Xe ô tô điện “tuyên chiến” với giá dầu

Cuộc chạy đua của các dòng ô tô điện đang khiến các nhà sản xuất dầu mỏ không khỏi lo lắng. Một số dự đoán cho rằng, cuộc đua tranh này có thể gây tác động không nhỏ vào thị trường dầu mỏ và đe dọa đến lợi nhuận của ngành công nghiệp vàng đen.  
Xe ô tô điện “tuyên chiến” với giá dầu

Cuộc chạy đua của các dòng ô tô điện đang khiến các nhà sản xuất dầu mỏ không khỏi lo lắng. Một số dự đoán cho rằng, cuộc đua tranh này có thể gây tác động không nhỏ vào thị trường dầu mỏ và đe dọa đến lợi nhuận của ngành công nghiệp vàng đen.  

Hồi sinh mạnh mẽ

Xe điện được phát minh từ hơn 100 năm trước nhưng chỉ phát triển từ 20 năm trở lại đây. Lý do sự hồi sinh mạnh mẽ của dòng xe này xuất phát từ những vụ bê bối gian lận khí thải đình đám bị phanh phui của các hãng xe tên tuổi như Volkswagen, Mitsubishi đang khiến niềm tin của người tiêu dùng sút giảm mạnh. Bên cạnh đó, môi trường ngày càng ô nhiễm đã khuyến khích người dân tìm đến những phương tiện thân thiện hơn với môi trường và có sự đột phá về công nghệ. Khuyến khích sử dụng điện năng là ưu điểm lớn nhất của các xe hơi điện trong tương lai, khi mà chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đang dần thắt chặt chính sách phát thải ra môi trường của các phương tiện giao thông.

Trạm sạc pin cho ô tô điện

Theo Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), các phương tiện vận tải ở Mỹ đã sản sinh ra gần 30% tổng lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, trong đó ô tô con và ôtô tải chạy bằng xăng và dầu diesel chiếm 1/5 lượng khí thải dạng này. Đây là điểm mà ôtô điện có thể khắc phục. Cũng theo nghiên cứu của Phòng thí nghiệm hàng không và môi trường của Viện Công nghệ Massachusetts, chỉ riêng ở Mỹ, mỗi năm có 200.000 người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 53.000 người chết do khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ xả ra. Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 3,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 2,1 triệu ca tử vong ở châu Á - nơi thị trường ô tô bùng nổ mạnh trong hơn thập kỷ qua.

Năm 2016, trong số khoảng 90 triệu xe hơi bán ra trên toàn thế giới thì có khoảng 1% là xe chạy điện. Nhưng điều này vẫn cho thấy tiềm năng lớn của thị trường xe chạy điện. Để cạnh tranh trong cuộc đua sản xuất ôtô điện, rất nhiều tính năng ưu việt đã được tích hợp, nâng cấp cho các mẫu ô tô chạy điện. Hệ thống động cơ giờ được tiết giảm diện tích đáng kể, pin được sạc nhanh hơn, trong khi quãng đường đi có thể vượt quá 400km/lần sạc. Một trong những dòng xe gây được sự chú ý gần đây là các mẫu Model S và Model 3 của hãng Telsa (Mỹ). Để cạnh tranh với Telsa, hãng xe Porche (Đức) đang chuẩn bị cho ra mắt mẫu siêu xe chạy điện có tên Mission E, dự kiến bắt đầu được sản xuất vào năm 2020. Hiện tại Porsche vẫn đang tiến hành các cuộc thử nghiệm cuối cùng, chiếc xe sắp được sản xuất dựa trên nguyên mẫu. Đầu năm nay, hãng Faraday Future đã ra mắt mẫu xe chạy điện đầu tiên của mình là FF91 tại Triển lãm điện tử tiêu dùng CES 2017, mẫu xe được giới thiệu là có khả năng tăng tốc còn nhanh hơn Tesla Model S. Bộ pin 130kW cho xe khả năng chạy quãng đường hơn 600km/lần sạc, theo lời giới thiệu của Faraday Future. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là bộ pin ô tô có trữ lượng cao nhất trên thị trường. Lucid Motors, một hãng xe ở California, Mỹ, cũng đã ra mắt mẫu sedan chạy điện và tự lái Lucid Air vào tháng 12 vừa qua, dự kiến có mặt trên thị trường vào năm 2018.

Tác động có thật

Nghiên cứu từ trường Đại học Imperial London và nhóm nghiên cứu Carbon Tracker Initiative cho thấy, đến năm 2025, những dòng xe chạy bằng điện có thể khiến thị trường dầu mỏ suy giảm nhu cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2025, một con số tương tự khối lượng cung dầu thừa gây ra khủng hoảng giá dầu năm 2014. Carbon Tracker Initiative cho rằng, đến năm 2024, con số suy giảm là 16 triệu thùng dầu/ngày và đến năm 2050, con số này tăng lên 25 triệu thùng dầu/ngày. Nhiều công ty dầu mỏ lớn cũng đã có những nghiên cứu về thị trường ôtô điện. Theo nghiên cứu tập đoàn BP, ô tô điện có thể làm suy giảm nhu cầu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày trong vòng 20 năm tới, thấp hơn so với mức dự báo của Carbon Tracker Initiative.

Mẫu xe FF91

Cũng theo Carbon Tracker Initiative, chi phí sản xuất các dòng ôtô điện sẽ giảm dần ở mức cạnh tranh và vì thế mức giá đưa ra thị trường sẽ có gần như không quá cách biệt cho đến năm 2020. Giá ắc quy (chiếm 1/3 giá trị chiếc xe) đã giảm 35% trong năm 2015 và sẽ còn giảm mạnh trong 6 năm tới,  trở thành một nguồn cung cấp động năng đối trọng với xăng dầu. Nhờ đó, xe điện có thể là điểm nhấn mới của công nghệ toàn cầu trong thập niên 2020. Thị trường ô tô điện nhiều khả năng sẽ ở mức bão hòa vào năm 2050. Các dòng xe điện sẽ chiếm 19% - 21% phương tiện giao thông trên thế giới vào năm 2035. Đến năm 2050, con số này là 69%, trong khi các dòng xe chạy bằng dầu chỉ ở mức 13%.

Các nhà đầu tư đang đổ xô mua cobalt với dự đoán rằng thị trường sẽ thiếu cung kim loại này đẩy giá tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là thành phần chính trong ắc quy lithium-ion (ắc quy sạc điện) dùng trong ô tô điện. Giá cobalt đã tăng gần 50% kể từ tháng 9-2016 lên mức cao nhất trong vòng 5 năm, khoảng 19 USD/lb. Theo dự báo của eCobalt Solutions, đến năm 2020, 75% ắc quy lithium-ion sẽ chứa cobalt. Hãng tư vấn CRU Group nhận định tiêu thụ xe điện và xe kết hợp giữa điện và điện hybrid có thể đạt 4,4 triệu chiếc vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên hơn 6 triệu chiếc vào năm 2025, từ mức 1,1 triệu chiếc năm 2016.

Hiện  vẫn có các ý kiến tranh luận trái chiều về khả năng giảm thiểu ô nhiễm môi trường của ô tô điện. Nhiều người cho rằng, ô tô điện tuy giảm lượng khí thải độc hại nhưng lại làm tăng lượng tiêu thụ điện - nguồn năng lượng vốn đang phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Như thế, khí thải độc hại trên toàn cầu vẫn sẽ gia tăng. Tuy nhiên, khi các hãng xe sản xuất xe điện hướng tới sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân thì nó sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi nữa.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục