Nếu như cách đây 2 năm, danh sách của đội tuyển U.22 Việt Nam tham dự vòng loại U.23 châu Á cũng như tại SEA Games 29 chỉ có một cầu thủ đang chơi ở giải hạng nhất, phần còn lại đều đang chơi bóng trong màu áo các CLB hàng đầu, thì tại đội tuyển U22 quốc gia hiện nay chỉ có 4 cầu thủ đã từng thi đấu ở V-League, đa số cầu thủ chỉ mới trải qua chơi bóng đỉnh cao ở giải hạng nhất. Như đã biết, đội U.22 hiện nay là lứa cầu thủ vừa đá giải U.19 châu Á hồi năm ngoái, đồng thời là nòng cốt tham dự SEA Games 30 vào cuối năm nay. Họ chính là lực lượng kế cận của đội tuyển Việt Nam và dĩ nhiên đó chính là lý do mà HLV Park Hang-seo phải sắp xếp thời gian để sang Campuchia quan sát trực tiếp.
Một chút so sánh giữa 2 lứa cầu thủ để chúng ta dễ hình dung về một vấn đề đang làm đau đầu những người như HLV Park Hang-seo, đồng thời là bài toán hóc búa cho các nhà quản lý bóng đá Việt Nam. Trước đây, chúng ta có vẻ nhầm lẫn về khái niệm “xây nhà từ móng” nghĩa là đào tạo bóng đá trẻ, nhưng thực tế, phần “móng” của nền bóng đá là ở hệ thống CLB. Không ở đâu có chuyện cầu thủ được đào tạo xong là thành tài ngay, cũng không thể tập trung các đội tuyển quanh năm để rèn giũa cho cầu thủ trẻ. Mọi sự phát triển của cầu thủ đều phải thông qua việc thi đấu tại CLB.
HLV Park Hang-seo đã rất may mắn khi mà thời điểm ông sang Việt Nam là lúc mà các đội như Hà Nội FC, HA.GL và SLNA đồng loạt đưa lứa cầu thủ U.19 lên đá V-League. Dù theo quy định, các CLB V-Leasgue chỉ phải đăng ký 3 cầu thủ U21 nhưng các CLB này đều mạnh dạn trẻ hóa lực lượng, cầu thủ trẻ chiếm đến hơn 50% lực lượng đăng ký. Điều này vừa giúp cầu thủ có kinh nghiệm đỉnh cao, vừa thuận tiện cho công việc của HLV Park Hang-seo và các cộng sự khi họ chỉ cần xem những trận đấu tại V-League là tuyển được người cho cả U.23 lẫn đội tuyển quốc gia.
Nhưng trong năm 2019, do có nhiều giải đấu quan trọng nên một số cầu thủ U23 hiện đang khoác áo đội tuyển có thể không dự SEA Games, như vậy nhiều khả năng HLV Park Hang-seo vất vả hơn nếu muốn theo dõi phong độ của những cầu thủ U22 vì đa số họ đều đang đá giải hạng nhất.
Mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu như các CLB tại V-League ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ, nhưng đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề, thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý. Thành công gần đây của bóng đá Việt Nam chủ yếu ghi công một số lò đào tạo chứ không phải là thành quả của hệ thống CLB chuyên nghiệp. Chúng ta đang phát triển tốt các trung tâm đào tạo nhưng hầu như không quan tâm đến các tuyến U mà theo quy định là CLB chuyên nghiệp bắt buộc phải có. Những giải U19, U21 quốc gia hầu như không có đại diện của 70% CLB hiện đá tại V-League, cũng có nghĩa là sẽ rất ít CLB sử dụng cầu thủ trẻ. Do V-League hiện nay thiếu tính cạnh tranh, các CLB chủ yếu thi đấu để trụ hạng, nên việc sử dụng cầu thủ trẻ quá đem lại nhiều rủi ro. Không phải đội bóng nào cũng có tiềm lực như Hà Nội FC để kết hợp các lứa cầu thủ với nhau mà vẫn bảo đảm thành công trong thi đấu. Trong khi đó, VFF cũng chỉ mới “đề nghị” chứ chưa bắt buộc các CLB phải đưa cầu thủ U21 vào thi đấu.
Chúng ta vui vì bóng đá Việt Nam đã đạt đến đẳng cấp châu Á ở cấp độ đội tuyển, được xem như một trong những “lò” đào tạo hàng đầu Đông Nam Á. Tuy nhiên, các thành tựu ấy thực tế vẫn chỉ là “xây nhà từ nóc” nếu như không phát triển bóng đá chuyên nghiệp thực thụ từ cấp CLB. Sau thành công của đội tuyển, tin vui đã đến với V-League khi có nhà tài trợ mới trong 5 năm tới, nhưng thực tế thì khả năng phát triển của V-League vẫn là một dấu hỏi về chất lượng chuyên môn, năng lực tài chính và động cơ hoạt động của phần lớn các CLB. Không trả lời được các câu hỏi ấy thì chưa thể nói bóng đá Việt Nam đã tiến hành xây dựng phần móng cho mình để bảo đảm có sự liền mạch giữa đào tạo và phát triển tài năng.