(SGGPO).- Diễn ra từ ngày 29-4 đến 4-5, Festival Huế 2016 chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên-Huế _ Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã thu hút 18 quốc gia tham gia với 34 đoàn nghệ thuật quốc tế và trong nước biểu diễn.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, du lịch và nghệ thuật, các lễ hội cộng đồng lần đầu được tổ chức sẽ góp phần tạo ra nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách khám phá tại Festival Huế 2016.
Tiết mục nghệ thuật tại đêm tổng duyệt khai mạc Festival Huế 2016
1. Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Huế 2016: Diễn ra tối 29-4, tại sân khấu nghệ thuật trước Ngọ Môn - Đại nội Huế với quy mô 6.000 khán giả.
Chương trình nghệ thuật này là sự tổng hòa, quy tụ những giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại mang hơi thở cuộc sống của Huế, nhiều vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam và các quốc gia. Ngay sau khi kết thúc chương trình nghệ thuật khai mạc, sẽ diễn ra chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tầm cao để phục vụ công chúng.
2. Lễ hội đường phố chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa”: Do các đoàn nghệ thuật Đông Á - Mỹ La tinh thực hiện, diễn ra vào các buổi chiều 1-5 và 3-5 trên một số tuyến đường phố chính trong TP Huế với lịch trình:
Ngày 1-5: 15g30 khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (41A đường Hùng Vương). 16g15 xuất phát ra đường Hùng Vương hướng đến đường Lê Lợi, tại ngã tư Hùng Vương - Lê Lợi (chân cầu Trường Tiền, trước Khách sạn Saigon Morin) dừng lại biểu diễn, sau đó theo đường Lê Lợi tiến đến chân cầu Phú Xuân (Trung tâm Dịch vụ Festival - 11 Lê Lợi). 18g cùng ngày, chương trình kết thúc.
Ngày 3-5: 15g30 xuất phát tại Trung tâm Văn hóa TP Huế (65 Trần Hưng Đạo) ra đường Trần Hưng Đạo hướng về cầu Trường Tiền, đến bùng binh phía Bắc cầu Trường Tiền dừng lại biểu diễn, sau đó tiếp tục đi đến Gia Hội, vòng qua bùng binh cầu Gia Hội rồi quay về lại Trung tâm Văn hóa TP Huế. 18g cùng ngày, chương trình kết thúc.
Rực rỡ lễ hội đường phố
3. Lễ hội Quảng Chiếu: Diễn ra ngày 1-5 tại Công viên Thương Bạc (TP Huế) với nghi thức cử hành nghi lễ An vị đàn tràng; Lễ hội chính thức.
Ngoài ra, còn có triển lãm và chương trình ẩm thực chay từ ngày 29-4 đến 4-5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Quán. Đây là kết tinh tâm nguyện của tăng ni, Phật tử Thừa Thiên-Huế cầu mong đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, hạnh phúc.
Lễ hội thể hiện qua nghi lễ tâm linh hòa quyện biểu diễn nghệ thuật bằng vũ điệu lục cúng hoa đăng. Kinh phí tổ chức gấp 4 lần so với các lễ hội Phật giáo lớn nhất từng được tổ chức trên đất Huế, điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tăng ni, Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế.
4. Đêm Hoàng Cung: Tái hiện vẻ đẹp lung linh của Đại nội Huế về đêm, giới thiệu nghệ thuật múa hát cung đình, tổ chức các trò chơi dân gian, cung đình, kết hợp hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình chiếu hiện đại, mới lạ, hấp dẫn.
Tâm điểm của Đêm Hoàng Cung là “Dạ yến tiệc cung đình” diễn ra tại sân điện Cần Chánh, được kết hợp độc đáo giữa ẩm thực cung đình Huế và các chương trình ca múa nhạc tiêu biểu nhất của cung đình xưa.
Trò chơi cung đình tại Đêm Hoàng Cung
Đêm Hoàng Cung còn có các chương trình: Sắp đặt mặt nạ tuồng Huế, thưởng thức Ngự trà, thư pháp, triển lãm đồ gốm, nghệ thuật diều Huế… tạo nên một chuỗi hoạt động liên hoàn trong Đại nội, giúp du khách có những trải nghiệm và khám phá thú vị khi đến với Festival Huế 2016.
Đêm Hoàng Cung diễn ra vào ngày 1-5 và 3-5.
5. Lễ hội Áo dài - “Nơi huyền thoại bắt đầu”: Nhằm tôn vinh và giữ gìn vẻ đẹp của trang phục truyền thống được xem là quốc phục của Việt Nam. Với sự góp mặt của hơn 10 nhà thiết kế từ 3 miền Bắc, Trung, Nam, Lễ hội Áo dài Festival Huế 2016 hứa hẹn mang lại nhiều phong cách đa dạng và trên hết là tạo nên một đêm huyền thoại để tôn vinh chiếc áo dài.
Lễ hội Áo dài nhằm tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống được xem là quốc phục của Việt Nam
Sân khấu Bia Quốc Học sẽ biến thành không gian đậm màu sắc Huế, với sự góp mặt của các hoa hậu, người mẫu chuyên nghiệp và hơn 100 diễn viên, cùng các ca sĩ nổi tiếng như: Quang Linh, Vân Khánh, Quang Hào… dưới sự chỉ huy của đạo diễn Đinh Anh Dũng.
Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 20g ngày 30-4 tại Sân khấu Bia Quốc Học.
6. Ngày hội Khinh khí cầu: Lần đầu tiên được tổ chức tại Huế, ngày hội quy tụ 9 khinh khí cầu của 9 quốc gia, tượng trưng cho kỳ Festival Huế lần thứ 9 – 2016. Mỗi khinh khí cầu cao 25m, rộng 18m, trọng lượng tối đa 300kg, đến từ: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Anh và Việt Nam.
Ngày hội Khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức tại Festival Huế 2016
Đại diện khinh khí cầu của Việt Nam là của Hãng Hàng không Vietjet. Tham dự ngày hội, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh của kinh thành Huế, sông Hương, núi Ngự và các vùng phụ cận từ độ cao 150m. Cự ly bay trong phạm vi 5km, từ vị trí treo và cất cánh tại Sân Hàm Nghi, đến ba vị trí hạ cánh dự kiến: xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang), phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà) và phường Hương Long (TP Huế).
Ngày hội diễn ra vào ngày 4 và 5-5 với hai khung giờ bay: buổi sáng từ 05g30 đến 8g và buổi chiều từ 17g đến 18g30.
7. Hương xưa làng cổ: Là hoạt động cộng đồng của Festival Huế 2016, từ ngày 30-4 đến 2-5 tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Trong những ngày diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức.
Các nghệ nhân làng cổ Phước Tích chuẩn bị sản phẩm gốm truyền thống giới thiệu tại lễ hội Hương xưa làng cổ
Du khách thỏa thích tham quan nét đẹp của một làng quê Việt Nam đã hình thành và phát triển cách đây hơn 500 năm, với các nhà rường cổ kính và cây thị di sản hơn 500 năm tuổi, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu trong xanh, hiền hòa; trải nghiệm làm các loại bánh lá, tham gia nhào, nặn các sản phẩm gốm Phước Tích; đục đẽo, chạm trổ với các nghệ nhân điêu khắc Mỹ Xuyên...
8. “Chợ quê ngày hội”: Được tổ chức từ ngày 30-4 đến 4-5 trong không gian từ Cầu Chùa (Đình làng Thanh Thủy Chánh), Cầu ngói Thanh Toàn đến Phủ thờ Tôn Thất Thuyết tại xã Thủy Thanh, mở rộng các hoạt động hưởng ứng ở tất cả các xã, phường của thị xã Hương Thủy.
Về với lễ hội, du khách có thể khám phá thêm nhiều nét thú vị: tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, chơi bài chòi, xem đua ghe, đêm hội hoa đăng, thi hát dân ca, thi đạp nước...
VĂN THẮNG