Giỗ ngoại

Chiều nay tôi ngồi lau lá, chuẩn bị gói bánh giỗ ngoại. Tôi lớn lên không biết mặt ngoại, vì ngoại mất lúc má chưa lấy chồng. Chỉ biết ngày giỗ ngoại, má hay làm những món ăn miền Nam cúng ngoại, gói bánh ít, nướng bánh khoai mì hay làm xôi vị...

Nghe má kể, ngoại khó lắm, chuyện nhà rèn con gái từ việc giặt áo, rửa chén bát, nấu ăn đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử. Nhờ sự giáo dục của ngoại, má tôi dù mồ côi sớm vẫn rất giỏi việc nhà và tự bươn chải sống trên đường đời.

Với con cháu, má bắt buộc phải học, mà phải học giỏi và còn phải biết làm kiếm tiền từ nhỏ, gia công, hay tập buôn bán lặt vặt. Má bảo nữa sau ra đời, gặp khó khăn sẽ có ý chí mà vượt qua. Tôi thì may mắn hơn, có cha mẹ đầy đủ và má chỉ mới mất cách đây 2 năm, lúc ấy bà đã 90 tuổi.

Giờ tôi là người thay má làm giỗ cúng ngoại, lặp lại một công việc của những người xưa, thong thả lau từng miếng lá, ngâm đậu, xào nhân rồi gói những chiếc bánh ít cao nhọn như cái nóc chùa. Bánh đậu không râu, bánh dừa có râu, nhân đậu vỏ bánh ngọt, nhân dừa vỏ bánh trắng... Những quy định bất thành văn, bao nhiêu thế hệ gói chiếc bánh ít vẫn giữ nguyên hình thức, hương vị của chiếc bánh dân dã, xưa cũ đó.

Hiện nay, muốn mua lá chuối hay những nguyên liệu chuẩn cho một nồi bánh phải đi mấy chợ. Thong thả, tỉ mỉ và thật sự yêu thích mới kiên nhẫn gói từng chiếc bánh chỉn chu. Cẩn thận từ khi xé lá, lau thật sạch, gói từng chiếc bánh đều tăm tắp.

Nhịp sống ngoài kia thật hối hả, đường phố mịt mù khói bụi, người ta tranh nhau từng vòng bánh xe, mấy ai nghĩ đến việc ngồi gói từng chiếc bánh nhỏ bé, quê mùa, họ bảo cần thì cứ mua chục cái về cúng là xong, vẽ chuyện làm gì?

Với tôi, những công việc này gắn liền với ký ức thật đẹp trong đời, những hình bóng, của bà, của mẹ, để nhắc mình nhớ, có những ngày tháng thật đẹp ta đã từng qua, đã hồn nhiên sống. Chỉ lo, rồi ai sẽ thay mình gói chiếc bánh cho những ngày giỗ chạp, ai sẽ thay mình lau từng chiếc lá xanh non?

Kim Hương

Tin cùng chuyên mục