Xây dựng ảnh hưởng đến nhà lân cận phải ngừng thi công

Các công trình xây dựng gây lún, nứt, sụp đổ công trình lân cận hoặc công trình có nguy cơ gây sập đổ công trình lân cận; công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến môi trường công cộng; công trình xây dựng cơi nới hoặc lấn chiếm… sẽ bị xử lý vi phạm trật tự trong xây dựng. Các hành vi vi phạm trên đã được Bộ Xây dựng quy định cụ thể và đã đề xuất xử lý đối với từng trường hợp trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Xây dựng ảnh hưởng đến nhà lân cận phải ngừng thi công

Các công trình xây dựng gây lún, nứt, sụp đổ công trình lân cận hoặc công trình có nguy cơ gây sập đổ công trình lân cận; công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến môi trường công cộng; công trình xây dựng cơi nới hoặc lấn chiếm… sẽ bị xử lý vi phạm trật tự trong xây dựng. Các hành vi vi phạm trên đã được Bộ Xây dựng quy định cụ thể và đã đề xuất xử lý đối với từng trường hợp trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Phải hỗ trợ, đền bù cho nhà hàng xóm

Hàng loạt các hành vi của những công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng; gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật; thi công xây dựng ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư đã được Bộ Xây dựng đề xuất các quy định xử lý trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Một công trình xây dựng sửa chữa tại quận 3, TPHCM không che chắn, phế thải xây dựng rơi vãi cản trở giao thông. Ảnh: HUY ANH

Theo đó, trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng, gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại theo trình tự. Cụ thể: sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, nếu bên vi phạm và bên bị thiệt hại không tự thỏa thuận được và một bên có đơn yêu cầu thì Chủ tịch UBND cấp xã chủ trì việc thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại giữa bên vi phạm và bên bị thiệt hại.

Để tránh sự ách tắc và làm khó của hàng xóm, dự thảo cũng đã quy định: sau 7 ngày kể từ thỏa thuận lần đầu không thành, chủ tịch UBND cấp xã chủ trì thỏa thuận lần 2. Lần này, nếu bên bị thiệt hại tiếp tục vắng mặt không có lý do chính đáng thì bên vi phạm được tiếp tục thi công xây dựng sau khi chuyển khoản tiền tương đương mức thiệt hại gây ra vào tài khoản bảo lãnh tại ngân hàng. Mức tiền bảo lãnh được chủ tịch UBND cấp xã quyết định, căn cứ vào yêu cầu của bên bị thiệt hại, có xem xét đến đề nghị, giải trình của bên vi phạm. Trường hợp thỏa thuận lần 2 không thành, dự thảo quy định 2 bên thống nhất mời một tổ chức độc lập, có tư cách pháp nhân để xác định mức độ thiệt hại làm cơ sở bồi thường nhằm hạn chế khiếu nại. Nếu 2 bên vẫn không thống nhất được việc mời tổ chức để giám định, chủ tịch UBND cấp xã quyết định mời một tổ chức để giám định, chi phí do bên vi phạm chi trả. Trường hợp sau khi đã làm xong các quy trình để xác định mức bồi thường nhưng bên bị thiệt hại không thống nhất với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án.

Tháo dỡ công trình xây dựng cơi nới, lấn chiếm

Đối với những công trình xây dựng cơi nới hoặc lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung, cũng được Bộ Xây dựng đề xuất xử lý. Quy trình xử lý được thực hiện như sau: cơ quan có thẩm quyền phải lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm. Nếu chủ đầu tư không ngừng thi công, cơ quan chức năng phải đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm; đồng thời, áp dụng biện pháp cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng. Nếu chủ đầu tư ngoan cố, không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng thì UBND quận - huyện, phường - xã, nơi căn nhà tọa lạc sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất xử lý các công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Cụ thể, sau khi phát hiện, các công trình này phải được cơ quan chức năng lập biên bản ngừng thi công và yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin GPXD theo quy định hiện hành. Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công, công trình phải bị đình chỉ thi công; đồng thời áp dụng các biện pháp quy định như: cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng... Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình GPXD thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Dự thảo cũng nêu rõ: sau khi được cấp GPXD, nếu công trình đã xây dựng sai với nội dung trong GPXD được cấp thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép này, mới được tiếp tục thi công xây dựng. Trường hợp chủ đầu tư không tự phá dỡ phần sai phép thì cũng bị cưỡng chế, tháo dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ. Trong trường hợp khu đất xây dựng không được cấp GPXD hoặc chủ đầu tư không xin GPXD sau thời hạn quy định, thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình vi phạm. Nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

Bộ Xây dựng đề xuất: công trình xây dựng gây ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn trong đêm, ảnh hưởng khu vực lân cận gây khiếu kiện; để vật tư, vật liệu và thiết bị thi công, xe chuyên chở vật liệu xây dựng và phế thải xây dựng để rơi vãi, gây cản trở giao thông công cộng thì phải ngừng thi công xây dựng. Việc thi công xây dựng chỉ được phép tiếp tục khi chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và bảo đảm không làm ảnh hưởng đến môi trường khu vực lân cận.

PHÚC LONG

Tin cùng chuyên mục