TPHCM đang chạy đua với việc phát triển các hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) như tàu metro, xe điện mặt đất, xe điện trên cao nhưng nhanh cũng phải chờ 5 - 6 năm nữa mới có thể đưa vào hoạt động một trong những phương tiện đó. Vì vậy, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ chốt hiện nay. Tuy nhiên, xe buýt TPHCM đã và đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều xe rệu rã
Mục tiêu của TPHCM là phát triển hệ thống xe buýt làm nền tảng cho việc phát triển bền vững hệ thống VTHKCC, thu hút người dân đi xe buýt, góp phần giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường, tạo nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên những hình ảnh xe buýt hiện nay chưa đạt như kỳ vọng.
Thời gian qua, tiền lương của nhân viên tăng cao, trong khi giá vé chỉ tăng nhẹ là nguyên nhân khiến nhiều đơn vị tham gia kinh doanh vận tải bằng xe buýt không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Vì thế, việc đại tu sửa chữa phương tiện hầu như không được quan tâm khiến hàng loạt xe buýt đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Một thành phố được cho là văn minh hiện đại bậc nhất cả nước, nhưng lưu thông trên đường phố là những chiếc xe buýt “xấu xí”, rệu rã “gồng mình” lăn bánh chở khách.
Hình ảnh mà ai cũng dễ dàng nhìn thấy xe buýt hiện nay là thùng xe móp méo, đèn xe cái có cái không, sơn bong tróc, ghế ngồi rách nát, kính bể dán băng keo chằng chịt, máy lạnh xe có xe không, cửa lên xuống thường xuyên bị kẹt, mỗi khi xe xuất phát khói đen mù mịt... Hàng loạt xe chạy trên đường giằn xóc, phát ra tiếng kêu kin kít lớn hơn tiếng máy. Đơn cử như tuyến Bến xe Miền Đông - Miền Tây, Chợ Lớn - Củ Chi, Chợ Lớn - Miền Đông, Sài Gòn - Nhà Bè, Sài Gòn - Thới An, quận 8 - Bình Chánh…
Đó là chưa kể, động cơ, máy móc cũng đang xuống cấp trầm trọng, thậm chí có xe đang chạy tắt máy giữa đường. Nhiều tài xế cho rằng, vài năm tới, vấn đề chất lượng dịch vụ xe buýt còn đáng lo ngại hơn, vì hiện nay phần nhiều xe buýt đã bắt đầu hư hỏng. Doanh nghiệp, xã viên đang phải “ăn” vào tiền dành dụm, khấu hao phương tiện, nên không có chi phí đầu tư phương tiện mới khi số xe này hết niên hạn vào năm nay hoặc năm sau.
Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TPHCM, hiện hợp tác xã có gần 1.000 đầu xe buýt hoạt động trên khắp tuyến đường TPHCM. Phần lớn số xe này đều được đưa vào sử dụng từ năm 2002, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng và cũng đang từng bước đại tu khi cần thiết. “Giá nhiên liệu, giá phụ tùng, tiền lương nhân viên đều tăng, trong khi giá vé chỉ được tăng lên một chút nên đã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn kinh phí để chủ nâng cấp xe. Mỗi lần đăng kiểm nhà xe lại phải cuống cuồng đi “mông má” lại xe gấp. Để xe chạy an toàn và lâu bền, khoảng 3 - 4 năm phải đại tu, chi phí khoảng 380 triệu đồng/xe, trong đó không chỉ nâng cấp khung, thùng xe và nội thất mà còn sửa chữa động cơ, thay thế các thiết bị an toàn của xe” - ông Hải cho biết.
Hỗ trợ mua xe mới
TPHCM bắt đầu khôi phục, phát triển xe buýt từ năm 2002. Thời gian này, trên địa bàn TPHCM chỉ có khoảng 587 xe buýt loại từ 17 đến trên 39 ghế, hầu hết xe buýt loại này đã hết niên hạn sử dụng. Những năm sau đó, hàng loạt chính sách khuyến khích đầu tư phương tiện, mua xe mới được hỗ trợ lãi suất vay, hỗ trợ giá vé, vì thế, số lượng xe buýt tăng lên 2.434 xe, loại từ 17 đến trên 39 ghế. Hàng ngàn xe này ngược xuôi vận chuyển hành khách không ngừng nghỉ, hiện nay hàng loạt xe buýt đã xuống cấp cần được thay mới.
Theo đề án phát triển xe buýt giai đoạn 2011 - 2015 của Sở Giao thông Vận tải TP đã được UBNDTP thông qua, TPHCM sẽ mua mới 1.680 xe buýt với kinh phí gần 2.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, 70% còn lại được vay ngân hàng trả trong 7 năm và một phần lãi suất vay cố định là 6,48%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại nhà đầu tư chịu.
Tuy nhiên, đề án này không nhận được sự hưởng ứng của nhiều hợp tác xã xe buýt và nhà đầu tư do mức lãi suất ngân hàng hiện nay còn cao. Trong khi số xe đang hoạt động có tuổi thọ 15 năm, hiện mới hoạt động được 7 - 8 năm, còn số xe cũ không biết bán cho ai. Việc đầu tư một xe mới hiện nay phải gấp đôi thời điểm năm 2003, trung bình một xe 80 chỗ (đứng và ngồi) phải tốn từ 2 đến 2,5 tỷ đồng. Giá xe cao, lãi suất cao, tiền nợ phải trả hàng tháng cũng cao sẽ là áp lực không nhỏ đối với các nhà đầu tư.
Phát triển VTHKCC bằng phương tiện xe buýt là một trong những chính sách được TP quan tâm đầu tư. Nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay hệ thống xe buýt vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.
| |
QUỐC HÙNG