
Đây là một trong những xì-căng-đan lớn nhất sau Thế chiến II ở Nhật Bản. Việc điều tra cho thấy đang lộ dần một tổ chức được liên kết chặt chẽ cùng những luật ngầm trong giới thầu xây dựng. Thủ tướng Koizumi chỉ thị: Phải xử lý nghiêm vụ việc.
Khoảng 50 thầu khoán xây dựng cầu giao thông thuộc hai hiệp hội công nghiệp lớn của Nhật Bản đang bị tình nghi dính líu đến các vụ “đi đêm” dàn xếp đấu thầu lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản sau Thế chiến II.
Sự kiện này gây ra một xì-căng-đan lớn nhất trong thầu xây dựng ở Nhật Bản vì các công trình xây dựng cầu giao thông công cộng chiếm hơn 350 tỷ yên Nhật (khoảng 51.845 tỷ đồng VN) trong tổng thương mại hàng năm. Các cáo trạng chống lại ít nhất 9 công ty từng lãnh đạo 2 hiệp hội trong năm tài chính 2003 và năm tài chính 2004. Nếu cáo trạng được tuyên bố, đây sẽ là trường hợp phạm tội đầu tiên bị Ủy ban công bằng thương mại Nhật Bản (FTC) phanh phui kể từ năm 2003, sau vụ gian lận đấu thầu đồng hồ nước do chính quyền thành phố Tokyo làm chủ mời thầu.
Họ là ai?

Công tố viên khám xét Văn phòng tại Tokyo của Ishikawajima-Harima Heavy Industries Co.
Hai hiệp hội đầy quyền lực trong giới xây dựng là “K-kai” (Hội K) và “A- kai” (Hội A). Có nhiều điều tiếng về các vụ dàn xếp đấu thầu của hai hội này trong 4 thập niên qua, kể từ khi chúng được thành lập từ những năm 1960. Hội thứ nhất gồm 17 công ty, chủ chốt là các nhà sản xuất lớn như Miyaji Iron Works Co., Ishikawajima – Harima Heavy Industries Co. và Yokogawa Bridge Corp.
Hội này được gọi là Koyokai trước khi tan rã năm 1991. Năm 1993, Hội tái hợp dưới tên gọi “K-kai”. Trong hai năm tài chính 2003 và 2004, đứng đầu K-kai là Yokogawa Bridge Corp, công ty lớn nhất Nhật Bản trong xây dựng cầu giao thông. Hội thứ hai là Azumakai gồm 30 công ty “lính mới” trong lĩnh vực xây dựng.
Hội này cũng từng tan rã, sau đó tái hợp năm 1993 với tên mới A-kai. Đứng đầu A-kai trong hai năm tài chính 2003 và 2004 là Kawada Industries Inc. 47 công ty thành viên sẽ họp vào cuối tháng 3 hằng năm để chọn ra công ty đứng đầu. Các thành viên xem trọng chữ tín và sự công tâm của ban lãnh đạo. Mỗi hội có 3 công ty lãnh đạo, gồm 1 chính và 2 phụ. Ban lãnh đạo có nhiệm vụ phân phối các hợp đồng thầu công trình cho thành viên của hội.
Nhiều năm qua, các điều phối viên này đã chỉ định trước người thắng thầu cũng như mức giá trong các cuộc đấu thầu xây cầu do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông tổ chức, nhằm bảo đảm cho thành viên của họ thắng thầu với mức giá cao.
Luật ngầm
Tháng 10-2004, FTC đã thanh tra hai hội trên và các công ty thành viên. FTC điều tra theo hướng tập trung vào các hợp đồng của Bộ Giao thông ở 3 khu vực: Tohoku, Kanto và Hokuriku cùng các công trình xây cầu của Tập đoàn Xa lộ công cộng Nhật Bản.
Bằng chứng quan trọng của các công tố viên chính là cuốn cẩm nang các điều ước trong dàn xếp đấu thầu của hội, được tìm thấy trong các cuộc đột kích vào trụ sở một số công ty. Cuốn cẩm nang này được biên soạn dành riêng cho giới thầu khoán, nó chỉ dẫn cách thức “móc ngoặc” trong các dự án công trình công cộng.
Theo đó, các hiệp hội được thành lập nhằm chiếm ưu thế trong việc tranh giành miếng lớn trong “cái bánh” 350 tỷ yên hàng năm. Cuốn điều ước trên được bảo quản bởi một nhân vật cao cấp của một công ty thành viên chủ chốt trong K-kai trước khi nó lọt vào tay FTC. Các điều tra viên cho rằng cuốn cẩm nang được một quản trị viên cấp cao của Yokogawa Bridge Corp., kiêm Chủ tịch K-kai soạn ra từ nhiều năm trước, trong đó giữ lại một số “luật” cơ bản của Koyokai.
Cuốn sách chỉ khoảng một chục trang nhưng chứa đựng những điều ước được các thành viên hết sức tuân thủ. Cuốn sách cũng quy định rõ sẽ ưu tiên giao thầu cho công ty có trụ sở chính ở gần địa điểm xây dựng. Công ty đã tham gia vào việc xây dựng công trình nào thì được ưu tiên thầu sửa chữa công trình đó.
Các điều ước trên được tuân thủ nghiêm ngặt nhờ kỷ luật sắt: “thành viên nào vi phạm điều ước sẽ lập tức bị khai trừ khỏi hội”.
“Cái bánh” chia 10 phần, Hiệp hội “ăn” hết 9

Cầu Akashi Kaikyo - Yokogawa Bridge và Kawada Industries tham gia cung cấp thép cho công trình này..
Với cách cơ cấu tổ chức chặt chẽ, “đồng hội đồng thuyền”, K-kai và A-kai đã trở thành một thế lực đáng gờm cho các đối thủ cạnh tranh. Họ rất thành công trong việc loại bỏ các đối thủ ra khỏi cuộc đấu thầu để giành lấy gói thầu ở mức giá cao nhất.
Trung bình, họ thường có được các hợp đồng béo bở ở mức trên dưới 95% giá dự án của chủ đầu tư. Chỉ tính riêng các dự án công trình công cộng tại 3 khu vực Tohoku, Kanto và Hokuriku, trong năm tài chính 2003, họ đã giành được các hợp đồng trị giá 29,9 tỷ yên chiếm 91% trên tổng số 32,7 tỷ yên cho các dự án xây cầu.
Năm tài chính 2004, con số này là 30,65 tỷ yên/34,3 tỷ yên, hay 89% “chiếc bánh”. Trước khả năng “thâu tóm” hợp đồng của K-kai và A-kai, không chỉ các công ty trong nước điêu đứng mà ngay cả các tập đoàn nước ngoài cũng phải kiêng dè.
Trong một thời gian dài, Mỹ không ngừng yêu cầu Tokyo phải có chính sách khẩn cấp với những vụ “móc ngoặc” của các công ty Nhật Bản, nhất là trong ngành sản xuất thép và xây dựng, nếu không, các công ty nước ngoài sẽ không thể “sống” được.
Những công ty vi phạm Luật chống độc quyền có thể bị phạt 6% giá trị hợp đồng đã kiếm được.
Cuối tháng 5-2005, các thanh tra viên và công tố viên đã khám xét văn phòng của các “đại gia” như Mitsubishi Heavy Industries Ltd, Kawasaki Heavy Industries Ltd., Matsuo Bridge Co., Hitachi Zosen Corp. và Sumitomo Heavy Industries Ltd. Các tài liệu thu được cho thấy sau khi FTC bắt đầu các cuộc điều tra vào tháng 10-2004, các thành viên hai hội vẫn “bình chân như vại” và từ đó đến tháng 3-2005, họ còn có thêm 32 hợp đồng được thực hiện.
“Bí kíp” thành công
Một trong những chiến lược được xem như “bí kíp” của hội là tuyển dụng các cựu quan chức cao cấp Nhà nước. Trong 47 nhà thầu thành viên thì có tới 30 thành viên thi hành chiến lược này. Họ tận dụng tối đa các mối quan hệ cũng như những thông tin và kinh nghiệm mà các cựu quan chức này tích cóp được sau nhiều năm làm việc. Các cựu quan chức có nhiệm vụ thăm dò những thông tin liên quan đến các dự án của Nhà nước từ các quan chức đương nhiệm. Thông tin này sẽ được nhà thầu khoán cung cấp cho các công ty tư vấn thiết kế.
Tuy nhiên, “có đi có lại”, nếu nhờ đó mà công ty tư vấn trúng thầu thiết kế thì nhà thầu khoán sẽ thi công bản vẽ mà không phải trả tiền hoặc là họ có quyền góp ý vào bản thiết kế. Lúc này, việc có người đại diện là một cựu quan chức Nhà nước sẽ là một lợi thế trong các cuộc thương thảo với công ty tư vấn. Hội quy định rằng thành viên nào đã có “kế hoạch tối mật” cho các bản vẽ của dự án mà báo trước với Ban lãnh đạo thì sẽ được ưu tiên chỉ định trúng thầu.
Tuy các phòng kế hoạch xây dựng của Nhà nước luôn nói sẽ gạch tên những công ty tư vấn nào “đi đêm” với các công ty thi công nhưng xem ra khó mà giám sát chặt chẽ được. Tuy nhiên, lần này Thủ tướng Junichiro Koizumi đã có ý kiến phải xử lý nghiêm vụ việc này bằng pháp luật.
BẢO TRÚC
(Theo Kyodo, Japan Today, Asahi Shimbun)