Không biết có chuyện gì xảy ra, tại thời điểm này, gặp được ông Lục là chuyện muôn vàn khó khăn. Ông Lục di chuyển chỗ ở liên tục. Sau khi điện thoại để “xin cái hẹn”, người xin bùa được cho biết địa điểm để đợi và sẽ có người đến đón đưa đi gặp ông Lục. Sau khi đổi vài “tài xế” trong con hẻm ngoằn ngoèo, người xin bùa mới được gặp ông Lục. Vào gặp ông Lục, không ai được đem theo thiết bị nghe, nhìn hay điện thoại di động.
Hình nhân thế mạng
Ông Lục chưa già lắm, nhưng vẫn thích xưng hô là cha với mọi người. Thời điểm này, muốn gặp cha đâu phải dễ. Anh Lê Văn Long, nhà ở quận 1, cho biết: “Lúc trước ông Lục thuê căn nhà trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Muốn gặp ông Lục thì cứ đến. Nhưng, tôi chỉ gặp được ông Lục có một lần. Vì ông chửi và cho rằng tôi không tin tưởng bùa ngải của ổng”. Lần đó, anh Long đưa vợ đến gặp ông Lục để “thỉnh” lá bùa may mắn trong buôn bán. Không biết đồn đại thế nào mà mấy người bị bệnh nan y cũng tìm đến ông Lục xin bùa.
Anh Long kể tiếp: “Vừa bước vào nhà đã nghe ông Lục chửi oang oang. Mày muốn cứu được chồng mày thì phải có người thế mạng. Nếu tao tìm không ra thì tao phải chết để thế mạng cho chồng mày. Bây giờ mày muốn ai chết. Mày có tìm được người thế mạng hay không?”. Chị vợ ôm anh chồng đang bị ung thư gan giai đoạn cuối khóc rất thảm thiết, khẩn cầu ông Lục tìm người thế mạng. Ông Lục đến bàn thờ lấy một hình nhân bằng giấy. Sau khi “sên bùa” (viết bùa hoặc dán bùa) vào hình nhân xong, ông Lục đưa cho chị vợ xem rồi đốt. Hai tháng sau, anh chồng mất. Chị vợ vẫn còn tin và tìm đến nhà ông Lục tạ ơn. Vừa gặp mặt, ông Lục tiếp tục chửi: “Nó tới số thì phải chết thôi. Cũng may là có hình nhân thế mạng rồi. Nếu không nó “bắt” luôn “cái vong” của mày rồi!”.
Trở lại vụ anh Long bị ông Lục đuổi. Lần đó, sau khi chị vợ đốt nhang bàn thờ xong, đang ngồi chờ ông Lục cho bùa. Không biết buồn bực hay nghi ngờ cái gì, ông Lục chỉ tay thẳng vào mặt anh Long và chửi: “Thằng này, mày không tin tao thì mày đến đây làm gì. Bùa ngải cũng phải có đức tin nha. Mày có tin, tao khiển âm binh đến nhà mày quậy không? Lúc đó, mày xin bùa tao cũng không cho. Thôi mày đi ra khỏi nhà tao”.
Không biết ông Lục đã cứu được bao nhiêu người, cho bùa may mắn được bao nhiêu gia đình. Nhưng vẫn còn khá nhiều người tin tưởng. Càng ngày càng có nhiều khách. Không kể khách ở các tỉnh, thành khác mà còn cả khách ở ngoài nước, như trường hợp của chị Mỹ Xuân - một chủ tiệm “neo” ở bên Mỹ. Mỹ Xuân cho biết: “Mấy năm nay, tôi vẫn “thỉnh” bùa của ông Lục để cầu mong công việc kinh doanh thuận tiện. Dù đã người quen biết nhưng muốn gặp ông Lục phải điện thoại trước”.
Đi tìm ông Lục
Người nghe điện thoại của ông Lục, bao giờ cũng là phụ nữ. Chị ta tự xưng là trợ lý hay thư ký gì đó của ông Lục. Trong lần gặp mới đây nhất, chị Mỹ Xuân đã một phen… mất vía. Chị phụ nữ trợ lý của ông Lục nhận điện thoại và hẹn chị Mỹ Xuân tại một quán cà phê trên đường Bùi Đình Túy. Đúng hẹn chị Mỹ Xuân đi với người em trai đến quán cà phê chờ. Vài phút sau, trợ lý của ông Lục điện thoại yêu cầu chị Mỹ Xuân đi một mình, để lại điện thoại di động, nếu có túi xách thì đeo ở vai bên phải và đứng chờ một người phụ nữ mặc áo bông màu tím, đeo khẩu trang màu trắng, đi chiếc Attila màu kem… ở trước cửa quán cà phê. Khoảng 5 phút sau, người phụ nữ xuất hiện. Chiếc xe Attila phóng nhanh vào con hẻm cách quán cà phê khoảng 10m. Sau khoảng 15 phút, người phụ nữ điện thoại cho người em trai và yêu cầu đón chị Mỹ Xuân ở một con hẻm trên đường… Huỳnh Đình Hai. Vừa gặp người em, chị Mỹ Xuân mặt mày xanh lè, nói lắp ba, lắp bắp. Người em trai lo sợ, đưa chị Mỹ Xuân vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Đến phòng cấp cứu, chị Mỹ Xuân hồi tỉnh và đi thẳng… ra ghế đá ở gốc cây ngồi nghỉ. Nhấp vài ngụm nước khoáng, chị Mỹ Xuân bồi hồi kể lại: “Người phụ nữ đưa chị đi một đoạn thì chuyển qua một người đàn ông đi xe Dream