Xét tặng nghệ nhân dân gian - Chưa hết rối rắm

10 năm nhùng nhằng trong việc xây dựng tiêu chí, tên gọi cũng như quy trình xét tặng… đã khiến số nghệ nhân dân gian vốn đã ít nay chỉ còn phân nửa. Vì thế, một trong những mong mỏi được các nhà khoa học, các nghệ nhân đưa ra trong buổi góp ý dự thảo nghị định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân được tổ chức ngày 10-4 tại Hà Nội chính là phải nhanh chóng hoàn tất và đưa nghị định vào cuộc sống.
Xét tặng nghệ nhân dân gian - Chưa hết rối rắm

10 năm nhùng nhằng trong việc xây dựng tiêu chí, tên gọi cũng như quy trình xét tặng… đã khiến số nghệ nhân dân gian vốn đã ít nay chỉ còn phân nửa. Vì thế, một trong những mong mỏi được các nhà khoa học, các nghệ nhân đưa ra trong buổi góp ý dự thảo nghị định về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân được tổ chức ngày 10-4 tại Hà Nội chính là phải nhanh chóng hoàn tất và đưa nghị định vào cuộc sống.

  • Tài không đợi tuổi

Một trong những vướng mắc thường thấy của việc phong tặng nghệ nhân đó là rào cản về tính định lượng, về tuổi tác. Trong 8 tiêu chí để đạt tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, dự thảo Nghị định đề ra nghệ nhân nhân dân phải có thời gian 25 năm thực hành và phổ biến tri thức, với nghệ nhân ưu tú 20 năm, theo GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, điều này rất bất hợp lý. Cụ thể trong cuộc thi dân ca ở Phú Yên vừa qua, một cậu bé người Chăm 13 tuổi nhưng đã thổi kèn bóp rất mượt thậm chí có khi còn hay hơn cả người luyện kèn 30 năm, phải coi đó là tài năng chứ? “Tôi nói vậy không phải có ý đòi phải phong tặng nghệ nhân cho cậu bé ấy, nhưng điều này nhằm thức tỉnh các bạn làm hành chính đã quên mất rằng trong tài năng, sáng tạo thì phải có thăng hoa. Vì thế khi Hội Văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đều căn cứ vào tài năng chứ không căn cứ vào tuổi tác. Nếu cứ quy định cứng nhắc thời gian cống hiến thì lấy cái gì để tính thời gian, nghệ nhân Hà Nhì sống ở Mường Tè, đến tuổi còn không biết, cụ bảo tôi sinh ra vào cái năm lụt, làm sao ai biết cụ hát từ năm bao nhiêu để lấy mốc công nhận cho cụ”, GS Tô Ngọc Thanh nói.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm chợ cuối cùng đã ra đi, nhưng việc phong tặng danh hiệu còn bàn cãi do thủ tục.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người hát xẩm chợ cuối cùng đã ra đi, nhưng việc phong tặng danh hiệu còn bàn cãi do thủ tục.

“Chúng tôi phải tìm những nghệ nhân chân quê đích thực, từ làng đi lên, hát mộc. Chúng tôi tìm nét đơn sơ hồn nhiên, chân chất nhưng đằm thắm của dân ca cũng như các di sản văn hóa phi vật thể. Bảo vệ nó là bảo vệ tâm hồn của chúng ta. Hội Văn nghệ dân gian cũng không có chuyện “ông trên ông dưới”, tất cả đều là nghệ nhân, không thể lượng hóa được” - GS Tô Ngọc Thanh khẳng định.

Đại diện Hội Di sản Hà Nội cho rằng với những người có tài thực sự mà bắt họ phải đợi tới vài chục năm mới đủ tiêu chuẩn về thời gian thực hành mới xét tặng sẽ gây thiệt thòi.

  • Rắc rối hồ sơ xin xét tặng

Ngoài những thắc mắc về vấn đề định lượng trong việc xét tặng, nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu quy định phải có bản sao công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen… cùng các tài liệu liên quan thực sự quá nặng về hành chính. Theo GS Tô Ngọc Thanh như thế quá là đánh đố các nghệ nhân. Người ta ở tận xó núi, xó rừng, xó làng, cả đời chẳng biết cái nghị định này là cái gì, khả năng tiếp cận đến bộ hồ sơ này của họ không dễ. Những người ở xó rừng lấy đâu ra bằng khen, huy chương.

Đồng tình với quan điểm này GS Hoàng Chương cho rằng việc xây dựng tiêu chí, quy trình xét tặng vốn đã quá chậm chạp khiến bao nghệ nhân đã ra đi mà không chờ tới ngày được vinh danh, ghi nhận. Nay lại bắt họ, phần lớn đều đã vào tuổi xưa nay hiếm, thậm chí nhiều người còn không biết chữ hoàn thành bộ hồ sơ ghê gớm, thủ tục dài dòng chẳng khác nào hành hạ, đánh đố nhau. Theo TS Đặng Văn Bài, cần xem xét các yếu tố đặc thù của những người già, yếu, không biết chữ thì nên để các hội chuyên ngành, các địa phương làm giúp. Từ kinh nghiệm làm thí điểm việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian quan họ - Bắc Ninh thì đề cao tiêu chuẩn cộng đồng suy tôn và đây là quyết định cho uy tín và khả năng tiếp tục phát huy được tài năng.

Các đại biểu cũng thống nhất đề nghị cần sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành để tránh thiệt thòi cho các nghệ nhân, đặc biệt là những nghệ nhân tuổi cao, sức yếu. Đặc biệt lưu ý đến tính đặc thù của lĩnh vực mà Nghị định điều chỉnh, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng, nghị định này quy định các vấn đề trong lĩnh vực đặc thù, do đó các tiêu chuẩn, quy định cũng phải phù hợp với tính đặc thù đó. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đặng Thị Bích Liên kết luận, dự thảo nghị định được đưa ra lấy ý kiến lần này là bản dự thảo lần thứ 3. Vì thế nếu sớm nhất đến quý 2 năm nay mọi thủ tục tiếp thu mới được hoàn thành và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Vì thế, có lẽ, các nghệ nhân dân gian sẽ lại tiếp tục phải chờ đợi. 

VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục