Kể từ ngày 1-5-2012, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 70 triệu đồng. Mức phạt này được quy định tại Nghị định 19/2012/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 16-3-2012.
Phạt nặng
Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng áp dụng đối với các hành vi: sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và không được người tiêu dùng đồng ý; chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Mức phạt này cũng được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Quảng cáo lừa dối người tiêu dùng bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về một trong các nội dung sau: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 5-6-2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định đối với các hành vi vi phạm quy định về giao dịch với khách hàng và người tiêu dùng khác, việc xử lý thực hiện theo quy định tại Điều 27, Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16-1-2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng để ép buộc giao dịch; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.
Nâng cao vai trò tổ chức bảo vệ người tiêu dùng
Được biết, theo quy định tại Điều 22, Luật Chất Lượng sản phẩm hàng hóa, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có quyền “Nhận thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hoá không phù hợp, mức độ không phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và cung cấp thông tin này cho các cơ quan thông tin đại chúng”. Các tổ chức này sẽ có quyền kiến nghị cơ quan kiểm tra, thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hoặc giải quyết các vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”.
Tại Điều 28, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phép “Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Đồng thời, các tổ chức này cũng được “Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
| |