hoạt động.

Ai cũng mong được sớm trở về nhà. Nhưng ai cũng chỉ biết thở dài.
 
Một chiếc trực thăng ù ù hạ cánh xuống sân vận động Bảo Yên. Người dân đổ xô ra xem và những ánh mắt nhìn thèm thuồng. Họ cho biết, đây là chiếc trực thăng do 13 khách du lịch Nhật thuê từ Hà Nội lên để đón đoàn về với tổng giá tiền là 160 triệu đồng.

Bà chủ nhà nghỉ Diệu Anh cho biết, những khách du lịch Nhật trên đã “nằm lại” nhà bà 4 ngày qua. Do quá sốt ruột, họ đành phải gom tiền, thuê máy bay để thoát ra khỏi “ốc đảo”.

Hơn 300 khách du lịch nước ngoài không đủ sức thuê trực thăng và cũng không thể nán lại “ốc đảo” nữa đã liều mình bắt xe ôm lao vào “con đường khổ ải” 279, nhằm tìm kiếm một lối thoát ra quốc lộ 2 để xuôi Hà Nội qua mạn Bắc Quang, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ. Thế nhưng, nhiều người đi được 20-30km lại đành bắt xe ôm quay trở lại.

Cũng có không ít “ông Tây” bụng phệ quyết tâm xắn quần quá đùi, cởi trần trùng trục để để cùng hàng ngàn người dân khác lội qua các cung đường đã rơi ụp xuống dòng suối nước đỏ lừ, sôi sùng sục như thác đổ.  

Tuy vậy, khắp các ngõ, ngách trong thị trấn, khách du lịch nước ngoài, gồm đủ quốc tịch, và cả khách vãng lai, lỡ độ đường đến từ khắp tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên... vẫn đang phải ăn nằm vạ vật. Hàng ngàn người ngơ ngác, tìm “kế” cứu mình.

Cậu bé Lê Thanh Hải, 17 tuổi, ở xã Đông Á (Đông Hưng-Thái Bình) ngồi lo lắng: “Em đưa thằng em họ về nhà nó ở cổng Trường THCS Pom Hán (Cam Đường-Lào Cai), cách đây 130km. Nhưng đến ga Yên Bái thì tàu bị đổ. Chúng em đành phải bắt xe ôm, đi men theo đường 70 suốt từ sáng qua đến bây giờ mới đến được đây, đi qua bao nhiêu chỗ đường sạt lở, tiêu sạch cả 600.000 đồng. Không còn tiền để ăn, đành nhịn đói. Giờ phải ngồi đợi gia đình xuống cứu”. 

Đói, mệt. Khi chúng tôi lết ra được đến bưu điện trung tâm, cô nhân viên buồn bã, nói: “Internet bị máy xúc làm đứt cáp quang rồi. Điện thoại di động, máy bàn cũng không có sóng”. Bỗng chốc, Bảo Yên như một “ốc đảo” nằm giữa mịt mùng.

Từ đây lên TP Lào Cai còn hơn 100km nữa. Cánh xe ôm nhao lại mời chào: “Phố Ràng lên TP Lào Cai có 8 điểm phải khiêng xe và 2 lần phải thuê đò. Không kể hàng trăm vết sạt. Giá 700.000 đồng/người. Mỗi lần khiêng xe là 40.000 đồng, khách phải tự trả”. Không còn cách nào, chúng tôi lại đành bắt đầu thực hiện một chặng đường gian lao nữa. Bình thường từ Phố Ràng lên Lào Cai chỉ mất 2 tiếng nhưng do sạt lở, đi nhanh cũng 5 tiếng đồng hồ. Đến sáng nay, PV Báo SGGP đã tiếp cận được ngôi làng có 31 người bị chết và thiệt mạng.

Hàng ngàn người đang khốn khó ảnh 1
Hàng ngàn người đang khốn khó ảnh 2
Hàng ngàn người đang khốn khó ảnh 3
Hàng ngàn người đang khốn khó ảnh 4

VĂN PHÚC HẬU- VĂN NGHĨA  

Tin đã đưa: Lũ quét tàn phá miền núi phía Bắc

Tin cùng chuyên mục