Xây dựng môi trường văn hóa trong game online. Bài 2: Làm gì để game online phát triển lành mạnh?

Ngày 12-6, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội thảo “Báo điện tử, trang thông tin điện tử và game online – định hướng phát triển và quản lý”. Tại đây, một lần nữa vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO) lại trở thành chủ đề nóng.

Ngày 12-6, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội thảo “Báo điện tử, trang thông tin điện tử và game online – định hướng phát triển và quản lý”. Tại đây, một lần nữa vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến (game online - GO) lại trở thành chủ đề nóng.

Những bất cập dai dẳng!

Có một thực trạng là hiện đang có nhiều trò chơi không phù hợp thuần phong mỹ tục, nhiều bậc cha mẹ không hài lòng vì con em bỏ ăn học để chơi GO đến 2 - 3 ngày. Thời gian qua, báo chí đã lên tiếng về tình trạng bạo lực học đường như: nữ sinh đánh nhau, chơi cờ bạc trong lớp thua bắt cởi áo, quay phim chụp ảnh tươi mát...

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng trên có phần do tác động của GO. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng, GO có 2 mặt và những vấn đề này là mặt tiêu cực cần hạn chế, khắc phục, chứ không thể phủ nhận những mặt tích cực của GO.

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, lợi ích của GO là giúp người chơi nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử; nâng cao khả năng phản xạ, sử dụng trí óc; giải trí và giảm thời gian chơi không lành mạnh. Tuy nhiên những tác hại của GO đang làm xã hội lo lắng. Đó là kích động hoang tưởng, nhập vai nhân vật, có hành vi bạo lực; lôi cuốn người chơi vào những trò đỏ đen, buôn bán trên mạng; gây lãng phí thời gian...

Theo thống kê hiện có tới 75% GO có màu sắc bạo lực, 14% liên quan cờ bạc và chỉ có 9% lành mạnh. Hiện Việt Nam có khoảng 20 triệu người chơi GO. Trong đó, 2/3 học sinh tiểu học thường xuyên chơi GO, ở bậc phổ thông tỷ lệ này là 81% và ở ĐH, CĐ là khoảng 75%... Đó là những con số đáng lo ngại. Ở mức độ nào đó, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nghiện GO cũng giống như nghiện ma túy và những vấn đề mà xã hội đang lo lắng về GO là không thể xem nhẹ.

Hiện nay, ở Việt Nam có 17 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO với gần 100 trò chơi khác nhau. Từ tháng 6-2006, Bộ Công an, Bộ VH-TT, Bộ BC-VT đã ban hành Thông tư 60 về GO và đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Hệ quả là việc quản lý GO chỉ tương đối chặt chẽ thời gian đầu. Sau đó hầu như người chơi, đại lý Internet cũng như các doanh nghiệp đều tìm cách lách luật. Cần thay thế Thông tư 60 là điều đã được bàn cách đây khoảng 3 năm.

Thời gian qua, Bộ TT-TT gấp rút xây dựng dự thảo Quy chế quản lý GO và quy chế này sẽ được ban hành ở cấp quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử Lưu Vũ Hải cho rằng, quy chế này sẽ tăng cường chất lượng việc thẩm định nội dung GO trước khi cấp phép; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sau khi game phát hành và tăng trách nhiệm, quyền lợi của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO.

Quy định hợp lý mới quản lý hiệu quả

Đề cập tới việc định hướng quản lý và phát triển GO thời gian tới, GS-TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung quy định để phân loại chi tiết, cập nhật hơn các GO. Cần xem xét rõ đâu là GO bạo lực, tình dục, cờ bạc và đâu là GO lành mạnh cần khuyến khích phát triển.

GS Thuyết cũng cho rằng cần ràng buộc trách nhiệm của các đại lý, cửa hàng Internet cung cấp GO để hạn chế thời gian chơi GO của bộ phận thanh thiếu niên. Nhiều ý kiến cho rằng phải tăng cường vai trò quản lý hướng dẫn giáo dục của gia đình và nhà trường đối với thanh thiếu niên khi tiếp cận và tham gia GO, bởi đây là yếu tố có tính quyết định.

“Có sự tham gia của toàn xã hội, từ gia đình đến nhà trường và các tổ chức như Đoàn TNCSHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... thì chắc chắn sẽ hạn chế được rất nhiều tác hại cũng như mặt trái của GO” – GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.

Ở góc nhìn của nhà cung cấp dịch vụ GO, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam - VINASA, cho rằng việc quản lý giờ chơi GO của game thủ mà không phân biệt độ tuổi, cũng như hạn chế giờ cung cấp dịch vụ GO (theo dự thảo lần thứ 7 của Quy chế quản lý GO) là đi ngược với bản chất của Internet vốn là dịch vụ “không biên giới”. Nghĩa là việc quản lý nếu áp đặt sẽ chỉ kiểm soát được các game cung cấp từ Việt Nam chứ không kiểm soát được game có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, rất nhiều khách hàng game Việt Nam ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng bởi quy định giờ của Việt Nam. Việc thắt chặt trong quản lý GO theo giờ sẽ vô tình đẩy người chơi Việt Nam quay lưng với game nội để chuyển sang chơi game do nước ngoài cung cấp, việc này sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc người sử dụng quay sang chơi game nước ngoài sẽ khiến cơ quan quản lý khó có khả năng kiểm soát các nội dung game xấu.

“Thiết nghĩ, việc giới hạn thời gian cung cấp dịch vụ chỉ nên áp dụng đối với các đại lý Internet, bởi vì ở đó người chơi ít bị kiểm soát, còn đối với người sử dụng dịch vụ giải trí tại nhà, họ đã chịu sự quản lý, giám sát của gia đình…” - ông Lê Hồng Minh phát biểu.

GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng cần phải nhanh chóng hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng ban hành quyết định quản lý GO thay thế cho Thông tư liên tịch 60 hiện hành, vốn đã nảy sinh nhiều bất cập trong thời gian qua. Trong đó cần quan tâm tới việc tiếp tục cụ thể hóa các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sản phẩm nội dung số Việt Nam phát triển, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm dịch vụ Internet, GO của doanh nghiệp nước ngoài...

“Cùng với sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của gia đình, nhà trường và đại lý Internet trong công tác quản lý, phát triển GO, để GO thực sự là một phương tiện giải trí lành mạnh và khoa học, khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong hoạt động GO hiện nay” – GS-TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

GO mới phát triển ở nước ta trong thời gian khoảng trên 5 năm. Với khoảng 23 triệu người sử dụng Internet và độ tuổi dân số trẻ, Việt Nam được xem là thị trường hấp dẫn trong lĩnh vực GO. Ở nhiều nước, GO đã mang lại nguồn thu rất lớn. Ông Chu Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử, cho biết, năm 2008 các doanh nghiệp GO đã nộp thuế 16,5 triệu USD và năm 2009 là gần 20 triệu USD.

TRẦN LƯU

- Thông tin liên quan:

>> Xây dựng môi trường văn hóa trong game online.

- Bài 1: Mong manh ảo và thật

Tin cùng chuyên mục