“Xây” và “phá” môi trường

Ngày 17-10, lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Các nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là khí thải từ giao thông vận tải, các nhà máy điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Ngày 17-10, lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp ô nhiễm không khí ngoài trời là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở người, hơn cả việc hút thuốc thụ động. Các nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là khí thải từ giao thông vận tải, các nhà máy điện, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Trước tình trạng ô nhiễm khói bụi ngày một nghiêm trọng, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vừa quyết định sẽ triển khai chương trình ứng phó khẩn cấp, chú trọng tới việc hạn chế lượng phương tiện giao thông lưu thông, từ ô tô cá nhân đến ô tô thuộc sở hữu công, thậm chí yêu cầu các nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng nhằm giảm lượng khí phát thải nếu ô nhiễm lên mức báo động màu đỏ và màu cam…

Tại Singapore, cảnh báo của WHO được đưa ra cùng ngày với ngày ra mắt “nhà máy xanh” đầu tiên của đảo quốc này. Với tên gọi Greenhub, đây là nhà máy công nghiệp đầu tiên xác định được lượng khí thải carbon trong quá trình xây dựng và các giai đoạn vận hành rất thân thiện với môi trường. Mái các tòa nhà Greenhub được lắp đặt tấm pin Mặt trời để cung cấp lượng điện tiêu thụ cho khu văn phòng lên tới 160.000 kWh mỗi năm. Ngoài ra, cửa sổ kính đổi màu trong nhà máy sẽ giúp điều hòa lượng hấp thụ nhiệt và ánh sáng Mặt trời.

Nếu như Greenpac là một ví dụ thành công cho thấy các công ty kinh doanh vẫn có thể có lợi thế thương mại thông qua giá trị môi trường, khi coi bảo vệ môi trường là một chiến lược thương mại với bản chất đổi mới thì trong một thử thách chưa từng có, các chủ mỏ khoáng sản ở bang Bắc Dakota (Mỹ) vừa nộp đơn kiện nhiều công ty dầu mỏ lớn nhất nước này như Continental Resources, XTO Energy, SM Energy and Marathon Oil… với cáo buộc đã đốt bừa bãi khí đốt, gây lãng phí hàng triệu USD của họ và quan trọng hơn hết là gây ô nhiễm môi trường.

Báo New York Times ngày 17-10 đưa tin, các công ty này bị cáo buộc đã chủ động tạo khoảng 1.500 vụ cháy tại các mỏ khí đốt ở miền Tây bang Bắc Dakota trong quá trình khai thác trong khi không chuẩn bị đủ đường ống để vận chuyển lượng khí đốt khai thác được. Khí đốt thiên nhiên rẻ hơn dầu cho nên các công ty này đã không cần xây đủ đường ống dẫn khí và chỉ cần đốt lượng khí đốt dư thừa khi chưa kịp vận chuyển.

Mặc dù là rẻ hơn dầu và than, nhưng lượng khí bị đốt lãng phí tăng gấp 3 lần trong 2 năm qua ở Bắc Dakota, đã gây thiệt hại khoảng 100 triệu USD mỗi tháng cho các chủ đất, những người đang hy vọng vụ kiện này sẽ giúp họ thu lại khoản tiền mà các công ty khai thác dầu đã làm thất thoát. Đó là chưa kể lượng carbon dioxide thải ra môi trường tương đương với lượng khí thải của hơn 2 nhà máy điện chạy bằng than cỡ trung bình, góp phần làm khí hậu ấm dần lên.

Rõ ràng, nếu như ngày càng có nhiều nỗ lực nhằm làm “tái tạo” sự trong lành cho không khí, thì cũng có nhiều nơi vừa đang lãng phí tài nguyên thiên nhiên, vừa thải chất ô nhiễm ra môi trường. Đó là những lực cản của lộ trình chung tay làm sạch không khí thế giới, góp phần đưa số người trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Theo các số liệu thống kê mới nhất do tạp chí Environmental Research Letters vừa công bố, ước tính mỗi năm hơn 2 triệu người chết trên toàn thế giới từ hệ quả trực tiếp của ô nhiễm không khí do con người gây ra.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục