(SGGP).- Ngày 14-9, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ TT-TT đã có buổi làm việc về quản lý đô thị thông minh.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đô thị thông minh là vấn đề mà thế giới đã làm từ lâu. Việt Nam chúng ta đi sau, rất cần nhanh chóng triển khai để bắt tay vào việc xây dựng hệ thống thông minh, thúc đẩy phát triển. Ưu điểm của mô hình đô thị thông minh là chính quyền dự phòng, dự báo khủng hoảng, ách tắc chứ không chỉ đi giải quyết khủng hoảng, ách tắc. Đây là điều Việt Nam đang rất cần hoàn thiện. Cùng với đó, người dân được coi là một cảm biến xã hội thông qua công cụ quản lý là công nghệ thông tin (CNTT).
Trung tâm Điều hành tín hiệu giao thông và kiểm soát xe buýt tại Đà Nẵng. Ảnh: T.L
Hiện nay, 7 đô thị lớn của Việt Nam gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) và 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chiếm 5,5% diện tích cả nước, 26,7% dân số (24,46 triệu người) và 24,9% lao động (13,16 triệu người). Nhưng 7 đô thị này đóng góp 52,6% GDP, 71,4% tổng thu ngân sách và 49,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năng suất lao động bình quân của 7 tỉnh, thành phố bằng 3,3 lần năng suất lao động bình quân của 56 tỉnh còn lại của cả nước. Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) của 7 tỉnh, thành phố bằng 19 lần cường độ hoạt động kinh tế của 56 tỉnh còn lại cả nước. Cường độ thu ngân sách (thu ngân sách/diện tích) của 7 tỉnh, thành phố bằng 42,7 lần cường độ thu ngân sách của 56 tỉnh còn lại cả nước.
“Quản lý đô thị lớn phải khác với quản lý nông thôn, nhất là đối với 7 đô thị lớn ở Việt Nam - nơi có diện tích không lớn nhưng dân số đông, thành tựu kinh tế mạnh có tác động lớn đến nền kinh tế chung của cả nước. Quản lý đô thị là quản lý động lực phát triển kinh tế của đất nước. Quản lý đô thị phải khác với quản lý vùng nông thôn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để xây dựng đô thị thông minh cần thực hiện song song việc quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững (xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững) và triển khai quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh (bao gồm cả các dịch vụ thông minh như giáo dục, y tế, khu đô thị, điện, nước, du lịch, vận tải; nông nghiệp thông minh; quản lý trật tự - trị an thông minh). Hiện nay, các thành phố đã bắt đầu triển khai xây dựng Đề án thành phố thông minh gồm Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Hải Phòng, tới đây là cả Đà Lạt.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ TT-TT hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng các tranh web giới thiệu chính sách và kêu gọi đầu tư. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, xây dựng đô thị thông minh là xu thế chung của thế giới, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Chiều 14-9, Bộ TT-TT cũng làm việc với phía Nhật Bản về vấn đề xây dựng đô thị thông minh. “Chúng ta cũng cần đặt mục tiêu xây dựng bộ thông minh, ngành thông minh. Bởi nếu đã có địa phương thông minh mà bộ ngành ở trên không thông minh thì cũng không hiệu quả. Chúng ta quyết tâm xây dựng các thành phố thông minh để có một quốc gia thông minh”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
PHAN THẢO