Như vậy, từ đầu năm tới, xăng E5 sẽ chính thức thay thế xăng khoáng A92 trên thị trường toàn quốc. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Cường (ảnh), Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công thương xung quanh vấn đề này.
° PHÓNG VIÊN: Vì sao nhiên liệu sinh học được cho là có nhiều ưu điểm hơn xăng khoáng nhưng lại chưa dành được sự tin dùng của người dân, thưa ông?
° Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG: Phát triển xăng nhiên liệu sinh học E5 là một chủ trương đúng của Chính phủ. Đến nay, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5. Xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần, thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ tháng 12-2016 đạt gần 50.000m³/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.256 cửa hàng, chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, việc triển khai E5 chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Lợi nhuận và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn, bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư. Trong khi đó, giá dầu thô liên tục giảm thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng, phải hoạt động cầm chừng, sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất, thậm chí ngừng hoạt động.
Một lý do nữa là tâm lý e ngại về chất lượng xăng E5 khi sử dụng vẫn còn trong một bộ phận người tiêu dùng, cộng thêm với việc độ chênh lệch về giá cả giữa xăng E5 và xăng truyền thống chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen sử dụng từ xăng truyền thống sang xăng E5. Ngoài ra, công tác truyền thông về sản phẩm nhiên liệu sinh học còn yếu, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
° Như ông vừa nói là một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại về chất lượng xăng E5. Vậy với tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học, ông chia sẻ gì về vấn đề này?
° Từ tháng 11-2014 đến tháng 10-2016, các cơ quan chức năng tại các địa phương triển khai thí điểm và Bộ KHCN đã định kỳ thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng sản phẩm xăng dầu lưu thông trên thị trường nói chung và xăng sinh học E5 nói riêng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu xăng sinh học E5 đạt chất lượng theo quy định. Đến nay, chúng ta đã xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các cơ chế, chính sách, hệ thống quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, định mức, thông số kỹ thuật... cho sản phẩm nhiên liệu sinh học. Ngoài các chỉ tiêu căn bản của sản phẩm xăng khoáng thông thường, còn có thêm các chỉ tiêu về quản lý chất lượng riêng cho nhiên liệu sinh học. Vì thế, trên góc độ chuyên môn, chúng tôi cho rằng quản lý chất lượng của sản phẩm xăng E5 còn khắt khe hơn so với xăng khoáng.
Trong quá trình triển khai đề án nhiên liệu sinh học, chúng tôi đã tham khảo các ý kiến đánh giá độc lập của các viện, trung tâm nghiên cứu. Qua đó, đều thấy rằng khi sử dụng nhiên liệu xăng E5 nếu so sánh với xăng khoáng thì lượng khí thải nguy hiểm, độc hại giảm được 15% - 30%.
° Một số người lo ngại dùng xăng E5 sẽ gây nóng động cơ hơn xăng khoáng?
° Thực chất, xăng E5 chỉ có 5% là Ethanol, còn lại 95% là xăng khoáng. Chỉ có Việt Nam và một số ít các nước trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng nhiên liệu sinh học gọi E5% (chứa 5% Ethanol) là nhiên liệu sinh học. Thông thường, phải có từ 7% Ethanol trở lên thì mới coi là nhiên liệu sinh học.
Tôi có thể khẳng định, không có chuyện khi dùng xăng E5 thì làm cho động cơ bị nóng hơn xăng khoáng, hay giảm tuổi thọ của động cơ. Nếu như thành phần nhiên liệu sinh học có trên 10% là methanol thì lúc đó mới phải điều chỉnh lại động cơ.
° Hiện nay một số người tiêu dùng cho rằng giá xăng khoáng đắt hơn xăng E5 nên chất lượng sẽ... tốt hơn?
° Điều đó không đúng. Chẳng hạn như xăng khoáng A95 chỉ tốt khi được sử dụng với động cơ sử dụng xăng A95. Tức là loại nhiên liệu nào thì dùng cho loại động cơ phù hợp với nhiên liệu đó. Không có nghĩa rằng cứ nhiều tiền là tốt. Ví dụ, một số loại xe chuyên dụng của công an, quân đội thậm chí còn không được sử dụng xăng A95, nếu sử dụng sẽ dẫn tới hỏng hóc.
° Giá xăng E5 hiện rẻ hơn xăng khoáng nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn với người tiêu dùng. Vậy tới đây có giải pháp gì để tháo gỡ vấn đề này, thưa ông?
° Với nhiều lợi ích mà nhiên liệu sinh học đem lại, hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và một số sắc thuế khác cho các sản phẩm nhiên liệu sinh học là xăng E5 và tới đây có thể là xăng E10. Đây cũng là thông lệ được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng khi muốn đưa một sản phẩm mới thân thiện với môi trường vào đời sống.
Hiện nay, bằng các công cụ thuế phí, giá xăng E5 thấp hơn giá xăng A92 khoảng 300 đồng/lít. Tới đây, với các giải pháp về thuế, phí mà Bộ Tài chính đang đề xuất thì xăng E5 sẽ thấp hơn xăng khoáng (A95) khoảng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Sau này, nếu sử dụng xăng E10 thì giá xăng sẽ còn thấp hơn nữa.
° Xin cảm ơn ông!