màu đen. Người đàn ông này chở chị đi lòng vòng vào mấy con hẻm nhỏ, rồi lại chuyển chị cho một người đàn ông khác. Lại lòng vòng mấy con hẻm nữa, chị thật sự mất phương hướng và rất sợ, nhưng không biết cách nào liên lạc. Cuối cùng, ông ta đưa chị đến nhà của ông Lục. Cứ mỗi chặng xe, chị cho người dẫn đường 200.000 đồng. Còn phần bà “trợ lý” là 50USD. Lần này, ông Lục “làm việc” ở trên căn gác nhỏ. Mùi khói nhang dày đặc làm chị ngộp quá. Vừa gặp mặt, ông Lục lại chửi: “Mày làm ăn được là nhờ tao “khiển” âm binh, thiên tướng… qua bên đó gác cửa bảo vệ, đưa khách về tiệm “neo” của mày. Bây giờ, mày phải cúng kiếng đàng hoàng, phải có lòng thành cảm ơn, khâm phục âm binh, thiên tướng phù hộ, độ trì. Mày không cúng là không yên thân đâu. Âm binh mà giận là mày và mấy đứa con của mày bệnh nặng lắm đó. Tao nói trước, cúng âm binh chớ không phải cúng đám giỗ, đám quảy. Mày đâu biết cúng. Đúng không? Đưa tiền đây, tao cúng dùm cho!”. Nghe đến đây, chị Mỹ Xuân lật đật móc hết tiền trong túi xách đưa cho ông Lục. Với sự “hào phóng” ông Lục không đếm, mà đưa lại tờ 500.000 đồng cho chị Mỹ Xuân… đi taxi về nhà. Đưa tay vuốt mồ hôi tuôn ào ào trên trán, chị Mỹ Xuân nói nhỏ với đứa em: “Hên quá, hồi sáng chị để tiền ở nhà, chỉ mang có mấy ngàn đô đi thôi!”.
Chân dung ông Lục!
Sau lần đó, ông em trai cứ liên tục dò hỏi nhà ông Lục. Thậm chí chở chị Mỹ Xuân đi vào con hẻm đó, nhưng chị không tài nào nhớ được. Chúng tôi cũng đi tìm, nhưng hỏi ai cũng lắc đầu. Hình như ông Lục có phép tàng hình hay “cỡi vong” đi khỏi mấy con hẻm đó. Xế trưa, đang lóng ngóng trong con hẻm nhỏ, bất ngờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Mạnh Thái, một bạn học thời phổ thông. Bạn bè lâu ngày gặp nhau và… quán nhậu là nơi dừng chân hợp lý nhất. Sau chừng chục phút hàn huyên tâm sự, hỏi han chuyện nhà cửa, vợ con, học hành, công việc, sức khỏe… chúng tôi quay trở lại “chuyên đề” ông Lục. Cũng như những người dân sinh sống trong các con hẻm ở đường Bùi Đình Túy, bạn của tôi cũng lắc đầu quầy quậy. Đang “nốc” gần cạn ly bia, anh Thái bỗng chựng lại và suýt phun ra ngoài khi biết được ngành nghề của ông Lục. Anh Thái đanh mặt lại phê bình tôi quyết liệt: “Mày có ăn học mà còn tin ba cái bùa ngải đó. Bệnh liệt giường, bác sĩ chê thì thầy bùa nào trị nổi. Thời buổi kinh tế khó khăn, ông già tao rao bán cái nhà cả năm trời còn chưa được. Ông thầy bùa nào “lo” được tao đưa hết cái phần thừa kế của tao!”. Hình như những lúc căng thẳng, uống bia vào sẽ giải tỏa một phần. Uống gần hết chai bia thứ ba, anh Thái chợt nhớ điều gì và hỏi tôi: “Hồi nãy mày nói ông thầy bùa tên gì?”. “Ông Lục!”, tôi đáp nhanh. “Lục tiếng Tàu là sáu đúng không?”. Như ông Ặc-xi-mét tìm ra được định lý gì mới, anh Thái nói một hơi: “Hay thiệt! Vậy là đúng rồi. Hồi đó trong xóm này có ông Sáu Già cũng tổ chức lên đồng, cho bùa, cho ngải ỳ xèo. Gọi là Sáu Già chứ tuổi cỡ anh em mình. Nhưng, tại có nhiều… vợ quá nên già háp, người ta gọi là Sáu Già. Hồi trước, nhà nghèo lắm, Sáu Già đi làm phụ hồ. Nhờ siêng năng và nhớ dai, nên học được nghề xem phong thủy. Thời kinh tế phát triển, người ta xây nhà “đều trời”, Sáu Già được ông thầu tin cậy giao làm thợ cả. Nghề dạy nghề, một thời gian sau Sáu Già thành ông thầu xây dựng. Đương nhiên là nhận công trình ở đâu, chứ xóm này làm sao dám giao cho ổng. Khi khá giả, Sáu Già bỏ vợ và cặp bồ lia lịa. Hổng biết ai dạy mà bây giờ bày đặt làm thầy bùa. Công an bắt làm kiểm điểm mấy lần, chính tao có lần đã làm giấy bảo lãnh. Mấy năm nay, ổng bỏ xóm đi thuê nhà ở đâu không ai biết. Tao còn số điện thoại của ông Sáu Già nè!”. Anh Thái móc điện thoại ra dò số. Số điện thoại ông Sáu Già của máy anh Thái trùng khớp với số điện thoại chị Mỹ Xuân đã liên lạc trong mấy ngày qua. Chỉ khác chăng là ông Sáu, ủa quên ông Lục, không trả lời mà thay vào đó là giọng của một phụ nữ…
Kỳ cuối: Đừng nhẹ dạ cả tin
ĐOÀN HIỆP
- Thông tin liên quan: