Chỉ cần chi tiền, bất cứ ai cũng có thể bảo lãnh hồi gia cho các đối tượng bị thu gom đang được quản lý tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (gọi tắt là Trung tâm). Sau hơn một tháng thâm nhập, nhóm PV Báo SGGP đã xác định tồn tại đường dây chuyên chạy giấy tờ, nhận tiền để làm hồ sơ bảo lãnh người hồi gia sai quy định, trong đó có sự tiếp tay của không ít cán bộ nhà nước. Đường dây này hoạt động như thế nào, tồn tại đã bao lâu?… Loạt bài điều tra do nhóm PV Báo SGGP thực hiện sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bất ngờ!
Bài 1: Sáng đưa tiền, chiều về nhà
Ai cũng có thể bảo lãnh
Trong vai người nhà của anh N.Đ.H. (SN 1975, quê Thanh Hóa), đang được quản lý tại Trung tâm, chúng tôi được cán bộ quản lý tại đây cho biết: “Trường hợp này ít nhất sau một tháng mới làm thủ tục bảo lãnh hồi gia được!”.
Mang gương mặt thất thểu, chúng tôi ghé vào quán cà phê K.K. (đối diện cổng Trung tâm). Sau một hồi ngồi uống nước, chúng tôi được một người đàn ông tự giới thiệu là Cường, chủ quán cà phê K.K. bắt chuyện: “Có người nhà trong đó à?”. “Vâng, người nhà ăn xin bị tập trung vào đây nhưng không bảo lãnh ra được. Nghe nói phải ở cả tháng” - chúng tôi trả lời. “Muốn ra sớm không?”. “Có chứ, nhưng cán bộ nói trường hợp này phải đưa đi Bình Dương”. “Đúng đấy, trường hợp này ít nhất phải ở trên đó 6 tháng. Nhưng có đường “binh” hết, nếu muốn ra sớm, chịu chi một ít mình làm cho…” - Cường nói. “Chi là chi bao nhiêu hả anh?” - chúng tôi hỏi. “Cái đó phải phụ thuộc vào từng hoàn cảnh; tập trung như thế nào? Lần thứ mấy?” - Cường phân tích.
Sau khi chúng tôi đưa ra trường hợp H., đi bán vé số, xin ăn bị tập trung ở quận 5, Cường ra giá: “Vậy 30 triệu đồng. Nếu có tiền chồng ngay thì chiều nay ra, vì hôm nay thứ sáu là ngày duyệt hồ sơ, nếu không phải chờ đến thứ ba tuần sau. Cứ đưa trước 15 triệu đồng, ai bảo lãnh cũng được”. “Chắc không anh?”. “Chắc chứ, tui làm bao nhiêu người rồi mà, làm ăn uy tín đàng hoàng”. “Nhưng mắc quá, nhà ở quê nghèo lắm, anh bớt chút đỉnh được không?”. “Có giá cả rồi, còn phải chi cho nhiều người khác nữa, rồi lại đứng ra làm giấy tờ, hộ khẩu (giả - PV) để hợp thức hóa người bảo lãnh và người bị quản lý trong đó chung 1 hộ khẩu, riêng phần này đã mất mấy triệu đồng rồi. Chưa kể chi cho người duyệt hồ sơ, rồi anh em trong đó, tui chỉ lấy tiền cà phê thôi à”. “Nhưng mắc quá! Thà để cho nó ở trong đó mấy tháng chứ giờ không biết lấy đâu ra tiền!”.
Nghe thế, Cường bảo chúng tôi viết họ tên cụ thể người bị tập trung, nơi bị tập trung, ai là người bảo lãnh… rồi gọi điện thoại cho ai đó. Sau khi quay lại, Cường cho biết: “Về trường hợp này, “họ” đồng ý giảm xuống còn 25 triệu đồng. Đủ tiền thì chiều ra luôn, nếu không thì mai đưa trước 15 triệu, còn lại khi người ra thì giao luôn. Tụi tui làm ăn uy tín”.
Lấy lý do phải chuẩn bị thêm tiền, chúng tôi cáo lui. Trước khi ra về, Cường còn đưa chúng tôi tấm danh thiếp của mình, đằng sau có ghi số điện thoại di động và kèm theo dịch vụ “tư vấn… pháp lý (?)”.
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đến cà phê K.K. để đưa tiền đặt cọc, lúc này Cường cho biết xem lại hồ sơ thì H. vô trung tâm lần 2 chứ không phải lần đầu tiên nên phải tăng thêm tiền mới ra được. Sau khi thấy chúng tôi không đồng ý, Cường mềm giọng: “Giá cũ cũng được nhưng khi H. ra thì cho xin thêm ít tiền cà phê”. Lấy lý do cần bàn với người nhà thêm, chúng tôi thoái thác…
Tiếp cận...
Trong khi đang thỏa thuận với chúng tôi, Cường đồng thời tất bật lo “gút” giá với người nhà ông N.V.C. (81 tuổi, tập trung vào Trung tâm ngày 22-10 khi đang lang thang xin ăn ở khu vực chợ Nhật Tảo, quận 10). Chị D. (con gái ông C.), đưa theo hộ khẩu, giấy tờ liên quan cùng tờ đơn trình bày hoàn cảnh bố mình nay đã 81 tuổi, một chân bị cụt, tình trạng sức khỏe đang yếu.
Sau vài phút trao đổi, Cường gọi điện cho “ông anh” làm bên Trung tâm: “Ở đây có người nhà một ông bị tập trung ngày 22-10, ông lẩm cẩm lắm rồi, trên 80 tuổi, bị cụt một chân, tên C., anh xem có làm được không? Bao nhiêu tiền để em báo giá cho họ luôn…”. Nói rồi Cường quay sang chị D. chép miệng: “Sao chị không báo sớm, ở Trung tâm chỉ giải quyết hồi gia vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần thôi. Sáng nay cũng có một vụ, sáng đưa tiền là chiều ra liền”. Khi nghe người nhà cầu khẩn mong ráng làm cho sớm vì ông lớn tuổi quá, Cường “vẽ” thêm: “Giờ làm cho gia đình thì được nhưng nếu lên Trung tâm ở Bình Dương thì ở đây cũng làm được luôn nhưng trễ hơn một chút, 10 ngày sau mới về”.
“Nếu bị chuyển lên Bình Dương, sau khi lên đó, tụi này sẽ làm hồ sơ bệnh án cho ông ấy. Việc bảo lãnh cho người lang thang xin ăn không đơn giản nhưng chị tìm đến đây là đúng rồi. Tụi em làm thường xuyên mà, nếu không quen biết làm sao em biết chuyện ông C. đã có quyết định chuyển đi” - Cường thuyết phục chị D. “Cứ để lại tên tuổi ông già và người bảo lãnh lại đây, giấy tờ hồ sơ còn lại tụi em lo hết. Bảo lãnh gái đứng đường 17 triệu đồng, giật đồ thì 20 triệu đồng, sáng đưa tiền chiều ra liền. Còn trường hợp ăn xin lang thang này do mới có quy định của thành phố, khó khăn hơn nên giá 25 triệu đồng là “tình nghĩa” lắm rồi. Chứ có những trường hợp nghiện ma túy, phải 50 triệu đồng tụi em mới làm. Gia đình cứ suy nghĩ đi, có gì gọi 090240…” - Cường nói.
Sau mấy ngày không thấy chị D. quay lại, Cường chủ động liên lạc với chị D. qua điện thoại, hạ giá xuống 20 triệu đồng. Thấy chị D. vẫn đắn đo chuyện tiền bạc, Cường nói: “Nếu chị chưa tin thì đến ngày đưa ông cụ ra khỏi Trung tâm đưa tiền luôn cũng được nhưng phải 20 triệu đồng đấy…”.
