Xem xét kỷ luật cán bộ, lãnh đạo để lâm tặc "xẻ thịt" rừng phòng hộ
SGGPO
Liên quan đến vụ để lâm tặc “xẻ thịt” rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ, lãnh đạo liên quan khi để xảy ra phá rừng…
Ngày 16-8, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh này thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, xử lý kỷ luật các cán bộ có liên quan khi để xảy ra vụ “xẻ thịt” rừng phòng hộ tại các tiểu khu 142, 145, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).
Nhiều cây gỗ rừng cổ thụ bị lâm tặc cưa hạ không thương tiếc.
Hiện trường lâm tặc "xẻ thịt" rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh.
Cùng với đó, ông Trần Châu chỉ đạo kiểm điểm và có hình thức xử lý lãnh đạo và các cán bộ kiểm lâm liên quan trong vụ để “mất” rừng này.
Phó Chủ tịch Trần Châu giao Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện này;
Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ UBND xã Vĩnh Sơn khi để xảy ra vụ phá rừng trên địa bàn; trách nhiệm lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng…
Sau khi có kết quả xử lý, phải có báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 15-9-2018.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ cho Công an huyện Vĩnh Thạnh khẩn trương điều tra, truy tìm bằng được thủ phạm phá rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
“Đây là vụ phá rừng có tổ chức, các đối tượng vi phạm sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh hơn. Qua vụ việc cho thấy mặt yếu kém của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương…”- trích ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Trần Châu.
Không nên để "mất bò mới lo làm chuồng"
Liên quan đến vụ lâm tặc "xẻ thịt" rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh. Trước đó, các ngày 30 và 31-7-2018, PV Báo SGGP đã tiếp cận, ghi nhận hiện trường vùng rừng bị tàn phá. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ có đường kính rất lớn bị lâm tặc cưa hạ không thương tiếc; nhiều cây gỗ khác có đường kính đến 1,05m bị lâm tặc banh xẻ"; cội, ngọn, bìa, váng... mà lâm tặc để sót nằm ngổn ngang.
Một cây gỗ đường kính 1,05m bị lâm tặc "xẻ thịt" giữa rừng nguồn.
Tìm hiểu từ đơn vị chức năng, chuyện giữ rừng tại huyện Vĩnh Thạnh nảy sinh nhiều tồn tại từ trước đến nay. Và việc lâm tặc vào rừng nguồn Hồ thủy lợi Định Bình tàn phá cây rừng cổ thụ chỉ là "giọt nước tràn ly".
Đến khi nghe câu chuyện của một lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh thì lại càng chạnh lòng hơn. Khi 35.000 ha rừng chỉ có 17 người quản lý, bảo vệ? Trong đó, cứ 2 tháng đi kiểm tra rừng một lần, chỉ tập trung cho những điểm "nóng" thôi; ngay cả việc lập chốt bảo vệ rừng cũng phải treo nợ vì không có kinh phí. Thậm chí có khi "bỏ quên rừng" vì diện tích rộng quá.... Để thấy rằng, cách giữ rừng ở Vĩnh Thạnh bị động, chủ quan...
Tại sao 35.000 ha rừng chỉ có 17 người quản lý, bảo vệ. Đến khi rừng bị lâm tặc cướp, phá thì đơn vị chức năng mới thành thật là... không đủ sức để giữ rừng?
Chưa hết, còn nhiều vấn đề liên quan đến kết quả giám định, kiểm kê thiệt hại rừng mà đơn vị chức năng đã "bỏ lọt" một số cây rừng bị phá trước đó. Việc này, vẫn chưa được đơn vị chức năng giải thích cụ thể?