Cầu truyền hình Hà Nội - Trường Sa
(SGGP).- Cái siết tay thật chặt của người cha già nhìn thấy cậu con trai sau hơn 2 năm tình nguyện ra đảo đã rắn rỏi, trưởng thành; Giọt nước mắt đong đầy nỗi nhớ của người vợ được gặp chồng; Ánh mắt lấp lánh tự hào của cậu lính trẻ ra đón mẹ ở chân cầu cảng… đã mở đầu cho cầu truyền hình “Biển đảo chúng ta” được kết nối giữa hai đầu cầu Hà Nội và Trường Sa, tối 7-6 càng trở nên gần gũi và ấm áp.
Khán giả trong và ngoài nước theo dõi trực tiếp trên VTV1, VTV4, VTV6 đã sống trong một không gian ngập tràn cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo.
Qua những clip, phóng sự được thực hiện tại chính Trường Sa, khán giả đã được chứng kiến được nghe như được sống trong không khí ấm áp, chân tình của ngôi nhà lớn Trường Sa ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Đó là câu chuyện về sự đời của cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân đầu tiên cất tiếng khóc chào đời ở Trường Sa, trong sự đón chờ của toàn bộ cư dân trên đảo; là những cảm xúc của cô giáo Bùi Thị Nhung, người đã nhiều năm cần mẫn làm công việc “gieo những con chữ” cho những mầm xanh trên đảo… Chương trình càng trở nên có ý nghĩa hơn khi có sự góp mặt của những nhân vật đã gắn bó và cống hiến cho công cuộc gìn giữ biển đảo quê hương như nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân (người đã 15 năm chuyên tâm nghiên cứu chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Đông thông qua cổ sử của Trung Quốc); PGS-TS Chu Hồi (chuyên gia về đại dương học Việt Nam); PGS-TS Phạm Ngọc Nam (người được mệnh danh là “ông nhà giàn” - chủ nhiệm công trình nhà giàn DK1 được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh); ông Trần Quân Bảo (người lưu giữ những tư liệu về gia đình họ khi ở Hoàng Sa năm 1939 - 1940 và sẵn sàng cung cấp cho nhà nước để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam). Nhân chứng sống - Trần Quân Bảo tâm sự, năm 1938 - 1939, ông Trần Quân Bảo khi đó mới 5 tuổi đã cùng cả gia đình sinh sống trên đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi đó, Hoàng Sa chỉ mới có hai ngô nhà được dựng ở trên đảo một là trạm khí tượng thủy văn và căn nhà còn lại là nơi sinh sống của gia đình, ông Trần Quân Bảo nhớ lại. Ông Bảo cũng cho biết, hiện gia đình còn lưu giữ những bức ảnh tư liệu quý giá về gia đình họ khi ở Hoàng Sa và sẵn sàng cung cấp những tư liệu quý này cho nhà nước để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam…
Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Những hình ảnh quân - dân trên quần đảo kiên trung, bất khuất nơi “đầu sóng, ngọn gió” âm thầm, lặng lẽ đắp xây hạnh phúc và bảo vệ vững chắc “cột mốc chủ quyền”, “nơi tuyến đầu” của Tổ quốc là bằng chứng hùng hồn khẳng định sức sống mãnh liệt của những người con đất Việt, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dù không được trực tiếp đến với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc song khán giả đều có thể cảm nhận được Trường Sa ở ngay đây, trong trái tim của mỗi người con đất Việt.
MAI AN