Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam

“Giảm số lượng gạo xuất khẩu, tăng tỷ lệ gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%…”.

Đó là một trong những định hướng hết sức quan trọng của Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký ban hành, được xem là bước ngoặt chiến lược ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể hơn là giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, tức là so với hiện nay sẽ giảm gần một nửa số lượng, nhưng giá trị sẽ tăng lên gần gấp đôi. Điều này phù hợp với chiến lược sử dụng đất lúa linh động, tập trung vào nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu và gia tăng giá trị.

Lâu nay, dù được xem là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng thương hiệu gạo Việt Nam vẫn là “khoảng trống” trên thị trường. Trong vài năm gần đây, vựa lúa miền Tây đã tạo được bước ngoặt quan trọng khi xây dựng thương hiệu lúa gạo.

Một số thương hiệu như gạo ST24, ST25 và Lộc Trời 28 liên tiếp đoạt các giải thưởng gạo ngon tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp tận dụng cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam như Tập đoàn Lộc Trời, Tân Long với các thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice”, A An… chiếm lĩnh thị trường gạo châu Âu.

Hiện bình quân mặt bằng xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan dao động ở mức 500 USD/tấn. Tuy nhiên, nhờ chúng ta đã tạo được đột phá về chất lượng nên thương hiệu lúa thơm ST24, ST25 có giá xuất khẩu cao gấp đôi so với mặt bằng giá xuất khẩu gạo, tức là lên tới 1.000-1.200 USD/tấn.

Thực tế cho thấy, để các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao gia tăng giá trị như vừa qua đòi hỏi phải gắn liền với các doanh nghiệp có thực lực trong ngành lúa gạo. Doanh nghiệp đó phải có chiến lược đầu tư cho vùng nguyên liệu gắn với các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, nông dân phải liên kết và thực hiện tốt các quy chuẩn sản xuất mà doanh nghiệp đặt hàng.

Có thể nói, chủ trương định hướng nói trên là cơ hội cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam “lột xác” về chất lượng, cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc xuất khẩu gạo, thoát khỏi cảnh xuất khẩu “gạo xô” như lâu nay. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần bắt tay tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp tổ chức liên kết canh tác, phát triển năng lực vai trò khối tư nhân trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu gạo, cũng như hỗ trợ xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục