Xe đạp và tiểu thuyết học trò

Trong truyện dài Ngồi khóc trên cây, nhân vật nữ chính là một cô bé tên Rùa. Tên thật của cô là gì không ai biết, kể cả tác giả. Đã mười bốn tuổi nhưng cô bé không biết đi xe đạp, cô luôn đi bộ dù quãng đường xa xôi đến mấy. Đó là lý do bọn trẻ làng gọi cô là “con Rùa”. Gọi riết thành quen, dần dà cả người lớn cũng gọi cô bằng cái biệt danh đó.
Xe đạp và tiểu thuyết học trò

1. Trong truyện dài Ngồi khóc trên cây, nhân vật nữ chính là một cô bé tên Rùa. Tên thật của cô là gì không ai biết, kể cả tác giả. Đã mười bốn tuổi nhưng cô bé không biết đi xe đạp, cô luôn đi bộ dù quãng đường xa xôi đến mấy. Đó là lý do bọn trẻ làng gọi cô là “con Rùa”. Gọi riết thành quen, dần dà cả người lớn cũng gọi cô bằng cái biệt danh đó.

Như vậy, cô bé đáng yêu trong tác phẩm mới nhất của tôi có liên quan mật thiết đến chiếc xe đạp. Liên quan đến nỗi chàng trai rất mực yêu thương cô trở về làng sau ba năm xa cách đã không thể nhận ra cô chỉ vì cô đang... đi xe đạp.

2.
Chiếc xe đạp gắn bó với tuổi học trò. Nói cách khác, biết bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò gắn liền với chiếc xe đạp. Hầu hết các tác phẩm của tôi viết về lứa tuổi này nên bạn đọc có thể bắt gặp vô số những chiếc xe đạp đi lại tung tăng trong những trang sách.

Trong truyện Mắt biếc, chàng trai tên Ngạn và cô bé Hà Lan nhiều lần lững thững đạp xe vào rừng sim hoa tím, nơi cậu học trò lần đầu biết yêu và biết thế nào là “lên bờ xuống ruộng” vì yêu. Nhiều năm về sau, chàng trai sững sờ phát hiện Trà Long, con gái của Hà Lan, càng lớn lên càng giống mẹ lạ lùng. Chi tiết tạo ra bước ngoặt cho câu chuyện buồn này xảy ra vào một buổi chiều Ngạn và Trà Long đạp xe song song bên nhau trên con đường từ trường huyện về làng. Những chiếc xe đạp tự nhiên trở thành chứng nhân bất đắc dĩ cho tâm tình hai thế hệ.

Nhưng có lẽ chỉ trong truyện Trại hoa vàng, chiếc xe đạp mới trở thành một “sự kiện”, khi ông bố gom hết gia tài mua chiếc xe đạp de luxe, oách nhất thị trấn, về làm mồi nhử thằng con biếng học. Ông khóa xe dựng vào góc nhà, không cho ai đụng tới, thỉnh thoảng lôi ra kỳ cọ chùi rửa, xong lại cất vào. Ông ra hẹn chỉ khi nào con ông thi đỗ cấp 3 vào trường học sinh giỏi, ông mới giao chìa khóa xe. Chiếc xe từ đó có tên là chiếc Huy chương vàng. Trước “cuộc thi vượt ải” quá khó, cậu con nhắm sức mình không đáp ứng nổi, đã thống thiết cảm khái “đời tôi không có duyên được hưởng, thôi để ba tôi dành trao giải cho cháu nội sau này”!

Khi đọc tác phẩm này, các bạn đọc nhỏ đều nhớ chuyện ông bố dùng chiếc Huy chương vàng treo giải “khuyến học” cho đứa con nhưng lại hay quên một chi tiết liên quan: chính chiếc Huy chương vàng đó đóng vai trò quan trọng trong chuyện tình cảm của hai nhân vật chính. Đó là ngày Chuẩn vô tình tông chiếc Huy chương vàng vô xe Cẩm Phô khi cô bé rẽ vào nhà trong một buổi chiều định mệnh. Không có cú va chạm đó, chàng Chử Đồng Tử con nhà buôn đồ đồng nát và công chúa Tiên Dung, thiên kim tiểu thư của tiệm thuốc Tây giàu nhất thị trấn, đã không có dịp kết giao và tác phẩm Trại hoa vàng rất có thể sẽ rẽ sang hướng khác.

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

3. Hồi học lớp tám, lớp chín, cuối tuần tôi thường đạp xe đến nhà một đứa bạn. Sau khi trò chuyện qua loa, hai đứa rủ nhau đạp xe đến nhà một đứa khác. Rồi ba đứa kéo nhau chạy đến nhà đứa thứ tư. Chẳng mấy chốc, cả chục chiếc xe đạp đã rồng rắn ngoài đường. Chỉ có bọn con trai è cổ đạp, bọn con gái được ưu tiên ngồi chễm chệ ở yên sau như những bà hoàng. Nơi đến cuối cùng thường là nhà một đứa con gái có vườn tược và thường ở cạnh bờ sông. Cả bọn dựng xe vô vách, ùa ra vườn hái trái, bới củ trong khi chủ nhà lục đục nấu chè trong bếp để đãi bạn. Ăn xong, nằm nghỉ ngơi một lát, cả bọn kéo ra sông tắm. Dĩ nhiên chỉ có bọn con trai bì bõm ngụp lặn, bọn con gái ngồi trên bờ đọc sách hoặc tán gẫu.

Chiều xuống, cả bọn lại rồng rắn đạp xe ra về, chỉ vậy thôi mà sung sướng vô bờ. Tuần sau lại tụ tập ở nhà một bạn gái khác. Bạn gái đó có khi là bạn cùng lớp, có khi là bạn khác lớp. Ở thị trấn nhỏ, bạn bè chơi thân với nhau không quan tâm chuyện chung bàn, chung lớp hay chung trường. Đi học thì khác trường khác lớp nhưng về nhà đều là hàng xóm hoặc là chỗ quen biết từ thời còn để chỏm. (Nhà bạn trai ít khi được chọn làm nơi tụ tập, vì bọn con trai thường biếng nhác chuyện bếp núc đãi khách).

Những ngày Tết còn rộn ràng hơn. Ngày mới, nắng mới, áo mới, thị trấn có bao nhiêu học trò là gần như có bấy nhiêu chiếc xe đạp túa ra đường, tung tăng khắp ngả. Sau này khi vào sinh sống ở Sài Gòn, tôi mới phát hiện ra điều ngược lại: nếu ngày Tết ở thôn quê hoặc tỉnh lẻ người đông như trẩy hội (đúng là trẩy hội thật!) thì ở các thành phố lớn ngày Tết đột nhiên vắng vẻ một cách bất thường, do người nhập cư, người đi làm ăn xa và sinh viên đến từ các tỉnh lũ lượt kéo nhau về quê đoàn tụ gia đình.

4.
Xe đạp học trò ngày Tết đi đâu?

Tết nhất dĩ nhiên chả đứa nào thèm ăn (nhà nào mà chẳng có bánh trái, thịt thà), vì vậy mà cả bọn không ghé lại nhà bạn gái như thói quen. Tất cả háo hức kéo nhau lên núi đá hay vào rừng sim. Vứt xe ven rừng, con trai con gái nhởn nhơ kéo nhau vào chốn cành non lá biếc, những tà áo mới thấp thoáng giữa các nhành xanh dập dìu như những cánh bướm đủ màu.

Những chuyến đi chơi như thế, thú vị và thơ mộng là nhờ chiếc xe đạp. Xe gắn máy có chỗ tiện, nhưng những lúc cần thả hồn theo mây gió, con người ta cần cái thong dong hơn là cái gấp gáp. Chưa kể, tiếng động cơ, mùi khói xăng trong một khung cảnh thiên nhiên êm đềm và hữu tình hoàn toàn không thích hợp.

5. Trong tác phẩm Còn chút gì để nhớ của tôi, có những ngày Chương - cậu sinh viên ở trọ - đi học chung xe với Quỳnh, cô bé láng giềng sát vách. Sáng nào cậu cũng phải cọc cạch chở cô bé đến trường xong mới quay lại trường mình. Tan học, lại đến trường Quỳnh để đón cô bé về. Chắc chắn chiếc lưng áo lấm tấm mồ hôi của chàng sinh viên đã làm xao xuyến trái tim mới lớn của cô bé học trò. Nếu chở nhau bằng xe gắn máy, cô gái sẽ chẳng thấy hết “công sức lao động” của người đang hổn hển nhấn bàn đạp phía trước. Chưa kể xe đạp còn có công dụng kéo dài quãng đường từ trường về nhà, câu chuyện rủ rỉ giữa đôi bạn nhờ đó cũng miên man theo. Rõ ràng, trong nhiều trường hợp chiếc xe đạp có ưu thế hơn nhiều so với xe gắn máy!

6.
Chiếc xe đạp không chỉ gắn liền với tuổi học trò trong tiểu thuyết. Khi nhạc sĩ Phạm Duy viết “Xin cho em một chiếc xe đạp/Xe xinh xinh để em đi học” trong ca khúc Tuổi ngọc, chiếc xe đạp học trò đã đi vào âm nhạc. Cả khi Đỗ Trung Quân viết “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/Em chở mùa hè của tôi đi đâu?” trong một bài thơ học trò sau đó được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thành ca khúc Phượng hồng, tuy nhà thơ không nói rõ cô gái đi xe gì, xe gắn máy hay xe đạp, nhưng chúng ta có thể đoán ra.

Bạn thử tưởng tượng đi, chở nhành phượng thắm (hay chở mùa hè) mà phóng vèo vèo bằng Honda, Suzuki hay Yamaha thì còn chi là thơ mộng. Có khi người chạy xe đánh rơi mùa hè ở dọc đường nữa không chừng! Cho nên “chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng” đó dứt khoát phải là chiếc giỏ gắn trước... xe đạp. Bạn có đồng ý với tôi không?

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục