Nhớ anh Năm Công

Một nhà lãnh đạo dám nghĩ dám làm

Một nhà lãnh đạo kiên định, luôn theo đuổi cái mới, dám nghĩ dám làm và một người đồng chí, một người anh chí tình, chí nghĩa. Đó là ấn tượng sâu sắc về cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trong tâm trí của ông Đinh Văn Niệm, là thư ký, trợ lý của cố Chủ tịch suốt 26 năm. Ông đã chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm về cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công trong niềm tiếc thương vô hạn. Trong suốt câu chuyện, ông luôn gọi người lãnh đạo kính yêu của mình bằng cái tên thân mật: anh Năm!

Một nhà lãnh đạo dám nghĩ dám làm

Trong tâm trí của ông Niệm, anh Năm là một con người mang đậm bản tính bộc trực, kiên cường của người dân khu V. Trong suốt mấy chục năm công tác bên cạnh anh Năm, điều mà ông học được chính là phong cách làm việc chủ động, sáng tạo và luôn có chính kiến trước mọi vấn đề. Đó là bởi, với tất cả cấp dưới của mình khi đó, anh Năm luôn yêu cầu họ: “Các đồng chí không được theo đuôi tôi mà phải có ý kiến của riêng mình, đồng ý hay không phải rõ ràng, không được nói dựa, phải dám nói ra ý kiến của mình thì mới có trách nhiệm với nó”.

Thời điểm ông Niệm làm thư ký cho đồng chí Võ Chí Công là năm 1976, đất nước vừa trải qua 2 cuộc chiến tranh tàn khốc, viện trợ của các nước đối với nước ta giảm dần, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều đình trệ, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn tưởng chừng khó vượt qua. Đó cũng là lúc ông Niệm chứng kiến sự trăn trở của anh Năm trong nhiều năm liền trước thử thách mới của thời bình.

Từ những trăn trở suy tư ấy, anh Năm đã trở thành người thúc đẩy và soạn thảo Chỉ thị số 100 về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp” (Khoán 100), được coi là bước đi có tính đột phá để 7 năm sau Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 (Khoán 10), đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 1989.

Lúc đó, anh Năm đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách khối nông - lâm - ngư nghiệp. Để có được “Khoán 100” là cả một quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt giữa cái cũ và cái mới và trong những cuộc đấu tranh quyết liệt đó, đồng chí Võ Chí Công đã kiên định với quan điểm của mình: “Từ thực tiễn là chân lý và biểu thị rõ bản lĩnh trách nhiệm, trên lĩnh vực này, tôi phụ trách, nếu khoán mới mà không đem lại hiệu quả, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm với Đảng và nhân dân”. Sau thành công của Chỉ thị 100, Bộ Chính trị giao anh Năm chủ trì một tiểu ban nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong nông nghiệp và hình thành Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.

Giai đoạn 1983 - 1984, anh Năm là Trưởng tiểu ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Theo ông Niệm, anh Năm là một trong những người đầu tiên nói đến khái niệm “đổi mới” trong quản lý kinh tế của đất nước. Với anh Năm: “Cơ chế cũ không hiệu quả, cách quản lý cũ không hiệu quả thì ta phải đổi mới”. Và sau đó, đi đến bộ ngành nào, anh Năm cũng nói về việc cần phải đổi mới cơ chế, đến mức hồi đó anh Năm còn có một biệt danh là “ông Năm cơ chế”. Những nội dung đầu tiên của đổi mới đó chính là tiền đề để Đảng và Nhà nước ta nghiên cứu, đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội của đất nước những năm sau này.

Người đồng chí, người anh chí tình

Với ông Niệm, anh Năm là một nhà lãnh đạo luôn gần gũi với mọi người, trong công việc, anh không câu nệ là phải chức cấp nào, miễn là người đó nắm được công việc, giải quyết được công việc. Chính vì vậy, anh Năm đã có một phong cách lãnh đạo luôn sát với thực tiễn. Còn trong đời sống hàng ngày, anh Năm có lối sống rất chân tình. Ông Niệm còn nhớ mãi về những chuyến công tác nước ngoài cùng với anh Năm. Khi đó, đất nước còn khó khăn, quà tặng của các nước bạn cho anh Năm thường được anh tìm cách chia cho mọi thành viên trong đoàn, những món quà tuy nhỏ nhưng khiến mọi người cảm động.

Có một đồng chí tên Nghĩa, quê ở Bình Định, chỉ là một cần vụ bình thường của anh Năm nhưng gắn bó với anh từ những ngày “ở rừng”, cho đến khi đồng chí Nghĩa nghỉ hưu ở quê nhà. Mỗi lần đi công tác ở khu V, bao giờ anh Năm cũng ghé đến thăm gia đình, cho đến khi đồng chí Nghĩa mất, anh Năm vẫn ghé qua nhà thắp nén nhang.

Với những đồng chí cấp dưới trong Văn phòng Chủ tịch nước hồi đó, anh Năm vẫn thường quan tâm, thăm hỏi gia đình vào mỗi dịp lễ tết. Trong câu chuyện của chúng tôi, không chỉ ông Niệm, người gắn bó lâu với cố Chủ tịch Võ Chí Công mà cả gia đình ông Niệm đều thể hiện tình cảm tiếc thương xúc động trước sự ra đi của một vị lãnh đạo của đất nước đồng thời cũng là một người bạn lớn của gia đình.

Bích Quyên (ghi)

Tin cùng chuyên mục