Đối với những người làm phóng viên thể thao như chúng tôi, giải VĐQG châu Âu là một trong những sự kiện không thể bỏ qua. Mùa EURO nào cũng vậy, gần 1 tháng “ăn bóng đá, ngủ bóng đá” với biết bao cảm xúc khó tả. Vậy nhưng với bản thân tôi, VCK EURO năm 2000 là sự kiện mà có lẽ không bao giờ tôi có thể quên được…
Hơn 10 năm trước, khi còn là một anh lính công binh Hải quân, tôi đã từng có những trải nghiệm không thể quên khi được xem EURO 2000 trong những ngày đang làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa. Cuộc sống nơi hải đảo xa xôi đầy vất vả, thiếu thốn. Thời điểm ấy, nơi đây vẫn chưa có sóng điện thoại di động, không có internet. Điện thắp sáng, sinh hoạt trên đảo vẫn phải dùng máy nổ. Hàng ngày, cứ đến 18 giờ, máy nổ chạy, khi ấy khắp đảo mới có điện. Đúng 21 giờ, toàn đảo cúp điện, chỉ còn những bộ phận quan trọng mới được sử dụng điện từ bình ác quy. Truyền hình thì mỗi đảo đều được trang bị chảo thu tín hiệu vệ tinh nhưng vì nhiều lí do khác nhau, tất cả các kênh đều bị khóa, chỉ xem được mỗi kênh VTV1.
EURO năm 2000, Đài truyền hình Việt Nam có bản quyền phát sóng tất cả các trận đấu ở VCK nhưng khổ nỗi, các trận đấu đều được phát trên kênh VTV2, VTV3. Ở đảo chỉ xem được kênh VTV1 nên chúng tôi, dù rất muốn nhưng không thể theo dõi giải đấu này được. Bên cạnh đó, yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biển đảo thân yêu của tổ quốc cũng không cho phép chúng tôi được thoải mái sống hết mình với niềm đam mê trái bóng tròn. Không được xem truyền hình trực tiếp, không có điện thoại, không internet, báo chí lại càng không. Thế nên, gần như tất cả những người đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa, từ sĩ quan chỉ huy cho đến chiến sĩ bọn tôi, đều mù tịt thông tin về giải đấu này.
Kênh thông tin duy nhất ở thời điểm đó mà chúng tôi có thể tiếp cận để nắm bắt về những diễn biến của giải đấu đang diễn ra trên đất Bỉ và Hà Lan chính là mục điểm tin thể thao sau chương trình thời sự của VTV1 mỗi ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà niềm đam mê, hứng khởi của những người lính chúng tôi bị suy giảm. Hàng đêm, cứ đến giờ xem thời sự là tất cả anh em đều tập trung về sân sinh hoạt chung của đảo để dán mắt vào chiếc tivi Sony 21 inches theo dõi những thông tin mới nhất (thật ra thì đã là quá muộn so với trong bờ) về EURO. Những người trúng phiên gác thì chỉ mong sao cho chóng đến giờ đổi ca để chạy đi hỏi anh em xem đêm qua, đội nào thắng, thua, cầu thủ nào ghi bàn, bàn thắng có đẹp không…?
o 0 o
Gần 1 tháng diễn ra EURO 2000, những người lính chúng tôi không được xem truyền hình trực tiếp bất cứ trận nào của giải đấu này. Thế nhưng, không khí EURO vẫn len lỏi vào mọi ngóc ngách trên hòn đảo nhỏ, từ chiến hào cho đến bãi tập. Hết bình luận về cục diện bảng đấu này, đến cơ hội của đội kia, khả năng ai sẽ giành giải Vua phá lưới… và cứ chiều chiều, bọn tôi lại ôm bóng ra bãi cát vàng, chia làm 2 đội, hết “Italia đá với Hà Lan” lại đến “Pháp đá với Đức”, rồi “Tây Ban Nha đá với Bồ Đào Nha”… Những trận cầu mà cầu thủ 2 đội, người mặc áo, người cởi trần, chân không giày quần thảo với quả bóng đến mệt nhoài trên bãi cát nóng rực ấy đã giúp chúng tôi giải tỏa bớt “cơn khát” bóng đá đang cuồn cuộn chảy trong từng cơ thể tràn đầy sức sống của những chàng trai đang tuổi đôi mươi.
Mãi đến trước trận chung kết EURO 2000, được sự cho phép của cấp trên, chỉ huy đảo mới cho tất cả chúng tôi xem truyền hình trực tiếp trận đấu giữa tuyển Pháp và Italia. Khỏi phải nói, chắc mọi người cũng phần nào hiểu được tâm trạng vui sướng tột độ của những người lính chúng tôi khi ấy. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, tiếng hò reo vang động một góc trời. Đêm ấy, cả đảo gần như không ngủ để chờ cho đến giờ khai cuộc. Và khi trận đấu bắt đầu, mọi người đều chìm đắm trong không khí bóng đá cuồng nhiệt, vốn đã phải dồn nén quá lâu. Đêm ấy, đội tuyển Pháp của những Zinedine Zidane, Thierry Henry, Patrick Vieira… đã đăng quang sau bàn thắng vàng của David Trezeguet để lần thứ 2 bước lên đỉnh cao nhất của châu Âu trong niềm vui sướng tột độ của những người yêu mến đội tuyển áo lam.
Thế nhưng, ấn tượng nhất với tôi vẫn là những giọt nước mắt của những tifosi mặc áo lính. Giữa đảo xa muôn trùng, họ, những người lính hâm mộ đội tuyển Italia, chỉ có cơ hội duy nhất được xem truyền hình trực tiếp đội tuyển thân yêu của mình đá. Vậy mà nghiệt ngã thay, lần đầu tiên ấy lại là thất bại trong trận chung kết bởi luật “cái chết bất ngờ”. Những người lính kiên cường trước bao gian nguy, thử thách, luôn hiên ngang đối mặt với quân thù đã bật khóc một cách ngon lành. Chỉ có bóng đá mới có thể đem lại những cảm xúc mãnh liệt đến thế!
Lúc đủ đầy, mấy ai nghĩ về một thời gian khó?! Một mùa EURO nữa lại về nhưng riêng với tôi, những cảm xúc về kỳ EURO 2000 giữa muôn trùng đảo xa vẫn vẹn nguyên, đầy ngọt ngào!
(Gửi tặng những đồng đội ở E83 Công binh Hải Quân nhập ngũ năm 1999-2000 và các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa).
Hải Nam