Xây dựng đội ngũ cán bộ tử tế với dân

“TPHCM sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ hết sức tử tế với dân”. Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu về công tác cải cách hành chính (CCHC) của TPHCM. 

“TPHCM sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ hết sức tử tế với dân”. Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu về công tác cải cách hành chính (CCHC) của TPHCM. 

Xử nghiêm việc tùy tiện quy định gây khó dân

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ về những mặt hạn chế trong công tác CCHC năm 2015 - 2016 của TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận, một số cán bộ, công chức viên chức vẫn chưa làm hết trách nhiệm, còn thể hiện thái độ vô cảm, chưa đúng chuẩn mực khi giải quyết công việc liên quan đến dân. Công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm phát luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.

Không dừng lại ở đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong còn nêu ra thực tế: Để khám bệnh, người dân phải đi từ 3-4 giờ sáng rồi phải chờ đến 1-2 giờ chiều mới được khám bệnh, trong khi thời gian khám chỉ mất có 10 phút và điều này đang xảy ra ở hầu hết các bệnh viện lớn của TPHCM. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, thống kê chính thức dân số TPHCM chỉ có 8,5 triệu nhưng con số thực tế lên đến 13 triệu đã gây áp lực rất lớn cho TP. Do vậy, người đứng đầu chính quyền TP cho biết mục tiêu của TP là làm sao để phục vụ dân và doanh nghiệp tốt hơn và CCHC là việc làm cụ thể cho mục tiêu đó.

Để thực hiện hiệu quả chương trình CCHC, đồng chí Nguyễn Thành Phong thông tin TP đang triển khai dự án xây dựng TPHCM trở thành “thành phố thông minh”, trong đó đặt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh… “Phải ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử mới có thể cải thiện được tình hình”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Cùng với đó, lãnh đạo TP cũng cho biết thêm UBND TP đã giao cho Sở Nội vụ chuẩn bị đề án để TP phân cấp mạnh cho sở-ngành, quận-huyện, khơi dậy tính chủ động của các sở-ngành và quận-huyện trình Thành ủy. Ngoài ra, mục tiêu tới đây của TP là chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ để tinh gọn bộ máy.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TPHCM phấn đấu đến năm 2020 tất cả các văn bản tại 24 quận huyện đều thông qua mạng điện tử, không còn văn bản giấy; thực hiện 100% dịch vụ công qua liên thông điện tử. TPHCM cũng sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện quy định những thủ tục gây khó, phiền hà cho dân và doanh nghiệp.

Đề xuất cơ chế đột phá về lương

Đánh giá cao thành quả trong công tác CCHC của TPHCM với nhiều mô hình mới, sáng tạo được nhân rộng cả nước, tuy nhiên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của TPHCM trong công tác này. Đó là, việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Đồng chí Trương Hòa Bình dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2016, số hồ sơ trả quá hạn của TP hơn 28.800 hồ sơ.   

Chỉ số CCHC năm 2015 của TP bị tụt hạng so với các năm trước, xếp thứ 18/63, giảm 12 bậc nên TP cần nghiêm túc, đánh giá những tồn tại hạn chế và đưa ra các giải pháp khắc phục để nâng cao chỉ số ổn định và bền vững. Một vấn đề khác khi năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của TP dù vẫn ở mức tốt nhưng cũng đã tụt 2 hạng so với năm 2014 (6/63). Một số chỉ số thành phần ở mức trung bình, như chi phí không chính thức đạt 4,37 điểm (xếp thứ 54/63), chỉ số năng động đạt 4,19 điểm (xếp thứ 51/63). “Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa tốt về môi trường đầu tư, kinh doanh của TP”, đồng chí Trương Hòa Bình nhận định.

Ngoài ra, theo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có tới 53,35% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hải quan tại TPHCM. TPHCM xếp hạng 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)… Tất cả những vấn đề này, TPHCM cần quyết tâm khắc phục.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý từ Đoàn công tác của Chính phủ, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định: TPHCM đang nỗ lực rất lớn để xây dựng chính quyền vì dân phục vụ. Tuy nhiên, đồng chí Đinh La Thăng cũng đề xuất có cơ chế đột phá về tiền lương đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức TP. “Khối lượng công việc mà cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM phải giải quyết mỗi ngày là rất lớn, trong khi yêu cầu về thời gian, chất lượng, hiệu quả công việc cao, nên nếu không có cơ chế đột phá cải tiến tiền lương cho đội ngũ này thì sẽ rất khó”, đồng chí Đinh La Thăng bày tỏ.

Dịp này, Chính phủ đã tặng bằng khen cho TPHCM về những thành tích trong công tác cải cách hành chính.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục