Tuổi trẻ là tương lai dân tộc, là rường cột nước nhà, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, mà học sinh - sinh viên lại là thành phần ưu tú của tuổi trẻ. Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận học sinh - sinh viên đang có dấu hiệu suy thoái về mặt phẩm chất đạo đức, xem thường thầy cô giáo, lêu lổng chơi bời,... Chính vì vậy, việc xây dựng tư tưởng - đạo đức - lối sống trong lớp trẻ ngay ở những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Diễn đàn lần này, mời các bạn thảo luận về vấn đề "xây dựng văn hóa học đường".
Sau đây là nội dung ý kiến của bạn đọc về vấn đề này:
Ngăn chặn bạo lực học đường
Chốn học đường được xem là môi trường an toàn nhất để các bậc phụ huynh gởi gắm con em. Tuy nhiên, hiện nay có không ít phụ huynh ngày ngày lo lắng cho con em mình vì môi trường an toàn này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng học sinh hành xử nhau theo kiểu bạo lực, thậm chí là côn đồ, xã hội đen.
Không vừa ý nhau, đánh. Thấy chướng mắt, đánh. Giành giật bạn trai, bạn gái, đánh. Thậm chí đẹp… cũng bị đánh. Có nhiều học sinh vô cớ bị bạn đánh tức tưởi mà không biết lý do tại sao? Nhiều học sinh còn tụ tập, ăn chơi với đám bạn lêu lỏng ở ngoài trường, khi có chuyện chỉ cần một cú điện thoại lập tức đám giang hồ này sẽ có mặt trước cổng trường chờ đối tượng ra để xử.
Có thể nói bạo lực học đường gia tăng do hai nguyên nhân chính sau đây: thứ nhất là từ phía gia đình như cha mẹ hay cãi vã, đánh nhau, hay dùng bạo lực để dạy con khiến các em tiêm nhiễm. Tuy nhiên, nguyên nhân đáng lo ngại nhất là các em gần gũi với Internet, những bộ phim sặc mùi bạo lực, kinh dị đẫm máu dễ dàng được download về, truyền tay nhau xem. Bên cạnh đó, nhiều trang web, blog xấu chuyên tuyên truyền khiến các em ngày càng lệch lạc, sa vào bạo lực.
Để khắc phục trước tình trạng này, về phía gia đình, không răn dạy con theo kiểu bạo lực, phải từ tốn, dùng lý lẽ để hướng các em theo cái tốt, hạn chế xảy ra xung đột trong gia đình. Đặc biệt, phải theo sát lịch học của con em để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp lêu lỏng, bỏ học, tụ tập theo đám bạn xấu. Không cho con em đua đòi sắm điện thoại di động hay tiếp xúc quá nhiều với Internet.
Về phía nhà trường, kịp thời phát hiện những trường hợp mâu thuẫn giữa học sinh có thể dẫn đến đánh nhau để ngăn chặn, trường hợp có thành phần xấu bên ngoài tham gia đánh học sinh, thì nhà trường liên hệ ngay với lực lượng công an địa phương để bắt, răn đe những đối tượng này. Có như vậy mới góp phần xây dựng văn hóa học đường cho học sinh hôm nay và mai sau.
ĐÀO TRUNG PHONG
Gia đình và nhà trường là nền tảng cho trẻ
Làm sao để mỗi học sinh thực sự có văn hóa trong nếp sống hàng ngày? Kinh nghiệm cho thấy sự giáo dục các cháu từ nhỏ trong gia đình là rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Từ lúc con hết nằm nôi, chúng đã biết bắt chước cha mẹ và người xung quanh. Vì vậy, cha mẹ phải hướng thiện cho con, không hứa hão, không gây gổ trước mặt con, không chửi thề, con nói sai phải sửa, không hù dọa con, đừng nghĩ con còn nhỏ mà bỏ qua những câu nói bậy, nói hỗn.
Tập cháu bé khoanh tay thưa, chào người lớn, khi gặp và khi chia tay. Khi cháu vào mẫu giáo, cha mẹ phải có trách nhiệm nhiều hơn, nên gắn với các cô nuôi dạy trẻ kiểm tra theo dõi cháu trong vui chơi, sở thích, nhất là tránh cho cháu bắt chước các thói hư tật xấu trong giao tiếp bạn bè. Chọn bạn chơi cho cháu. Chuyện này kéo dài cho đến hết bậc tiểu học.
Đừng suy nghĩ là khi giao trẻ, đưa trẻ vào trường rồi xong. Nhiều phụ huynh do bận rộn, do làm ăn xa và cả do lười biếng dạy con, đã khoán trắng cho nhà trường, quên mất là các cháu chỉ ở trường, bên thầy cô 4 - 5 tiếng một ngày 24 giờ. Thậm chí, cho các cháu đi học thêm, học hè để… mình rảnh tay!
Với thầy cô trong trường, ngoài “môi trường sạch” từ ban giám hiệu xuống tới người làm tạp vụ phải gương mẫu, thầy cô nhiều khi được học sinh nghe lời hơn cha mẹ, nên thầy cô phải giáo dục nhân cách cho các em. Từng cử chỉ, lời nói, từng xử lý sự việc trong lớp, đều nhằm định hướng suy nghĩ đúng cho các em. Nhân cách thầy cô là gương soi cho các em. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Gia đình và nhà trường là hai nơi giúp các cháu xây dựng văn hóa học đường quan trọng nhất.
TRẦN ANH TÀI
Niềm tin nơi học đường
Trong đợt khai giảng năm học 2007-2008, một phóng viên đã có cuộc trao đổi với nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả cuốn tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” về những kỷ niệm thời ông cắp sách tới trường cùng quan điểm của ông về sự khác biệt giữa nền giáo dục của chúng ta trước kia và hiện nay.
Đó là một cuộc trao đổi lý thú, gợi mở được nhiều điều, trong đó tôi đặc biệt tâm đắc khi Nguyễn Khắc Phục cho rằng, cơ sở để nền giáo dục của chúng ta trước đây - mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt - song vẫn đạt được những thành tựu đáng nể trọng, vẫn tạo dựng được một đội ngũ trí thức có năng lực và giàu tâm huyết- cơ sở ấy là niềm tin.
Niềm tin nơi người giảng và niềm tin nơi người học. Không chỉ là niềm tin trong những điều được các thầy truyền thụ một cách say mê, rút gan rút ruột, mà bản thân lối sống trong sáng, lý tưởng cao đẹp của các thầy đã là một điểm tựa tinh thần để các cô cậu học trò theo đó vươn lên.
Còn bây giờ, không khí học đường của chúng ta thế nào? Phải công bằng mà nói, một khi sự thực dụng đã và đang ngấm vào lối sống của không ít bậc làm thầy, thì cái việc dạy và học ở nơi này nơi nọ xem ra chỉ thuần túy là vấn đề… kỹ thuật. Nghĩa là, tôi dạy là việc của tôi, anh nghe là việc của anh, tin hay không tin, tự anh tìm hiểu lấy.
Thậm chí, không hiếm ông thầy giảng thế này nhưng lại nghĩ thế khác. Tất nhiên, chẳng ai buộc được mọi người - trước một vấn đề - đều có chung một nhận thức, song ít ra, với đối tượng là các cô các cậu trò nhỏ ngây thơ, người thầy chớ nên lặp lại trường hợp như tôi từng chứng kiến.
Khi bình luận về đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều (trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du), một thầy giáo trong phút “ngoài lề” với học sinh đã nói trắng phớ ra là: Giảng thì giảng vậy song ông rất ác cảm với cô Kiều. Theo người thầy này thì Kiều là kẻ “tranh vợ cướp chồng”, và so với Hoạn Thư, cô chỉ “đứng đến gót Hoạn Thư”. Cũng theo quan điểm của ông, chính Hoạn Thư mới thực mang đủ các phẩm chất… đáng quý của người phụ nữ Việt Nam?!
Lại có trường hợp, người thầy tham gia biên soạn rất nhiều “sách tham khảo dùng trong nhà trường”, và ở “Lời nói đầu” của những cuốn này, bao giờ ông cũng chua thêm một câu: “Ước mong lớn nhất của tác giả là được truyền thụ những đam mê cháy bỏng cùng kinh nghiệm cảm thụ nghệ thuật của một người thầy đã có hơn 40 năm đứng trên bục giảng tới các em học sinh thân yêu”.
Vậy mà đến khi trả lời phỏng vấn báo chí, thầy lại bất ngờ thổ lộ rằng: “Sự nghiệp của tôi nằm cả ở mảng sách dành cho người lớn, chứ những tập sách lá cải dành cho tụi nhỏ này, chẳng qua người ta đặt hàng với giá cao thì mình làm…”…
Chưa hết, có người thầy khi đứng lớp thì luôn miệng khuyên nhủ các em học sinh phải chịu khó tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, cố gắng để trước mỗi vấn đề đều có chính kiến riêng, ấy thế nhưng khi tìm hiểu về “nhân thân” của thầy thì “các trò” lại được biết: Thầy từng bị báo chí “vạch mặt chỉ tên” về tội… đạo văn…
Dĩ nhiên, những tình tiết nêu trên chỉ là một mảng trong bức tranh giáo dục đa màu sắc của chúng ta. Những điều bất cập đang từng bước được ngành chủ quản nghiên cứu để có hướng điều chỉnh thích hợp. Kết quả đến đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song chắc chắn đó là những việc buộc phải làm, nếu ta muốn trả lại cho các em niềm tin nơi học đường.
PHẠM KHẢI (Hà Nội)
- Người thầy: nguồn sáng thương yêu!
Tôi tin muôn nẻo đường đời, đường đến trường là con đường đẹp nhất. Đó là những buổi bình minh mà trái tim tuổi thơ bao dung đã tự lọc mùi bom đạn, tử khí để giữ trong ký ức đường đến trường mãi là con đường dẫn đến “trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm...” (Phạm Trọng Cầu)!
7 năm trung học, tôi học ở một trường tư thục nhỏ, được thụ giáo bởi những thầy cô nghèo, “thất cơ lỡ vận”: trốn lính, thi rớt tú tài, tham gia phản chiến bị đuổi khỏi trường đại học... nhưng giàu tâm huyết! Dù đi đâu, về đâu, trong sâu thẳm trái tim, tôi vẫn nhớ trường cũ với niềm tự hào không thua kém những người được học trong những ngôi trường nổi tiếng với những danh sư!
Vậy cái gì đẹp nhất, khó quên nhất của quãng đời học sinh, lặng lẽ mà mãnh liệt đi theo chúng ta suốt cuộc đời? Tôi tin đó là hình ảnh những thầy cô giáo kính yêu!
Là một nhà báo, có cơ hội đứng trên bục giảng đại học, tôi bị hút ngay vào chủ đề “Xây dựng văn hóa học đường” và xin mạo muội nêu một suy nghĩ nhỏ: khi NGƯỜI THẦY là NGUỒN SÁNG THƯƠNG YÊU...
Hoàn cảnh tôi ngày xưa làm gì có “trường ra trường, lớp ra lớp”. Tôi chẳng thấy chương trình giáo dục phổ thông trước ngày giải phóng “học đi đôi với hành”. Mỹ và quân đội viễn chinh đầy đường, snark bar nhan nhản. Ngày xưa lo chạy giặc chứ ai lo chạy trường, chạy điểm. Cha mẹ chúng tôi cũng “buông lỏng” con cái để tất tả mưu sinh. Hồi ấy, chúng tôi được phát 1 ổ bánh mì buổi sáng, 1 ly sữa tươi buổi trưa, thuộc chương trình hỗ trợ học sinh tiểu học vùng chiến sự – tất nhiên từ tiền của Mỹ. Nhưng chẳng ai “mang ơn” Mỹ, cho thân Mỹ là oai, lấy Mỹ là sang .
Thầy cô dạy chúng tôi ý thức đề kháng với những gì không “sạch”: không lê la gần quán snark bar, không lẽo đẽo theo lính Mỹ xin quà hoặc...móc túi, không nhảy lên “Helo” khi có đoàn xe chở lính Mỹ chạy qua - dù chỉ thế là họ đã ném xuống rất nhiều bánh kẹo...
Học ngày 2 buổi, không biết “học thêm”. Học kém đã có nhà trường mở lớp “phụ đạo” miễn phí. Chúng tôi kính yêu thầy cô lắm nhưng không đứa nào có ý nghĩ “đền ơn” bằng một món quà! Thầy cô sẵn sàng cho học trò “ăn roi” khi chúng tôi lười học, ngỗ nghịch. Chưa thấy đứa nào bị đòn xong lầm bầm chửi rủa thầy cô hay phụ huynh nào đến trường hành hung thầy cô giáo để “trả thù” cho con; càng không thấy phụ huynh nào dù giàu sang, quyền thế đến đâu “dám” đến trường giương oai diễu võ.
Tôi còn nhớ lần bật khóc giữa lớp vì nhớ cha tôi vừa mất, cô giáo Lộc nói với cả lớp: “Khi nào bạn K. thôi khóc thì chúng ta học tiếp”, rồi cô nắm chặt tay tôi cho đến khi tôi bình tĩnh lại. Cô là một thiếu nữ Huế xuất thân danh gia, tốt nghiệp THSP, cô cầm quyết định về trường tôi -Trường tiểu học An Thổ (Tam Kỳ – Quảng Nam), nằm giữa vùng chiến sự. Nhiều lúc đang dạy thì có tiếng “đấu pháo” vọng về. Cô dừng lại một chút, lắng nghe để lượng định khoảng cách xa gần rồi dạy tiếp. Lòng yêu thương, sự dũng cảm của cô để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng tôi - con bé chín tuổi - từ ngày ấy đến giờ, khiến tôi không “ác” được, giúp tôi đứng lên được sau nhiều lần gục ngã.
Người thầy đầu tiên của tôi sau ngày giải phóng là thầy Đặng Xuân Hưng. Từ 120 bài viết của lớp phóng viên cơ sở đầu tiên do Tổng cục VHTT (170 Nguyễn Đình Chiểu Q3-TPHCM) tổ chức năm 1976 tại hội trường Q.10, thầy tìm tôi chỉ để nói một câu: “Em phải tiếp tục đi học!”.
TPHCM ngày ấy cúp điện thường xuyên, nhà tôi trong hẻm nghèo đường 3-2, mùa mưa nước cống ứ ngập quá gối, thầy đến tận nhà dạy tôi về “văn học cách mạng” – điều hết sức xa lạ với con bé sinh ra, lớn lên ở vùng tạm chiếm. Thầy không động viên suông mà dạy tôi học, dắt tôi đi nộp hồ sơ thi vào Trường Điện ảnh VN. 5 buổi dạy với tâm huyết của một cử nhân văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một người lính Trường Sơn – thầy đã giúp tôi thi đậu vào trường với điểm cao nhất để rồi đứng đầu khi tốt nghiệp.
Năm 1978 thầy về Thái Bình, nhưng ánh mắt khích lệ của thầy đã “đẩy” tôi học tiếp đại học Sư phạm Văn và cao học VHVN. Xin nói thêm: khi gặp thầy, tôi là nhân viên Ban VHTT P.20 (nay là P14 – Q10), kiêm “nghề” mót bã mía, bán hột vịt lộn... mụ mị với miếng ăn và trong đầu không hề nhá lên ý tưởng “tiếp tục đi học”! Khi tôi nói với ai đó: “Học là việc suốt đời! Học không bao giờ là muộn!” – đó là lúc tôi nhớ đến “người thầy giáo cách mạng” đầu tiên của tôi!
Thời nào cũng có rất nhiều người thầy đáng kính! Tuy vậy, khi biết một người thầy nào đó “không đáng kính”- hiểu đó là “số ít” - lòng tôi vẫn nhói đau. Họ hoặc chỉ biết quở mắng, chê bai nặng lời học trò, không bận tâm học trò đã chán tận cổ “trường ca so sánh” mang tên “thời chúng tôi – thời các em”; hoặc gợi ý tiền bạc, gài độ để “hé đề”, “thêm điểm”; hoặc...!
Cha mẹ sinh ra tôi nhưng chính các thầy cô giáo đã cho tôi có trí lực quyết đứng thẳng làm người - một người “bình thường thôi”! Thực sự có mối bận tâm về môi trường học đường ngày nay và có nhiều nguyên nhân tạo nên mối bận tâm chính đáng ấy. Nhưng tôi tin rằng khi những người thầy là nguồn sáng thương yêu thì sẽ góp phần quan trọng soi sáng trí tuệ, tâm hồn, nhân cách của các thế hệ học trò.
Nguyễn Thị Kỳ (Cần Thơ)
- Văn hóa học đường là trách nhiệm chung
Báo SGGP mở diễn đàn “Văn hóa học đường” theo tôi rất kịp thời và bổ ích. Vì qua diễn đàn này, chúng ta sẽ hiểu thêm được tình hình tiêu cực của học sinh hiện nay và tìm biện pháp giáo dục các em hiệu quả hơn.
Là một giáo viên đã nhiều năm đứng trên bục giảng, tôi rất bức xúc và lo lắng trước tình trạng học sinh hành hung thầy cô giáo, nói tục chửi thề, trộm cặp, đâm bạn trong lớp v.v…
Để ngăn chặn những hành động trên, theo tôi trước hết nhà trường giáo dục đạo đức tác phong cho các em tốt hơn nữa, nhất là việc thực hiện nội quy của nhà trường, có chế độ thưởng phạt công minh, dứt khoát.
Đối với gia đình cần hợp tác chặt chẽ với nhà trường để giáo dục các em sống lành mạnh, sống hòa mình vào tập thể, biết thương yêu mọi người và có lòng nhân hậu bao dung. Đối với xã hội cần chăm lo giúp đỡ các em có hoàn cảnh nghèo, khó khăn không đủ điều kiện để tiếp tục học tập v.v…
Hiện nay đất nước ta đang trên đường phát triển, hội nhập xã hội có nhiều phức tạp, không ít những luồng văn hóa phẩm độc hại du nhập vào nước ta làm ảnh hưởng không ít đến đạo đức, tác phong, lối sống của học sinh. Chính vì vậy mà việc xây dựng “văn hóa học đường” lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Nếu ai cũng có ý thức nhắc nhở các em thực hiện tốt “nếp sống văn hóa học đường” sẽ góp phần không nhỏ vào việc giáo dục thế hệ trẻ trở thành người chủ nhân đất nước hôm nay.
VÕ THANH AN BÌNH (P14, Q3, TPHCM)
- Nỗi lo tha hóa từ tiện nghi vật chất
Nhớ lại cái thời của chúng tôi “đi học” hơn thua nhau quý trọng nhau bằng “trình độ học vấn”, chính vì thế mà học hành thi cử thời ấy rất nghiêm khắc và coi trọng lắm! Còn bây giờ việc học hành tại một số nơi quá dễ dãi nên học sinh đôi khi xem thường, và hình như hơn thua nhau không phải bằng trình độ học vấn nữa mà là bằng những chiếc xe máy, những chiếc điện thoại di động, quần này áo nọ, là mốt thời thượng, là ăn chơi “sành điệu”… những tiện nghi vật chất và rất rất nhiều thứ đã “giúp” cho các em chơi bời, lêu lỏng… nhiều hơn học!
Ở một góc độ nào đó, học đường hình như đã bị “tha hóa” bởi môi trường sống bên ngoài , học đường không còn là môi trường trong lành, không còn là “thiên đường” của tuổi trẻ và “tiên học lễ hậu học văn”...
Tiền! Có lẽ cái quan niệm “có tiền mua tiên cũng được” từ thuở xa xưa, nay có lúc có nơi lại được áp dụng để mua bằng cấp, để chạy chức tước…?!
Có một điều tôi thấy ít nhiều đã làm suy giảm “uy tín thương hiệu” học đường, đó là ngoài việc học hành “thi cử” đàng hoàng, đâu đó còn có một số “chạy” theo con đường “cử thi” nghĩa là học “cầm chừng” rồi …”chạy” chỗ “chạy” việc kiếm tiền, có tiền…”chạy” tiếp… “chạy” theo con đường này có thể tiến thân nhanh hơn là học “chính quy”. Nhiều khi học đàng hoàng tốt nghiệp ra trường lại “bơ vơ”, “lạc lõng” chưa chắc gì kiếm được chỗ, được việc làm… đúng theo sở trường!?
Không “quơ đũa cả nắm” nhưng có thực tế chúng ta phải nhìn nhận là văn hóa đạo đức nói chung và văn hóa học đường nói riêng có một sự nghịch biến với sự phát triển kinh tế! Phải chăng đây là điều làm cho chúng ta ít nhiều băn khoăn lo nghĩ?!
NGUYỄN ĐẮC NGHĨA (Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh)
- Điều nữ sinh cần...
Nhắc đến văn hóa học đường, tôi nghĩ đến rất nhiều khía cạnh. Đó là quan hệ thầy trò, cách ăn mặc… Nhưng vấn đề công dung ngôn hạnh của nữ sinh ngày nay cũng quan trọng.
Một nữ sinh lý tưởng nhất trong mắt mọi người, kể cả cùng phái hay khác phái nhất định phải có tài sắc vẹn toàn. Nếu như ai đó nói rằng tôi đẹp mà không cần trình độ, không cần tâm hồn, không cần tài nấu ăn… hay ngược lại thì nhất định sẽ không còn là hình ảnh mãi yêu của các chàng trai.
Ông bà ta nói tài sắc vẹn toàn của người con gái là chân, thiện, mỹ. Cô gái ấy không chỉ đẹp về hình thể, còn phải đẹp về tinh thần. Sắc phải đi đôi với tài. Tài ở đây không chỉ là có kiến thức, nó còn bao gồm những đức tính dung dị nhất. Và hai yếu tố này bổ sung cho nhau, hòa hợp lẫn nhau để giúp người con gái này hoàn thiện tiến tới hoàn chỉnh.
Tôi lại nghĩ vẻ đẹp sẽ phai mờ theo năm tháng, nhất là thời gian chính là kẻ thù của người con gái. Thế nhưng giá trị mãi còn chính là vẻ đẹp tâm hồn. Nó sẽ còn được thử thách qua năm tháng. Một mai này, khi ta già đi, xấu đi nhưng vẻ đẹp tâm hồn ấy mãi còn thì còn quý giá gì bằng, phải không?
NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG (19 Chu Văn An, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
- “Tiên học lễ hậu học văn”
Câu khẩu hiệu trên thường thấy xuất hiện tại các trường học trên cả nước, là câu khẩu hiệu mà ngày xưa các bậc phụ huynh khi còn là học sinh phải nhập tâm trước nhất. Ngày xưa học trò rất “sợ” (kính nể) thầy cô. Đang chơi mà thấy thầy cô đi ngang cũng vội bỏ cuộc chơi mà khoanh tay cúi đầu chào. Học sinh thời xưa luôn được giáo huấn kính trên nhường dưới, giúp đỡ bạn bè, ăn nói lễ phép, khi ra đường gặp đám tang phải dỡ nón cúi chào không cần biết người đó lạ hay quen, lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình…
Ngày nay học sinh được quá nhiều “ưu đãi”. Đi học bằng xe đạp điện, xe gắn máy loại “xịn”, mặc đồ may bằng loại vải thật tốt, tiền ăn sáng dư sức để thoải mái ăn đủ thứ, lại còn được trang bị điện thoại di động, máy vi tính. Những trận đánh nhau để chứng tỏ “cái tôi” của cả nam và nữ sinh (như một clip video quay cảnh một nữ sinh bị một nhóm nữ sinh khác vây đánh rồi lột cả áo ra cho mọi người xem trong lúc một học sinh khác đứng quay phim rồi tung lên mạng). Nhiều nam sinh tụ tập để hút thuốc và trong số đó có thể kèm theo cả ma túy, nam nữ học sinh tập sống thử, bỏ nhà đi bụi, đi bar, vũ trường…
Văn hóa học đường ngày nay thật sự cần gióng lên một hồi chuông báo động do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, trong đó nhiều em là con nhà khá giả hoặc giàu có do được quá nuông chiều nên sinh ra hư hỏng.
Tóm lại để có một môi trường văn hóa học đường lành mạnh chúng ta cần phải kết hợp từ cả phía gia đình cùng với nhà trường và xã hội.
Đàm Vũ Tri
- Người thầy cần có lòng tự trọng
Gần 10 năm làm nghề giáo, với tôi, đó là một quãng đời không dài, không ngắn nhưng có lẽ đủ để trở trăn và đủ để suy ngẫm về hai chữ “làm Thầy”. Làm người vốn đã khó, làm thầy còn khó hơn nhiều.
Qua thực tế công việc tôi có được một mớ thông tin buồn đến nao lòng. Nào là “Cô biết cô A dạy môn… ở trường ĐH… không? Tụi em phải săn đón, chăm sóc cô mỗi ngày ở nhà khách (nơi cô nghỉ trọ trong mỗi đợt công tác ở thành phố); phải có bì thư; hay phải mua những món quà theo đúng ý thích của cô,… Có lần, cô A cho lớp số điện thoại và bảo cần gì thì liên hệ. Hôm sau, cô lên lớp la tụi em “tôi cho số điện thoại mà có ai thèm gọi đâu?”. Tối hôm ấy, chúng em liên tục gọi cô nhưng không được. Hôm sau cô nói với lớp: “điện thoại của tôi hư lên hư xuống”. Lớp trưởng đem đi sửa giùm cô. Nhưng rồi, người ta bảo điện thoại này hư quá không sửa được”. Cả lớp hội ý “không lẽ giờ đem gửi lại cô cái điện thoại hư?”. Thế là đành bấm bụng mua cho cô chiếc điện thoại mới, hơn ba triệu đồng. Cô vui lòng nhận ngay…”.
Chao ôi, còn nhiều câu chuyện tương tự! Cũng là con người đó, trong kinh doanh, anh ta có thể đặt thẳng vấn đề “tôi được huê hồng bao nhiêu?”; trong khi hành nghề khác, anh ta có thể ra giá “muốn ghi biên lai, đưa đây 150.000 đồng, nếu không thì 50.000 cũng được” (mặc dù đó là một đề nghị trái pháp luật)… Nhưng khi làm thầy giáo, anh ta phải biết hổ thẹn và cảm thấy bị tổn thương khi ứng xử như trên.
Tôi muốn nhắn gửi đến họ đôi lời, rằng: “Trước học trò, lòng tự trọng của người thầy lớn hơn tất cả những thứ khác trên đời”. Đó chính là bài học đầu tiên về văn hóa học đường.
Nguyễn Hồng Nguyên (Giảng viên luật)
- Điện thoại di động trong trường học
"A lô. Liên hở. Ừ, học sinh lớp tao ngoan lắm”. Đó là câu chuyện mà tôi tình cờ nghe được, khi đi ngang qua một lớp học trường tiểu học cơ sở X thành phố Vũng Tàu. Tôi lấy làm ngạc nhiên, khi cô giáo cứ mải mê nói chuyện điện thoại, còn học sinh thì nô đùa trong lớp như ong vỡ tổ. Khi nghe xong điện thoại, cô giáo quay vào lớp hỏi: “Cô đang giảng bài đến đoạn nào rồi nhỉ?”.
Tôi đi tiếp sang dãy nhà khối 4, lại đụng một cô giáo vội vàng chạy ra ngoài hành lang nghe điện thoại. Cô ra khỏi lớp tức thì các em học sinh nhao nhao.
Hiện nay, dư luận thường phàn nàn về văn hóa điện thoại di động trong hội nghị, hội họp, nhưng cũng phải bàn đến văn hóa sử dụng điện thoại di động trong học đường. Không luật nào cấm sử dụng điện thoại di động, song sử dụng như thế nào, ở đâu cho phù hợp là cả ý thức văn hóa của mỗi người.
Nghe, gọi điện thoại cũng mang tính chất văn hóa. Là giáo viên đang giảng bài, tức là người đi truyền thụ văn hóa cho học sinh cần hiểu rõ điều này. Ấy là chưa nói đến làm cho bài giảng bị gián đoạn, học sinh phân tâm. Ngoài ra, học sinh cũng không được sử dụng điện thoại di động trong giờ học.
Mai Thắng (Vũng Tàu)
- Nhân rộng gương tốt và định hình lối sống đẹp
Một trong những nguyên tắc căn bản từng được nhà sư phạm hàng đầu thế giới - Makarelko (Nga) đưa ra là lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối, dùng những gương điển hình trong ngành giáo dục và cuộc sống để tuyên truyền vận động giúp học sinh nâng tầm nhận thức, hướng tới lối sống nhân văn.
Ngành giáo dục ở nước ta có nhiều gương sáng với tấm lòng nhiệt huyết, thương yêu học trò, trăn trở tìm biện pháp truyền thụ hấp dẫn, được trò tin yêu kính phục.
Mới đây, báo chí ở TPHCM đã giới thiệu một số giáo viên tiêu biểu. Đó là thầy giáo Trần Tuấn Anh ở Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng – quận 3; thầy Phạm Phú Thọ ở Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương; cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng ở quận 2... Và mỗi địa phương đều có nhiều gương tốt, nhiều tấm lòng vàng hiến đất xây trường, học sinh quên mình cứu bạn, cõng bạn bại liệt đến lớp…
Vấn đề cần thiết hiện nay là bổ sung những phương cách khoa học để giúp định hình lối sống đẹp trong nhà trường, hạn chế tình trạng bỏ học, xóa bỏ tình trạng bạo lực manh nha. So sánh với truyền thống tôn sư trọng đạo, nghệ thuật giáo dục rõ ràng đang thiếu tính kế thừa về phương pháp. Văn hóa học đường cần được thụ hưởng di sản thanh khiết từ vốn văn hóa dân tộc, bằng cách vận dụng khéo léo vào chương trình hoặc ngoại khóa.
Thời đại thông tin cho phép tiếp cận những kiến thức sống văn minh, nhiều điều hay lẽ phải nhưng cũng không ít pha trộn sai lệch về nhân sinh quan, học sinh cần được định hướng chuẩn xác thông qua một bộ lọc – chính là nghệ thuật truyền thụ trong nhà trường. Do đó, những bí quyết nghề nghiệp của giáo viên giỏi cần được nhân rộng, sẽ tạo ra hiệu quả thiết thực.
Mặt khác, việc không ít học sinh ngày càng thiếu tính thùy mị nết na trong ứng xử, là do sự phiến diện trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ chỉ lo kiến thức, không chú trọng rèn luyện lối sống, thiếu ý chí kiểm soát hành vi bản thân.
Cho nên, một vấn đề song song để xây dựng văn hóa học đường là giáo dục bằng nguồn tri thức chọn lọc. Ngoài kiến thức chính khóa, thầy cô cần tận tụy hướng dẫn học trò tìm đến các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu, các nguồn tư liệu về truyền thống yêu nước, đức tính cao quý của nhiều thế hệ anh hùng.
Từ đó, giúp học sinh hiểu rõ giá trị của sự cống hiến, sẽ góp phần khắc chế được những hành vi thấp kém, sẽ tự tin vào bản thân, sớm xây dựng được bản ngã để từng bước tự đề kháng trước văn hóa độc hại.
Liên Hùng (Q.9 – TPHCM)
- Không nên kinh doanh các dịch vụ gần trường học
Mấy năm gần đây, hầu như chung quanh nhiều trường học đều có tình trạng bán hàng rong trước cổng trường và kinh doanh các dịch vụ như: Internet, bi-da, karaoke.
Hệ quả ai cũng biết nhiều học sinh trốn học vào nơi này chơi mà gia đình không hay biết, khi nhà trường báo bỏ học gia đình tìm hiểu thì mới phát hiện ra. Còn bi-da không còn là môn giải trí mà cá độ ăn tiền chí ít cũng độ ăn uống vài mươi ngàn đồng, nhiều hơn cả trăm ngàn đồng. Ở nơi này vì cay cú ăn thua nhau nên đôi bên mặc sức văng tục, đánh đấm nhau như cơm bữa.
Tác hại của việc ham chơi, tụ tập rồi tiêm nhiễm thói hư tật xấu trên phim ảnh, ngoài xã hội rồi lan tràn vào trường học. Như năm học rồi có trường THCS buộc một em nữ sinh nghỉ học vì có thai, hay ở một trường THPT nhiều nhóm học sinh nam trong trường vì bất hòa nhau cũng kéo vào trường ăn thua thanh toán lẫn nhau, làm ban giám hiệu và giám thị hết sức khổ sở giải quyết. Cá biệt có trường hợp vì yêu đương mù quáng mà các nữ sinh “đánh ghen” với nhau đến nỗi xé toang quần áo, bạn bè phải giúp bằng cách cho mượn đỡ bộ đồ thể dục mặc về nhà.
Tình trạng này thỉnh thoảng cứ xảy ra ở khu vực trường học nên chính quyền, đoàn thể cần vận động các hộ kinh doanh các dịch vụ này xa trường và trong giờ học không được phép kinh doanh. Đến giờ học, dân quân, công an nên đi kiểm tra, nếu phát hiện học sinh nào có mặt ở các tụ điểm đó thì nhắc nhở, ghi tên báo nhà trường biết và trường có trách nhiệm phối hợp gia đình các em này quản lý giờ giấc chặt chẽ hơn.
Chính việc quản lý chặt chẽ các dịch vụ nhạy cảm nói trên và giáo dục học sinh sẽ góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường và nếp sống văn minh đô thị.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TPHCM)
- Thầy cô là tấm gương soi
Cảm ơn Báo Sài Gòn Giải Phóng mở Diễn đàn Xây dựng văn hóa học đường và gợi mở một số ý xung quanh vấn đề này.
Theo gợi mở, tôi mạnh dạn tham gia ý kiến:
Ngày 17-3-2009, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) kỷ niệm 130 năm ngày thành lập. Ở đây, tôi để ý gia đình KTS Nguyễn Hoàng Anh, cựu học sinh trường. Suốt 15 năm qua, KTS Nguyễn Hoàng Anh đã dạy vẽ miễn phí cho hơn 100 em thi vào Đại học Kiến trúc.
Ở đây, có cô giáo dạy văn lớp 10B11, đã gia tâm vào giáo án, để vừa cho học trò các bài học giáo khoa, vừa để lại cho học trò “bài học làm người”. Em Nguyễn Dương Mỹ Trinh học cô, nói: “Cô luôn khuyên chúng em thể hiện suy nghĩ của mình, đừng đi theo lối đi có sẵn hay chạy theo ý kiến người khác. Cô đã giúp em từ đứa học trò cứng đầu, bất trị, nhìn đời tiêu cực, thành đứa biết tự tin vào mình”.
Ở lớp 12C1 của trường, có thầy dạy toán Nguyễn Hữu Thông luôn dặn học trò: mỗi em phải chọn cho mình những quyển sách tâm đắc, đọc cho kỹ, nghĩ cho thấu, cũng là cách học. Trên đường đi đến thành đạt, đừng dừng lại nửa chừng, dù nhất thời thất bại. Rõ ràng, thầy giúp cho học trò nghị lực. Học trò Nguyễn Thị Thanh Vân, lớp 12C1, còn phục cô Nguyễn Ngọc Lan dạy sử rất hay, giọng nói ngọt ngào, dịu dàng, lôi cuốn, lời giảng rành mạch, cụ thể lồng “xưa vào nay” khiến chúng em thuộc bài ngay khi tiết học kết thúc.
Thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát dạy tại Trường Nguyễn Đình Chiểu 3 năm, xác định: Công việc “trồng người” (xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống… cho lớp trẻ) không hề đơn giản. Nghề sư phạm chỉ có thể đem đến cho thầy cô cuộc sống giản dị, thanh bạch, bình yên, chứ không mang tới một cuộc sống giàu có!
Học với các thầy, cô như thế, học sinh Nguyễn Đình Chiểu đã rất thành đạt trên đường đời. Với các em, thầy cô là tấm gương soi đời mình.
Trần Anh Tài
- Hãy là bạn đồng hành của trẻ
Hạnh phúc lớn nhất của bậc làm cha mẹ là con cái ngoan ngoãn, học giỏi và thành đạt và đó cũng chính là ước muốn của thầy cô và xã hội.
Ông bà ta có câu “con dại cái mang” câu nói đó khẳng định trách nhiệm của bậc làm cha mẹ khi con cái chưa ngoan. Hiện nay, ngoài giờ học tập ở trường, hàng ngày trẻ được tiếp xúc với lượng thông tin khổng lồ thông qua Internet và nếu như không được trang bị những kiến thức cơ bản để nhận biết cái hay cái đẹp trong những thông tin mà trẻ tiếp nhận sẽ có lúc trẻ có những hành vi sai trái.
Nhà trường và hội phụ huynh cần đề ra những quy định của trường như các em trai không được để tóc hai lai. Các em gái không mặc áo quá mỏng. Các em không được nhuộm tóc khác màu, không được sơn móng tay, không được mặc quần xệ, áo ngắn hở bụng, mang điện thoại đến lớp… Để nâng cao văn hóa học đường, nhất thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường mà cầu nối là hội phụ huynh lớp - trường. Mỗi khi có bạn nào vi phạm nội quy là được các em báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm giải quyết, như thế sẽ khắc phục trạng quậy phá, đánh nhau, nội bộ mất đoàn kết trong trường.
Việc giáo dục các em không thể đổ hết cho nhà trường mà chính phụ huynh phải tự trang bị cho mình những kiến thức về giáo dục trẻ. Muốn giáo dục trẻ, theo tôi, phụ huynh không chỉ là cha mẹ mà phải còn là “bạn thân” của con em mình, có như thế chúng ta mới đồng hành cùng các em trên đường đời, giúp con em mình trưởng thành, trở thành công dân tốt cho xã hội.
Lê Tăng Định
- Những mái tóc nhuộm
Lâu rồi mới có dịp trở lại thăm trường cũ ở TP Quy Nhơn (Bình Định), lòng tôi vui phơi phới khi ngắm nhìn những khuôn mặt đẹp xinh, tràn đầy sức sống ở nam lẫn nữ, của các thế hệ đàn em.
Nhưng sao tôi mau chóng thấy mình lạc lõng đi giữa ngôi trường cũ mà như giữa ngôi trường của… xứ Hàn, hay Tây Tàu gì đó, khi nhìn thấy những mái đầu nhuộm đủ màu sắc, vàng có, hung đỏ có, của cả nam lẫn nữ sinh.
Thời tôi đi học làm gì có kiểu nhuộm tóc này mà học sinh vẫn rất đẹp khi lên lớp và tung tăng ra phố thị. Nam sinh bắt buộc phải cắt tóc cho gọn gàng, ai vi phạm sẽ bị trừ điểm thi đua, nặng hơn là hạ một bậc hạnh kiểm, báo về gia đình. Chúng tôi ý thức được “cái răng, cái tóc là gốc con người” mà!
Tôi vẫn nhớ các cô bạn trong lớp, sáng thứ hai trở thành… cô tiên duyên dáng trong bộ áo dài trắng kèm mái tóc thướt tha chấm ngang vai, thoang thoảng mùi hương bồ kết. Cánh nam sinh chúng tôi vẫn thường mơ màng theo những mái tóc đen tuyền, xõa ngang vai tung bay trong gió nhẹ, trên những chiếc mini xinh xắn những giờ tan trường.
Hãy giữ cho học đường những nét đẹp ban sơ, mát lành như xưa nay vẫn thế các em nhé! Mỗi trường học nên có chế tài đối với những mái tóc “lai Tây Tàu” này, sẽ không là quá muộn.
Diệu Hoàn
- Giáo dục lòng nhân ái
Có thể khẳng định, văn hóa học đường đang ở mức đáng báo động. Bố tôi nguyên là giáo sư ngành sư phạm đã về hưu, đã tỉ mỉ thống kê trên 4 tờ báo gồm báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Pháp Luật TPHCM, tổng hợp lại có hơn 150 vụ phạm tội như gây hấn có thương tích nặng, đâm chém, gây án mạng, cướp giật, cưỡng dâm… trong năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009. Đó chỉ là con số chưa đầy đủ, nhưng thật đáng lo ngại bởi chỉ mới tính riêng trong lứa tuổi học trò và sinh viên gây ra.
Nguyên nhân nào đã đưa đến hiện trạng nhức nhối ấy? Mỗi người chúng ta cần bàn bạc để tìm giải pháp tích cực đưa văn hóa học đường trở lại với quỹ đạo lành mạnh vốn có. Theo chúng tôi, có mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, học và hành chưa đi đôi, giá trị cảm hóa của những bài học tại trường chưa làm tốt vai trò hướng dẫn hành vi để vận dụng vào ứng xử hàng ngày. Tổ chức Đoàn, Đội ở các cấp học chưa thật sự năng động do cách tuyên truyền còn khô khan, chưa lôi cuốn học sinh vào nhiều hoạt động mang tính tự giác cao vì chưa hấp dẫn.
Thứ hai, hệ quả của sự cực đoan ở hai thái cực giáo dục trong gia đình, hoặc quá nghiêm khắc với con cái hoặc quá buông lỏng trong việc theo dõi chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện thiếu lành mạnh của học sinh. Mặt khác, xã hội công nghiệp đang tác động trực tiếp tới tuổi mới lớn, gây ra sự ngộ nhận về các giá trị, làm hiểu sai lệch về đạo đức chuẩn mực.
Thứ ba, hiện trạng chọn trường, chạy điểm và tiêu cực thi cử cùng với việc dạy học theo kiểu nhồi nhét kiến thức đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng niềm tin, tự ti, không tiếp thu được bài học, dễ chán nản dẫn tới việc bỏ học.
Thứ tư, tính hà khắc thái quá của một bộ phận giáo viên cũng là một lý do khiến học sinh ngại tới lớp. Những biểu hiện như xử phạt học trò quá mức (hít đất, chạy vòng quanh sân…), thậm chí thầy cô quá tay khi đứng lớp… đã làm các em ít hứng thú trong học tập.
Qua một số nguyên nhân trên, chúng tôi thấy diễn đàn của Báo Sài Gòn Giải Phóng thật đúng lúc, hết sức thời sự và cần kíp. Đã đến lúc những người có trách nhiệm cần thảo luận thẳng thắn trên diễn đàn này, chúng ta không cần thiết phải tô hồng những gì đang có, mặc dầu học sinh ngoan, giỏi, hiếu học vẫn chiếm đa số.
Muốn xây dựng văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, cần nhất là sự nỗ lực tận tâm của đội ngũ giáo viên và trách nhiệm của gia đình, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường.
Khi học sinh được tôn trọng như một chủ thể đích thực, mỗi học sinh sẽ tự đưa ra yêu cầu cao với bản thân, sẽ vượt khó, biết tự tu dưỡng cho xứng đáng với cộng đồng nhỏ của mình.
Văn hóa học đường chính là môi trường nhạy cảm nhất, cần sự mềm mỏng và nghệ thuật giáo dục. Vì thế, trước mắt chúng ta cần tập trung vào mục tiêu trọng yếu: giáo dục lòng nhân ái.
Khi nhà trường trở thành một “ngôi nhà tình thương” thật sự đối với học sinh - sinh viên, sẽ cảm hóa được những tâm hồn non trẻ, nâng cấp văn hóa học đường.
LÊ TRẦN LAN (Quận 1 - TPHCM):