Lật lại hồ sơ
Mới đây, K.T.K.P. (SN 1965, ngụ Trà Vinh) bị tập trung vào Trung tâm khi đang lang thang tại khu vực chợ An Đông, quận 5. Theo hồ sơ quản lý, ngày 14-10, P. bị Công an phường 9, quận 5 phát hiện, lập hồ sơ gửi lên Trung tâm. Trong hồ sơ, P. khai: “Ngày 14-10 từ quê lên TPHCM xin việc làm nên không có nơi ở nhất định. Vào lúc 16 giờ cùng ngày, sống lang thang tại khu vực chợ An Đông thì Công an phường 9, quận 5 tập trung”. Nếu đúng lời khai thì P. mới chân ướt chân ráo lên TPHCM. Tuy nhiên, trong hồ sơ P. lại có đơn xin cớ mất CMND số 291059267 cấp ngày 22-3-2009 và được Công an phường 7, quận Bình Thạnh xin xác nhận ngày 18-9-2011. Rõ ràng, ở đây có sự mâu thuẫn.
Mặt khác, trong giấy tờ và bản tự khai, P. không nhắc đến “người thân” nào là Lê Thị H., SN 1966, địa chỉ thường trú ở phường 5, quận 6 cũng như không đề cập đến địa chỉ tạm trú tại TPHCM. Thế nhưng, ngày 1-11, chị H. làm đơn xin Công an phường 25, quận Bình Thạnh xác nhận chị và P. “cùng tạm trú để bảo lãnh chị tôi về” và đã được đại úy Trần Thế Dân, Phó trưởng Công an phường 25, quận Bình Thạnh, xác nhận đóng dấu cả hai “hiện cùng tạm trú tại địa chỉ 2D3 cư xá 304”.
Điều đáng nói trong hộ khẩu gia đình H. không có tên P. và hai người cũng không cùng họ nhưng chiều cùng ngày 1-11, P. đã được thả ra (theo quy định thì muốn bảo lãnh ít nhất 2 người phải có chung hộ khẩu). Có thông tin cho rằng, để được ra sớm người nhà của P. đã chi 16 triệu đồng.
Đây chỉ mới là một trong hàng loạt hồ sơ bảo lãnh hồi gia tồn tại nhiều khuất tất chúng tôi có được.
| |
H.THU - Đ. LOAN - K.NHUNG
Bài 2: Phá án
Sau một thời gian thâm nhập, có đủ cơ sở xác định đây là một đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Ban Biên tập Báo SGGP đã quyết định phối hợp với cơ quan công an phá án, nhằm ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực của vụ việc đến xã hội. Toàn bộ tài liệu, chứng cứ về các đối tượng liên quan được chuyển đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an). Sau khi tiếp nhận, đại tá Nguyễn Tri Phương, Phó Cục trưởng C45, trực tiếp chỉ đạo các trinh sát, điều tra viên của phòng 4 và 9 vào cuộc sát cánh cùng PV Báo SGGP phá án.
“Tiền đâu phải mình anh ăn”
Theo điều tra của PV, khuya 16-11, một nhóm thanh niên liên quan đến vụ đánh nhau ở khu vực công viên Phú Lâm (phường 13, quận 6, TPHCM) được công an phường mời về trụ sở làm việc. Trong đó, chị Nguyễn Thị Thúy H. (SN 1993, thường trú tỉnh Đắc Lắc, đang làm công nhân tại quận Bình Tân), không xuất trình được giấy tờ tùy thân và không chứng minh được nơi tạm trú hiện tại nên cơ quan chức năng chuyển chị H. đến Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (gọi tắt là Trung tâm).
Gia đình không hỏi han, chỉ có một người bạn đang làm thuê ở quận 6 là Trần Văn P. (SN 1990, thường trú quận Thủ Đức; chỗ ở huyện Bình Chánh, TPHCM) qua lại thăm nuôi. Thường xuyên lên thăm H., P. nghe những người đi thăm nuôi xì xào bàn tán và biết được có một đường dây chuyên “chạy” bảo lãnh hồi gia cho các trại viên, đầu mối là quán cà phê K.K.
Trưa 25-11, P. ghé quán cà phê K.K. Vẻ mặt đăm chiêu cũng như lời than thở của P. về chuyện chưa biết tìm cách gì lo lót cho H. không qua khỏi mắt Cường. Thấy Cường để ý đến mình, P. đánh bạo đặt thẳng vấn đề: Có nhỏ H. bị gom vào Trung tâm từ mấy bữa nay, không biết có cách nào cho nhỏ ra, anh giúp em với! Gia đình nhỏ không chịu xuống TPHCM làm thủ tục bảo lãnh, giờ chỉ có một mình em, mà em cũng… không có giấy tờ gì! Sau cuộc điện thoại của Cường, một thanh niên ngoài 20 tuổi, gầy gò xuất hiện, tự xưng là Tâm, cán bộ Trung tâm.
Nắm bắt xong “đơn đặt hàng”, Tâm “kêu” giá 15 triệu đồng; còn nếu giấy tờ có gì trục trặc (không đủ giấy tờ bảo lãnh - PV) thì phải chi thêm 6 triệu đồng nữa. Tâm cho P. số điện thoại 01203671… để liên lạc.
Theo điều tra của chúng tôi, Tâm là bảo vệ Trung tâm và là người thường xuyên móc nối, tiếp cận trại viên, gợi ý và đưa điện thoại cho trại viên gọi điện cho người nhà để chi tiền.
Sáng 26-11, Tâm điện thoại cho P. yêu cầu đặt cọc 3 triệu đồng để có chi phí tác động “binh” hồ sơ của H. ở lại Trung tâm, không cho chuyển đi các trung tâm khác ở các tỉnh. Số tiền còn lại sẽ đưa nốt khi Tâm yêu cầu. Buổi trưa, P. trở lại quán cà phê K.K., mang theo 3 triệu đồng đặt cọc. Sau khi nhận tiền tại quán, Tâm chia lại cho Cường (quán cà phê K.K.) 3 tờ không rõ mệnh giá.
Chiều cùng ngày, Tâm báo cho P. biết hồ sơ đã được để lại. Sau đó, Tâm khuyên P. nên đưa hết số tiền còn lại là 14 triệu đồng cho Tâm (tăng thêm 2 triệu đồng so với ban đầu, theo giải thích của Tâm là để làm CMND và KT3 giả cho P. - PV). Thấy P. kỳ kèo, Tâm quát: “Tiền đâu phải mình anh ăn, còn rất nhiều khâu, em hiểu không?”. Thấy P. vẫn chưa yên tâm, Tâm trấn an: “Anh gửi gắm trong đây thì nó (tức H. - PV) không sao hết. Nhưng trong thời gian anh lo hồ sơ, em không được thăm nuôi vì nếu lộ ra thì những đồng nghiệp của anh biết sẽ “chiếm hàng”, em hiểu không? Hôm nào ca trực của anh đó, anh đưa điện thoại cho nó, em nói chuyện với nó; chứ đừng vô thăm nó, cản trở công việc của anh…”.
Bắt quả tang
|
Theo thỏa thuận trước đó, ngày 28-11, P. chồng tiền cho Tâm, nhưng bất ngờ sáng 27-11, Tâm yêu cầu P. phải đưa hết tiền luôn và cho biết đang chờ ở quán cà phê K.K. Quá đột ngột, P. không xoay xở kịp nên xin hoãn thêm thời gian để chuẩn bị tiền.
Trưa cùng ngày, Tâm kêu P. qua đón mình tại khu vực đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Sau một hồi Tâm chở P. đi lòng vòng, lấy cớ mệt mỏi, P. kêu Tâm tấp vào một quán nhậu nào đó và cả hai ghé quán 219 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Tại đây, P. gặp thêm một người đàn ông tóc bạc, đầu đinh được Tâm giới thiệu tên Thành - người sẽ lo giấy tờ tùy thân giả cho P. để đủ điều kiện bảo lãnh H. ra khỏi trung tâm.
Chỉ tay về phía P., Tâm giới thiệu với Thành: “Thằng này là anh của con nhỏ đang làm hồ sơ. Bây giờ làm để thằng này bảo lãnh, nhưng nó không có giấy tờ, nhờ anh lo giùm”. Vừa bàn tính chuyện “bốc” H. ra, Tâm và Thành say sưa tính toán giải quyết các “đơn hàng” chờ sẵn. Tâm cho biết, hiện còn một vụ thuộc diện lang thang xin ăn, đang “kẹt” ở Chánh Phú Hòa (Bình Dương), lo càng sớm càng tốt và giao cho Thành vụ này luôn.
Tâm căn dặn Thành: “Xong vụ này, đừng cho ông Thành (tức Nguyễn Tấn Thành, bảo vệ Trung tâm, cũng là một mắt xích của đường dây này - PV) với bên K.K. (tức Cường, chủ cà phê K.K. - PV) biết”. “Ừ, nếu em muốn vậy tùy em nhưng từ vụ này không làm (giấy tờ giả - PV) bên Đồng Nai nữa. Đồng Nai bể (bị lộ - PV) quá rồi” - Thành tán đồng. “Để xong vụ này đi. Sau đó, muốn CMND giả bao nhiêu cũng có” - Tâm ngắt lời và không quên “phô” với P.: “Từ nay có trường hợp nào bị gom ở quận 1, quận 10, bất cứ phường nào, cứ gọi cho anh, nếu muốn bảo lãnh anh “bốc nóng” tại phường luôn, khỏi cần về Trung tâm… (?)”.
Đang rôm rả, Tâm quay sang hỏi P. đem đủ tiền chưa, giao luôn. P. hỏi phải đưa bao nhiêu nữa? “Hôm trước đã đưa 3 triệu, giờ đưa thêm 14 triệu nữa là đủ” - Tâm chốt. Khi P. vừa giao 14 triệu đồng, Tâm nhận và đút vào túi thì các trinh sát C45 ập đến bắt quả tang đưa về Công an phường 12, quận Bình Thạnh làm việc. Tại đây, Tâm khai tên đầy đủ là Nguyễn Thanh Tâm (SN 1989, ngụ 446/20 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh), là bảo vệ Trung tâm. Song, Tâm một mực cho rằng đây là tiền người quen đi lấy giùm!
Thái độ ngoan cố, không hợp tác của Tâm chỉ bị khuất phục khi được xem và nghe lại băng ghi âm, ghi hình quá trình Tâm “làm tiền” P. Tương tự, trước những bằng chứng không thể chối cãi, cuối cùng Thành phải khai tên đầy đủ là Dương Hữu Thành (SN 1972; thường trú tại 100/704 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp) và ký vào biên bản bắt quả tang. Qua khai thác nhanh, Tâm thừa nhận đã liên lạc với P. để trao đổi việc “chạy” bảo lãnh cho chị H. Trong “ê-kíp” còn có Cường, chủ quán cà phê K.K., Nguyễn Tấn Thành và một phó phòng tổ chức. Cường có nhiệm vụ tiếp xúc với gia đình của trại viên, ra giá với người nhà nạn nhân và Nguyễn Tấn Thành - cùng với Dương Hữu Thành - có nhiệm vụ làm KT3 hoặc hộ khẩu giả cho người nhà trại viên. Về số tiền 17 triệu đồng trong “kèo” vụ H., Tâm sẽ chia cho Cường 2 triệu đồng, Hữu Thành 4,5 triệu đồng, còn lại 10,5 triệu đồng Tâm giữ để lo chung chi cho các sếp lớn hơn trong đường dây.
H.Thu - Đ.Loan - K.Nhung
Tạm giữ hình sự 4 đối tượng
Trong ngày 28 và 29-11, C45 đã bắt khẩn cấp Cường, tức Nguyễn Thọ Minh Cường (sinh năm 1975; tạm trú 66 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Tấn Thành (SN 1967; HKTT: phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức). Hiện C45 đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng: Tâm, Hữu Thành, Cường, Tấn Thành để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ và làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhà nước và khám xét, niêm phong tại Trung tâm. Đồng thời, C45 triệu tập hàng loạt cán bộ có liên quan, gồm: Phan Ngọc Anh, Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra; Võ Minh Quang, Phó phòng Tổ chức, phụ trách tổ xét duyệt bảo lãnh; Nguyễn Mạnh Thông, Trưởng phòng quản lý - giáo dục - hồ sơ… để làm rõ chân tướng đường dây “chạy” bảo lãnh người lang thang, xin ăn.
Ngoài ra, sau khi Báo SGGP lật tẩy đường dây trên, hàng loạt cán bộ - công nhân viên Trung tâm đã mạnh dạn đứng ra tố giác thêm về những hành vi vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ lãnh đạo Trung tâm...
Ban Biên tập Báo SGGP chúc mừng C45
Ngay sau khi phá án thành công, đồng chí Nguyễn Tấn Phong (ảnh, phải), Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, cùng phụ trách Ban Chính trị - Xã hội Báo SGGP đã đến tặng hoa chúc mừng và cảm ơn cán bộ, chiến sĩ C45 đã phối hợp với Báo SGGP phá án thành công, bắt giữ các đối tượng và bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các PV tác nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Tấn Phong hy vọng trong thời gian tới, C45 và Báo SGGP sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền và bảo vệ an toàn trật tự xã hội trên địa bàn TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung.
Thượng tá Trần Văn Quảng, Phó phòng 4 (C45) - đơn vị trực tiếp điều tra án, ghi nhận và cảm ơn những thông tin, chứng cứ mà PV Báo SGGP cung cấp đã giúp lực lượng cảnh sát phá án nhanh, an toàn, đúng theo kế hoạch đề ra.
Bài 3: Làm tiền bằng mọi cách
Theo điều tra của PV Báo SGGP, đường dây “chạy” bảo lãnh hồi gia tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (Trung tâm) hoạt động trong một thời gian dài, có sự móc nối từ trong ra ngoài của một số cán bộ biến chất cùng hệ thống chân rết, tạo thành một đường dây khép kín. Các đối tượng chân trong, chân ngoài làm tiền trắng trợn người nhà trại viên với mức độ và quy mô lớn bằng phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Những chiêu làm tiền
Theo điều tra, mỗi khi có trại viên mới vào Trung tâm, ở bên trong, hai bảo vệ là Nguyễn Thanh Tâm và Nguyễn Tấn Thành sẽ tìm cách tiếp cận trực tiếp với trại viên, tìm hiểu gia cảnh và nhu cầu hồi gia của trại viên. Đồng thời, các đối tượng quan sát việc thăm hỏi của thân nhân trại viên. Mỗi khi người nhà hỏi thăm thời gian, thủ tục thăm hỏi và bảo lãnh, “chân rết” của đường dây này sẽ ỡm ờ trả lời, gây khó hiểu cho trại viên và người thân rồi khéo léo “gợi ý” sang quán cà phê K.K. Tại quán cà phê, Nguyễn Thọ Minh Cường (chủ quán cà phê K.K., phụ trách vòng ngoài), sẽ “tiếp sóng” các trường hợp thân nhân trại viên có nhu cầu bảo lãnh hồi gia và đặt thẳng vấn đề.
Để thúc đẩy người nhà trại viên “đặt hàng”, trong khi tiếp xúc, Cường tỏ vẻ thương xót cho trại viên đang bị quản lý trong Trung tâm, rằng: “Ở trong đó khổ lắm, ngày chỉ được ăn 2 bữa, thường xuyên bị đánh đập… Còn nếu chuyển đi các nơi (các cơ sở bảo trợ xã hội khác – PV), thì ở cả nửa năm mới được về, khổ sở lắm!…”. Khi thấy “mồi cắn câu”, Cường sẽ hứa hẹn lo lót “đảm bảo uy tín” và ra giá – tùy trường hợp. Để chứng minh cho “uy tín – chất lượng” của đường dây, Cường thường khoe có “mấy sếp, mấy anh” bên trong Trung tâm góp sức.
Về giá “hợp đồng”, các đối tượng phân loại tùy người, tùy hoàn cảnh mà có giá tương ứng. Với trường hợp trại viên thuộc diện đương nhiên được giải tỏa ngay (đủ điều kiện hồi gia) như: người lang thang, ăn xin già yếu trên 70 tuổi, người có bệnh tật, đang nuôi con nhỏ, trẻ em đang đi học, lần đầu bị tập trung… mà có người bảo lãnh (cũng đủ điều kiện là cùng hộ khẩu với trại viên), thì giá cả dao động 15 - 20 triệu đồng/trường hợp.
Đối với nhóm đương nhiên được giải tỏa, chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của thân nhân trại viên để hù dọa họ và “ăn theo” quá trình giải quyết hồi gia của Trung tâm để làm tiền. Trường hợp cụ thể là ông C., 81 tuổi, cụt 1 chân, có con gái đến bảo lãnh… nhưng cũng bị nhóm người này gây khó khăn và gợi ý đóng 20 triệu đồng để được ra sớm.
Nếu người bảo lãnh không cùng hộ khẩu với trại viên, Cường và Tâm sẽ nhờ Dương Hữu Thành và Nguyễn Tấn Thành làm hộ khẩu và KT3 giả cho người bảo lãnh; giá “hợp đồng” vì thế cũng được đôn lên 25 - 30 triệu đồng/trường hợp. Thậm chí, với nhóm trại viên không được giải tỏa ngay, phải chuyển tới các cơ sở bảo trợ xã hội khác, như: tái vi phạm lang thang, xin ăn, bị tập trung lần 2, 3, 4… Cường và Tâm vẫn nhận và sẽ móc nối với các chân rết tại các cơ sở đó để “bốc” trại viên ra. Nếu hết đường “binh”, đường dây này không ngần ngại tổ chức cho trại viên trốn khỏi Trung tâm với giá 20 triệu đồng/trường hợp.
Đó là chưa kể những trường hợp bị tập trung vào Trung tâm nhưng khi kiểm tra có kết quả dương tính với ma túy thì mức chi phí đưa trại viên ra lên đến 50 triệu đồng.
Đường dây khép kín
Đến chiều 30-11, C45 đã niêm phong tất cả hồ sơ liên quan đến bảo lãnh cho trại viên tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM từ năm 2007 đến nay. Riêng hồ sơ trong 2 năm 2010 và 2011 được đưa về Bộ Công an để mở rộng điều tra. Cùng ngày, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, đơn vị quản lý Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM, cho biết, sở cũng đang làm văn bản báo cáo UBND TPHCM về vụ việc này. Cùng ngày, Phòng PC46, Công an TPHCM cũng cử cán bộ đến Báo SGGP để nắm vụ việc. |
Tại cơ quan điều tra, Tâm khai, muốn có được quyết định hồi gia cho các trường hợp do đường dây “bảo lãnh” phải chung chi cho nhiều người trong đường dây chứ không riêng mình Tâm. Nhưng khi được hỏi đã chung chi cho những ai thì Tâm không chịu khai.
Chỉ đến khi điều tra viên đưa ra những chứng cứ và đọc cho Tâm nghe tin nhắn của anh ta với “đại ca”: “Anh đưa thông tin con nhỏ (tức H. – PV) đó để em làm KT3. Có KT3 chắc chắn H. ra được nha anh?...” thì Tâm mới khai ra các “sếp lớn hơn” là Phan Ngọc Anh - Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra; Võ Minh Quang - Phó phòng Tổ chức, phụ trách tổ xét duyệt bảo lãnh... của Trung tâm.
Tâm cũng thừa nhận từng đi cai nghiện về, sau đó được “sếp” Ngọc Anh đỡ đầu, đưa vào Trung tâm làm việc. Mỗi khi có “kèo”, Tâm và Tấn Thành sẽ báo cho các “sếp” để tham mưu ký hồ sơ hồi gia.
Riêng trường hợp Báo SGGP đề cập bị bắt quả tang, Tâm cho biết số tiền 17 triệu đồng được chi cho Cường 2 triệu đồng, Hữu Thành 4,5 triệu đồng, còn 10,5 triệu đồng Tâm giữ để chi cho các “sếp” và phần mình. Theo Tâm, trong vụ này Cường có nhiệm vụ tiếp xúc với gia đình trại viên Nguyễn Thị Thúy H. để ra giá 15 triệu đồng. Do H. không có CMND nên Tâm liên lạc với anh P. yêu cầu đưa thêm 2 triệu đồng nữa.
Khi có đủ chứng cứ, C45 đã triệu tập Phan Ngọc Anh để lấy lời khai. Ngọc Anh khai nhận, với cương vị của mình và là thành viên trong hội đồng xét duyệt để giải quyết cho gia đình được bảo lãnh, nên thường được một số anh em trong cơ quan nhờ giúp đỡ cho một số đối tượng ra khỏi Trung tâm. Bước đầu Ngọc Anh thừa nhận đã giải quyết 6 trường hợp ra khỏi Trung tâm. Đây là những trường hợp do Nguyễn Tấn Thành (bảo vệ) nhờ.
“Thành mở lời trước với người nhà đối tượng, nhận tiền trước và mỗi khi có hồ sơ thì thông báo cho tôi nói rõ trường hợp tên gì”. Khi Ngọc Anh đồng ý thì “Thành đưa tiền cho tôi tại phòng làm việc của tôi bằng cách bỏ vào bì thư hay bỏ vào bao thuốc lá. Tôi biết rõ là trong bao thư hay bao thuốc lá có tiền nên đề xuất để bảo lãnh, duyệt cho đối tượng đó được bảo lãnh”. Ngọc Anh khai, nếu Thành nhờ những trường hợp không hợp lệ thì 5 triệu đồng, còn trường hợp hồ sơ đã hợp lệ thì 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, Ngọc Anh cho rằng chỉ mới nhận được tổng cộng 16 triệu đồng từ Thành cho 6 trường hợp. Ngọc Anh thừa nhận: “Tôi thấy việc làm của tôi là vi phạm pháp luật, nhưng vì tình cảm của anh em trong cơ quan cho nên tôi giải quyết”. Đối với Dương Hữu Thành, đối tượng cùng bị bắt quả tang khai nhận mỗi lần đi làm giấy tờ được chia 3 triệu đồng, chi cho người làm giấy 1,8 triệu đồng, còn lại Thành lấy.
| |
Duyệt nhưng không xem hồ sơ Riêng về hồ sơ đầy mâu thuẫn mà Báo SGGP đề cập trong bài viết đầu tiên, Ngọc Anh cho biết: “Trường hợp này do anh Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng quản lý giáo dục đề xuất. Lúc này tôi đã chuyển sang làm Trưởng phòng phối hợp kiểm tra cho nên tôi không xem hồ sơ, nhưng tôi có biết là trường hợp này có thông qua hội đồng xét duyệt và hội đồng nhất trí”. Tuy nhiên khi hỏi hồ sơ này có hợp và đủ điều kiện hồi gia hay không, Ngọc Anh trả lời: “Vì tôi không kiểm tra hồ sơ, nhưng tôi nghe anh em trong hội đồng hỏi có xác nhận của địa phương không thì người báo hồ sơ nói có và anh em trong hội đồng kiểm tra hồ sơ thấy có xác nhận của địa phương cho nên hội đồng thống nhất cho hồi gia”. |
H.THU - Đ.LOAN - K.NHUNG