Xây dựng môi trường học đường lành mạnh

Nhà hoạt động cách mạng, người đứng đầu Chính phủ trong nhiều năm, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn là một nhà giáo dục xuất sắc. Trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn quan tâm tới sự nghiệp “trồng người”, không chỉ có những chỉ đạo xác đáng mà còn có những nghiên cứu sắc sảo.

Nói chuyện tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm, ngày 8-10-1981, ông đã yêu cầu mỗi thầy, cô giáo phải trả lời cho được các câu hỏi: “Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”. Câu cuối cùng này thực sự là một phương châm lớn của ngành giáo dục trong nhiều năm qua, được ngành nhắc đến để tự nỗ lực, phấn đấu và được toàn xã hội kỳ vọng.

Ở đây, có thể đặt ra một vấn đề hết sức cần thiết bám sát với định hướng đó, chính là việc xây dựng môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, tiến bộ. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc với một số biểu hiện chưa lành mạnh trong nhà trường như giáo viên bị phụ huynh ép phải quỳ gối (Long An), học sinh bóp cổ giáo viên (Bến Tre), giáo viên nam sờ vùng nhạy cảm của nữ sinh (Sóc Trăng), giảng viên bị tố cáo đạo văn (Đại học Công nghiệp TPHCM)… Ngoài ra, còn rất nhiều chuyện không hay khác của nhà giáo, của trường học và của ngành sư phạm, như thái độ ứng xử của giáo viên, đạo đức nhà giáo, chất lượng giảng dạy… Dư luận sẽ không chỉ bức xúc với các hiện tượng này mà sẽ còn lo lắng về tương lai của nền giáo dục cũng như triển vọng của nước nhà sẽ ra sao khi có một thế hệ trẻ được đào tạo trong nền giáo dục đó?

Đòi hỏi về xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh là một yêu cầu bức thiết và tất yếu, bởi dù chất lượng giáo dục - đào tạo có được nâng lên bao nhiêu nhưng học sinh, sinh viên được đào tạo trong một môi trường xô bồ, chụp giựt, mua bán, bạo lực… thì khó mà bảo đảm sẽ có những thế hệ người thực sự vừa hồng vừa chuyên. Chẳng hạn, nếu trong nhà trường có hiện tượng đổi chác, mua bán công khai, từ việc sắp xếp nhân sự, đấu thầu căn tin, nấu ăn bán trú… cho đến đặt ra các quỹ để thu ngoài quy định, chạy chức, chạy điểm, chạy biên chế… thì ngôi trường đó, nhà giáo đó có thể dạy gì cho học sinh về tinh thần trung thực, ý thức liêm chính? Nếu trong nhà trường có hiện tượng giáo viên lạm dụng tình dục hay bạo hành học sinh, các giáo viên tranh giành quyền lợi, địa vị… thì ngôi trường đó, nhà giáo đó có thể dạy gì cho học sinh về lòng yêu thương con người, về đức hy sinh, về lòng tự trọng?

Đã có rất nhiều người đòi hỏi chú trọng phải dạy “lễ” cho học sinh, tức là dạy đạo đức, dạy văn hóa, dạy làm người trước khi dạy “văn”, tức là đặt kiến thức ra sau. Đó là yêu cầu hợp lý, nhất là trong bối cảnh hiện nay có sự xuống cấp đạo đức đáng báo động. Thế nhưng, khi chú trọng dạy “lễ” thì nhà trường, nhà giáo phải có “đức”, có “lễ” chứ không thể chỉ nói suông mà không thể hiện bằng người thật việc thật, không bằng sự nêu gương. Tức là, ở nhà trường, khi các thầy cô gọi nhau là “thầy cô” thì phải hiểu đúng nghĩa của hai chữ đó, đồng thời luôn tự thể hiện đúng vai trò cô hay thầy của mình, đối với đồng nghiệp, đối với phụ huynh, đối với học sinh. Khi nhà giáo bước vào trường hay đứng lên bục giảng thì phải thể hiện cho được tác phong, tư cách của một người thầy, đó là tôn trọng lẽ phải, bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai trái, bênh vực kẻ yếu, có lòng yêu thương người, lòng vị tha, sự trung thực…, là “cô giáo phải như mẹ hiền”. Khi tất cả các nhà giáo đều thể hiện như vậy tức là đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, tiến bộ.

Trách nhiệm hiệu trưởng và các giáo viên trong việc xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, tiến bộ rất lớn. Vai trò đầu tàu và gương mẫu của hiệu trưởng là hết sức quan trọng. Do đó, việc chọn và bổ nhiệm hiệu trưởng phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, đồng thời có chế độ đãi ngộ tương xứng với chức trách, nhiệm vụ của họ. Ngoài ra, nên quan tâm cơ chế học tập, luân chuyển, kỷ luật để bảo đảm rằng hiệu trưởng giỏi thì sẽ ngày càng được phát huy, hiệu trưởng kém thì bị giáng chức hoặc thôi chức. Đồng thời, không ngừng nâng cao chế độ đãi ngộ cho giáo viên để người thầy có thể yên tâm với công việc, không phải quá bận tâm về việc mưu sinh, từ đó xao nhãng hoặc tìm cách trục lợi bất chính từ nghề nghiệp của mình.

Tin cùng chuyên mục