Ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không được để dịch Covid-19 quay lại lần thứ hai, xóa bỏ thành quả bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, CPI tháng 6 tăng 0,66%. Từ đó, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, dần tiệm cận với chỉ tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% mà Quốc hội đề ra. Để thực hiện được mục tiêu kiểm soát CPI bình quân cả năm 2020 trong khoảng 4% thì dư địa cho các tháng còn lại sẽ ở mức +0,56%/tháng. Đến thời điểm hiện nay, dư địa cho công tác kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại vẫn ở ngưỡng tương đối thuận lợi, với quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng thì kiểm soát lạm phát năm 2020 sẽ dưới 4%. Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới được dự báo vẫn ảm đạm do tình hình dịch bệnh, việc điều hành giá vẫn cần được thực hiện thận trọng.
Về giá cả một số mặt hàng, Bộ Tài chính cho biết, nguồn cung thịt heo đang được bổ sung từ hoạt động chăn nuôi, tái đàn, nhập khẩu dần được đáp ứng trong thời điểm cuối quý 3, đầu quý 4-2020. Trong các tháng tiếp theo, giá thịt heo nhiều khả năng sẽ không có biến động lớn so với mức giá hiện nay và có thể giảm dần trong quý 4.
Giá các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường cơ bản ổn định do nguồn cung trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Giá điện cơ bản được giữ ổn định trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Bộ Tài chính đưa ra 2 kịch bản điều hành giá. Kịch bản 1, CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng khoảng 3,64%. Kịch bản 2, CPI tăng khoảng 3,95%. Ngân hàng Nhà nước dự báo CPI cả năm 2020 trong khoảng 3,7±0,5%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2020 theo 2 kịch bản: kịch bản 1 tăng từ 3,5-3,7% và kịch bản 2 tăng từ 3,8-4,1%.
Tại cuộc họp, ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí cho rằng có khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%; nhưng cần quản lý tốt khâu trung gian; xem xét vấn đề giá của bộ sách giáo khoa (SGK) mới; phối hợp tốt chính sách tiền tệ và tài khóa; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá…
Liên quan đến việc giá bộ SGK mới cao hơn bộ sách cũ, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn; sách được in màu, chất lượng tốt hơn.
Theo yêu cầu giảm giá SGK của Bộ GD-ĐT, qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính, giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu. Học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo được cấp phát SGK miễn phí.
Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT thấy có một số bất cập nên đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định SGK, làm rõ nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, CPI bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19% trong 6 tháng đầu năm, cho thấy khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra là khả thi.
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục các bất cập về vấn đề giá thịt heo, SGK, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu. Về điều hành giá 6 tháng cuối năm, cần tiếp tục kiểm soát lạm phát, không chỉ tập trung tháo gỡ để tăng trưởng mà còn lưu ý hơn nữa đến giá cả, lạm phát.
Thủ tướng cho rằng, sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. Trong bối cảnh đó, chúng ta kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Chính phủ sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hướng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế. Kiểm soát lạm phát nhưng không thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ.
Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để chúng ta đạt được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật về giá bảo đảm đúng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn hiện nay, ví dụ như đề nghị đưa SGK vào danh mục Nhà nước kiểm soát giá.
Thủ tướng cũng chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng cụ thể. Đối với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Với mặt hàng điện, không tăng giá điện; Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.
Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp. Về mặt hàng thịt heo, Thủ tướng nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập heo sống, xử lý vấn đề giống heo để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt heo phù hợp.
Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020); Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo. Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về giá SGK, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền SGK đối với học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay, đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.
Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp cũng cần có chương trình giảm giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng.