Đã có lúc Hòa Phát Hà Nội (HP.HN) được nhìn nhận là con hổ bởi kiểu làm bóng đá “đốt tiền”. Hàng loạt nhân vật gạo cội cùng cầu thủ giá cao được săn về.
Lượt đi với Victory, thầy trò và cả dàn tiền hô hậu ủng của Hòa Phát còn phơi phới lạc quan kiểu… đại gia. Thế mà vừa dứt trận lượt về, một đồng nghiệp thốt lên: “Xấu hổ quá! Xấu nhất là hình ảnh buông súng”.

Trận thua bẽ mặt 0-2 của Hòa Phát Hà Nội (áo trắng) trước đội bóng nghiệp dư Victory của Maldives ở lượt về AFC Cup. Ảnh: Quang Thắng
Maldives đẳng cấp không hơn bóng đá Việt Nam theo cái góc nhìn của chính HLV Victory là Ismail Easa, nhưng họ lại chiến thắng đại diện của Việt Nam nhờ vào yếu tố tinh thần. Chiến thắng ấy không đọng lại về sự trên chân của đối thủ mà làm mủi lòng người xem trên sân Hàng Đẫy, bởi ê mặt với cái gọi là đại diện của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Nhìn cái cảnh đại diện bóng đá nghiệp dư của Maldives nhảy múa trước những đôi mắt vô cảm của đại diện chuyên nghiệp Việt Nam, nhiều người cho rằng đấy là sự xúc phạm của kẻ thua (với người hâm mộ) hơn là niềm vui quá trớn của kẻ chiến thắng và biết trân trọng chiến thắng. Đau ở chỗ cái đội bóng nghiệp dư ấy thú thật rằng họ đã đưa hơn phân nửa đội hình trẻ vào để thi đấu.
Cũng có những lý giải rằng HP.HN còn đâu tâm trí để mà đá cái giải quá tầm ở cái sân chơi lớn mà cố mấy cũng thế, trong khi ở cái ao nhà họ còn thấp thỏm với chuyện sống còn.
Lạ thật! Khi mà đầu giải Hòa Phát còn là đội bóng được xem là ứng viên vô địch, bởi cái cách chuẩn bị và vung tiền của một đại gia tự hào chỉ có từ “Hòa đến Phát”. Con người không thiếu, tướng tài cũng có, lại có cả một “bộ tư lệnh” chịu nghe và cũng chịu chi. Thế mà HP.HN càng đá càng “lộ” ra những chỗ yếu chí mạng của mình.
Tiền không phải là tất cả khi mà đội bóng HP.HN được ví như cái miệng phễu, và người ta cứ đổ tiền vào đấy cho nhiều mục đích cả trong lẫn ngoài bóng đá.
Nếu Gạch Đồng Tâm hay Hoàng Anh Gia Lai… những đội bóng được nuôi bằng túi tiền của doanh nghiệp luôn biết chăm chút cho thương hiệu của mình bởi sự tồn tại của cả hai, thì HP.HN lại khác. Cái thương hiệu đã có sẵn ở thương trường không cần được bơm thêm vào những hiệu ứng từ bóng đá mà chỉ là khái niệm Hòa Phát cũng có một đội bóng chuyên nghiệp và đổ vào đấy rất nhiều tiền cho đội bóng chuyên nghiệp ấy.
Cần cầu thủ thì mua, thiếu tướng tài thì săn và thậm chí sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn với một Giám đốc kỹ thuật nhiều tai tiếng và nghĩ đơn giản cứ thế đội bóng sẽ gặt hái. Và con hổ ấy đã được ngộ nhận trên những gì mà những nhà quản lý rót ra các khoản kinh phí lớn về cái mặt bằng con người, chứ không phải từ những gì họ làm được.
Chức vô địch Cúp Quốc gia vào cuối mùa bóng qua tưởng sẽ là một lực đẩy để HP.HN hoàn thiện hơn về cái cách làm bóng đá chuyên nghiệp của họ, nhưng hóa ra lại là cái gánh nặng của một đội bóng vừa lo trụ hạng vừa phải trải mình ra đá AFC Cup. Họ đá cho hết nhiệm vụ chứ không đá cho danh nghĩa của một đội bóng đại diện Việt Nam. Kết quả là chính các cầu thủ chuyên nghiệp của một đội bóng giàu kinh phí lại thua một đội bóng gồm các cầu thủ nghiệp dư, buổi làm, buổi chơi bóng.
Cái thua ấy không phải do cầu thủ HP.HN kém đối phương mà cái thua từ sự vô trách nhiệm của một cái cúp bị xem là gánh nặng.
Nhìn vào cái thua trong tư tưởng ấy, ai dám bảo Hòa Phát sẽ tốt hơn ở cái sân chơi V-League mà họ đang ngụp lặn?
Ông Vương Tiến Dũng có lúc thật mệt mỏi với những lời than phiền mà hơn ai hết với một người cầm quân nhiều kinh nghiệm cho ông thì thất bại ấy là một nỗi nhục. Hình như ông Dũng cũng không tìm ra người để chia sẻ kể từ khi ông về với bến Hòa Phát. Cái bến mà ông không còn bị bó buộc bởi kinh phí nhưng lại là cái nơi mà ông không thể phát huy về chuyên môn.
Nghịch lý về Hòa Phát bây giờ cũng giống với nghịch lý của một con hổ trước giải và sự thật sau 8 vòng đấu.
NGUYỄN NGUYÊN